Muốn loại bỏ các loại “tặc”, cần lời nói thẳng như tướng Chung

Không phải đến khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã nói về nạn “cát tặc”, mà chữ “tặc” từ lâu đã được dư luận gắn cho rất nhiều nạn: từ lâm tặc, cát tặc, đất tặc, đinh tặc cho đến ngư tặc, cẩu tặc, vàng tặc, cà phê tặc, cao su tặc... cho dù chúng không hề hiện diện trong bất kì cuốn từ điển nào. Vậy vì đâu hiện nay chữ “tặc” lại phổ thông tới mức như hiện nay? Cần làm gì để loại bỏ được các loại “tặc”?


Hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được kiểm soát.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được kiểm soát.

>> “Cát tặc” áp giải cả Bí thư huyện uỷ, kiện ngược chính quyền

Nguyên nhân do băng nhóm “xã hội đen” hay …

Trong từ điển Hán – Việt (Nguyễn Văn Khôn - 1960), từ “tặc” trong tiếng Hán là “Giặc cướp. Người làm loạn” đã được dư luận sử dụng rất linh hoạt, hợp lý.

Hiện, hầu như ở lĩnh vực nào cũng có “tặc” như vậy thì chí nguy. Do đó, không phải vô cớ, ngày 7.3 vừa qua, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phải tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng và một số tỉnh để bàn chuyên đề nạn “cát tặc”.

Phó thủ tướng phải nhấn mạnh: “không được bó tay trước “cát tặc”. Điều đó chứng tỏ tình hình đã nghiêm trọng. Mặc dù, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo nhưng cho đến nay lĩnh vực khai thác cát diễn biến rất phức tạp.

Tại cuộc họp này, một số vị đại diện của chính quyền, cơ quan chức năng đã giải trình những khó khăn cả khách quan, chủ quan để ngăn chặn nạn nạo vét lòng sông vô tội vạ, bất chấp việc đổi dòng, lở đất và hàng ngàn ngôi nhà đổ ập xuống dòng sông.

Về nguyên nhân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết: “Chế tài pháp luật là vấn đề đáng nói. Cách đây vài năm chúng tôi bắt một vụ, sau đó họ đánh chìm tàu, cuối cùng chủ tịch xã bị xử lý kỷ luật”. Hoặc đại diện tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết việc xử lý cát tặc “ dễ gây họa cho cấp huyện, xã bởi giữ một cái tàu mà để họ đánh chìm, sau đó ra tòa là mình thua trắng”. Nhưng, dư luận có quyền hỏi: liệu đây có phải là lý do chính hay bởi chính những khoảng tối, tối nhưng dư luận vẫn biết, chỉ có điều chưa ai, chưa cơ quan chức năng nào nói thẳng huỵch ra?

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã nói thẳng: “Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này.

Vậy những ai, những tổ chức nào có thể đứng ra bảo kê cho các đối tượng “cát tặc” này?

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương , cho biết có cả bóng dáng “xã hội đen” đứng đằng sau các chủ tàu khai thác cát trái phép, thực tế đã có vụ bắt tàu vi phạm thu giữ được mấy khẩu súng. Đúng, nhưng chưa đủ. Bởi, mấy khẩu súng đó liệu có chống đối được các cơ quan chức năng?

…do một số vị có chức sắc?

Theo từ điển Hán – Việt, “tặc” có nghĩa là “người làm loạn”, thì ta có thể gọi những người lấn chiếm hè đường là “hè tặc”. Để dẹp “hè tặc”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung không ngần ngại gọi thẳng tên những người có thể đứng ra bảo kê. Đó có thể là một số vị công an, là bí thư, là chủ tịch quận, huyện.

Đã đến lúc, để hạn chế tối đa các loại “tặc”, dư luận rất mong, các vị có thẩm quyền nói thẳng, rất thẳng nguyên nhân chính của vấn nạn này như tướng Chung : “ hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau…”, “Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy.”

Nếu không minh bạch phơi bầy nó ra, thì "thành phố ra quân bao nhiêu lần theo các kế hoạch đều thất bại” như tướng Chung đã thống kê.

Đấy mới là gốc của các vấn nạn do đủ các loại “tặc” gây nên.

Dư luận hy vọng, tiếp theo tướng Chung, các vị có chức trách, thẩm quyền dũng cảm “ xé toạc” những khoảng tối che giấu cho thủ phạm thật sự của các loại “tặc”. Nếu không, đâu vẫn hoàn đấy và ngày càng trầm trọng hơn.

Vương Hà