Bạn đọc viết:
Muốn nền giáo dục tốt lên, toàn xã hội đều phải phấn đấu
(Dân trí) - Tôi không làm trong ngành giáo dục và cũng không đồng tình với chuyện học hành thi cử không nghiêm túc. Nhưng đọc ý kiến phản hồi của nhiều người, tôi thấy rằng hình như nhiều người chỉ biết phê phán, chỉ trích người khác một cách chưa thật có ý thức xây dựng.
Trong khi các vị hãy thử hỏi và nhìn lại mình xem đã học hành, thi cử như thế nào. Theo tôi, với thực trạng xã hội hiện nay, không chỉ nền giáo dục đâu, mà nhiều mặt, nhiều vấn đề của xã hội đều có những biểu hiện của sự xuống cấp.
Nếu muốn nền giáo dục, xã hội tốt lên thì bản thân từng người phải tốt lên trước đã. Bản thân mình phải học hành cho ra học và dạy dỗ con em mình học hành đến nơi đến chốn… Còn nếu mọi người không chung tay thì ngành giáo dục làm gì được với thực trạng này?
Ngành giáo dục làm nghiêm trong thi PTTH thì quá dễ chứ có gì đâu, nhưng tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp PTTH sẽ rất lớn, hậu quả sẽ như thế nào? Theo tôi, thành tích của ngành giáo dục có thấp cũng chỉ là vì học sinh không chịu học, chứ đâu phải giáo viên không chịu dạy.
Và nếu nhiều học sinh bị trượt tốt nghiệp PTTH thì bản thân và gia đình các em đó sẽ như thế nào? Có học lại các em này chắc cũng chẳng giỏi lên được, mà chi phí gia đình và xã hội sẽ gánh chịu là rất lớn.
Vậy nên tôi thấy để xảy ra tiêu cực trong thi cử như thế này là chuyện có lẽ cũng không thể tránh được, lý do vì thành tích của ngành giáo dục thì cũng có, nhưng cái cơ bản là vì lợi ích của các em học sinh, của gia đình và xã hội.
Để các em tốt nghiệp rồi chọn cho mình một con đường lập nghiệp phù hợp với năng lực là thượng sách. Hãy làm nghiêm kỳ thi đại học và thi chọn người giỏi thôi.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải dần từng bước và bắt đầu từ gốc, chứ thực trạng dạy và học như hiện nay mà đòi làm nghiêm trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH thì chắc học sinh, gia đình và xã hội có khi đều quá lo lắng đến mức có thể… “vỡ đầu”, chứ không phải chỉ ngành giáo dục lo thôi đâu.
Tôi xin chia sẻ với hội đồng thi trường Đồi Ngô - Bắc Giang vì bị… “gặp hạn”, chứ thực tế thì ai chẳng biết đây là tình trạng phổ biến mà…