Muốn đất nước phát triển phải loại bỏ “Virus” trì trệ

Nếu có giải pháp phòng chống và phác đồ điều trị những quan chức, công chức nhiễm “Virus” trì trệ hiệu quả như phòng chống dịch Covid - 19, chắc chắn Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá.

Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta được đọc, nghe rất nhiều các chỉ thị của Thủ tướng; Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lối sống chậm được xử lý. Lãnh đạo Chính phủ thì quyết liệt, sôi lên... vậy mà sự trì trệ của một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền, buộc Thủ tướng; Phó Thủ tướng phải chỉ đạo, nhắc nhở.  

Muốn đất nước phát triển phải loại bỏ “Virus” trì trệ - 1

Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ. (Ảnh: tuyengiao.vn)

Những việc như xe chở cây siêu khủng trên Quốc lộ 1A; cưỡng hôn thiếu nữ trong thang máy; xử phạt 90 triệu đồng đối với người mang đổi 100 USD … và rất nhiều vụ việc tương tự. Nếu các cá nhân, cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm theo pháp luật thì lãnh đạo Chính phủ không cần phải chỉ đạo xử lý những vụ việc thuộc chức năng cấp phường xã, hay huyện như vậy.

 Hoặc như Công ty địa ốc Alibaba lập ra hàng loạt dự án “ma”, phân lô bán nền đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; hàng loạt sai phạm của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên về cải tạo môi trường, đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội và rất nhiều vụ việc tương tự… nếu chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng không “buông lỏng quản lý”, không ngầm thông đồng với doanh nghiệp thì chắc chắn không thể xảy ra những sai phạm rõ mười mươi như vậy. Những sai phạm đó được hàng loạt các báo phát hiện và đăng tải, nhưng hầu như những người có trách nhiệm ở địa phương luôn ngó lơ, buộc lãnh đạo Chính phủ lại phải có công văn chỉ đạo xử lý.

 Một ví dụ điển hình khác về sự trì trệ trên nóng dưới vẫn lạnh như băng. Đó là việc xử lý sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội), từ năm 2015 đến nay không biết bao nhiêu lần Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý dứt điểm, nhưng đến nay những sai phạm đó vẫn sừng sững giữa trung tâm quận Ba Đình...

 Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều vụ việc phản ánh sự trì trệ của một số các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong thực thi công vụ.

Muốn đất nước phát triển phải loại bỏ “Virus” trì trệ - 2

 
Dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. 

Nguyên nhân của tình trạng này trì trệ này là do:

 Trong nhiều vụ việc, những cá nhân có quyền lực ở các địa phương, các ngành thông đồng, dung túng, làm ngơ cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật để trục lợi (một dạng của nhóm lợi ích), khi bị phát hiện, xử lý theo pháp luật vẫn được gọi chung với tội danh “buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Một bộ phận quan chức trong thực thi công vụ, luôn thụ động ngồi chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chờ đến tháng lĩnh lương (bộ phận quan chức này chiếm đến 30%,  đánh giá của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lúc đang làm Phó Thủ tướng).

 Khi cơ quan hoặc địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì chế tài và hình thức xử lý trách nhiệm liên đới những cán bộ đứng đầu các cơ quan, địa phương chưa cụ thể, chưa nghiêm minh nên dẫn đến tình trạng nhờn luật; nhờn phê bình, nhắc nhở của cấp trên và tạo ra sự trì trệ. Loại “Virus” trì trệ này truyền khắp các cấp, các ngành, các địa phương; từ thế hệ cán bộ này đến thế hệ cán bộ khác.

 Vì những lực cản trên đây, cho nên dù Thủ tướng Chính phủ đã rất rốt ráo, quyết liệt chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành pháp nhưng không ít bộ ngành, không ít địa phương vẫn không thể vượt qua được sức ì của sự trì trệ muôn thủa.

 Để khắc phục được tình trạng trì trệ trong bộ máy hành chính, xây dựng “Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính” do Thủ tướng khởi xướng thì giải pháp quan trọng hàng đầu là cải cách cơ chế quản lý nhà nước, mà trước hết là cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực và cơ chế giám sát, kiểm soát kết quả thực thi công vụ của công chức, viên chức.

 Nếu ví tình trạng trì trệ như là một loại virus thì loại vius này cũng đang trở thành dịch. Nếu là dịch thì cần vận dụng phương pháp chống dịch Covid-19 được áp dụng vừa qua ở nước ta.  

 Đến nay Việt Nam tương đối thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 và chưa có ai tử vong vì dịch bệnh này, trong khi đó Covid-19 đã và đang hoành hành khắp thế giới khiến hơn 3.200 người tử vong; đây là thành công lớn của nước ta. Nguyên nhân của thành công đó là do lãnh đạo Chính phủ đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, từ đó có chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời và triển khai thực hiện quyết liệt; ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng kiểm soát, giám sát, cách ly nghiêm ngặt những người có nguy cơ nhiễm Covid-19; có phác đồ điều trị rất hiệu quả.

 Nếu các cơ quan quyền lực trong bộ máy Nhà nước có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực; giám sát, kiểm soát kết quả thực thi công vụ, ngăn chặn “dịch bệnh” quan liêu, trì trệ; có giải pháp phòng chống và có phác đồ điều trị những quan chức, công chức nhiễm “Virus” trì trệ hiệu quả như phòng chống dịch Covid-19, chắc chắn Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá./.

 Tài liệu tham khảo:

 [1].https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Thong-bao-609-TB-VPCP-2017-ket-luan-Pho-Thu-tuong-xu-ly-vi-pham-cho-thue-dat-Ha-Noi-370957.aspx

Theo Nguyễn Huy Viện

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam