Bạn đọc viết

Một cách làm để học sinh yêu môn lịch sử.

Nếu được tổ chức thường xuyên, các em học sinh sẽ thêm yêu môn sử, và hy vọng từ đó sẽ khắc phục dần tình trạng điểm không môn sử trong các kỳ thi đại học


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Vừa qua, Huyện Đoàn Hoài Đức (Hà Nội) đã kết hợp với Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức tổ chức Hội thi “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam nhằm giúp cho các em học sinh thêm yêu môn lịch sử, gắn bó và tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương mình. Đó là một cách làm hay để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt với học sinh Tiểu học và THCS ở các vùng quê.

Sau hội thi, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ thầy Nguyễn Trung Đạo - hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức – Hà Nội) - đơn vị giành giải nhất cuộc thi - để cùng trao đổi về vấn đề này.

Hỏi: Xin chào thầy Nguyễn Trung Đạo. Trước hết xin chúc mừng thầy và đội dự thi của trường Nguyễn Văn Huyên đã đem về giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam” của huyện Hoài Đức. Xin thầy cho biết ý kiến của mình về việc huyện đoàn Hoài đức kết hợp với Phòng giáo dục tổ chức cuộc thi Tìm hiểu lịch sử lần này?

Ông Nguyễn Trung Đạo (NTĐ): Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng “Dân ta phải biết sử ta”, nhưng tôi thấy một thực tế mấy năm gần đây, hiểu biết về lịch sử của học sinh rất lơ mơ. Có nhiều em thi tốt nghiệp, thi đại học vẫn còn bị điểm không môn lịch sử. Đây là một điều đáng buồn. Lịch sử đấu tranh của cha ông ta rất hào hùng và oanh liệt, nhưng các em là người Việt Nam mà lại không hiểu nhiều về lịch sử Việt Nam là có tội với lịch sử, còn nói gì đến tự hào dân tộc. Tôi thấy cuộc thi được tổ chức rất đúng lúc và kịp thời. Đáng lẽ ra phải được tổ chức sớm hơn .

Hỏi: Về nội dung của cuộc thi, thầy có thấy vừa sức với học sinh ?

Đáp: Đối tượng tham gia cuộc thi này là đội viên, học sinh đang học tập tại các Liên đội THCS, Tiểu học trên địa bàn huyện. Số lượng mỗi đội có số lượng từ 8 - 10 em tham gia, và hội thi được tổ chức dưới dạng sân khấu hoá. Nội dung của cuộc thi lần này gồm 3 phần rõ rệt: Tự hào thiếu nhi Thủ đô (giới thiệu ý nghĩa của tên đội, các thành viên và mục đích của đội tham gia hội thi dưới hình thức sân khấu hóa.) Theo dòng lịch sử (Trả lời các câu hỏi liên quan đến nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử theo hình thức trắc nghiệm) Em yêu tổ quốc Việt Nam (Mỗi đội sẽ giới thiệu về một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử, một địa danh lịch sử địa phương, dân tộc… dưới hình thức kể chuyện lịch sử, diễn hoạt cảnh…), qua đó gửi thông điệp tới hội thi.

Nội dung này rất hay, giúp học sinh khắc sâu kiến thức lịch sử, lại giúp các em tự tin hơn trong phần trình bày hiểu biết về lịch sử, nhất là lịch sử địa phương. Tuy nhiên, để hình thức sân khấu hoá được phát huy thì cần một bàn tay đạo diễn mà các thầy cô giáo dạy sử chỉ có thể khai thác tốt phần tư liệu, còn phần dàn dựng hình như vẫn …hơi gượng. Tuy vậy đây là cuộc thi tổ chức lần đầu nên tôi thấy như vậy đã gọi là thành công rồi.

Hỏi : Trong phần thi trắc nghiệm “theo dòng lịch sử” tôi thấy ban tổ chức đã đưa ra rất nhiều câu hỏi. Thầy tâm đắc với câu hỏi nào nhất?

Đáp: Câu hỏi nào cũng hay và rất cần thiết. Qua phần trả lời câu hỏi, giúp các em hiểu thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc, khắc sâu kiến thức đã học trên lớp, hiểu sâu hơn về những nhân vật lịch sử của dân tộc. Bên cạnh đó, các câu hỏi trắc nghiệm thuộc mảng sử địa phương còn giúp các em thấy được những trang sử hào hùng của Hoài Đức. Tôi tâm đắc nhất với các câu hỏi có tính chất sử địa phương như: Nhà lưu niệm Bác Hồ là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hoài Đức, một minh chứng về truyền thống văn hóa cách mạng của quê hương anh hùng. Em hãy cho biết nhà lưu niệm Bác Hồ đặt ở xã nào?” Em hãy cho biết Tượng đài đau thương căm thù chiến thắng để ghi lại dấu ấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Hoài Đức đặt tại thôn nào? Xã nào của huyện”. Tượng đài Tiếng bom Sấu giá nhằm ghi lại chiến tích , chiến công của các đội viên “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” ôm bom ba càng lao lên diệt xe tăng trên đê sông Đáy vào tháng 3/1947 được xây dựng tại xã nào?” .Em hãy cho biết nơi diễn ra cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945 và lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Hoài Đức diễn ra ngày 20/8/1945 nằm ở đình làng xã nào huyện Hoài Đức”…

Hỏi: Khán giả vừa được xem các em đội trường THCS Nguyễn Văn Huyên trình bày tiểu phẩm về Cố bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Tôi thấy các em diễn thật xúc động và nhập vai khá tốt. Nhất là màn diễn về nỗi băn khoăn suy nghĩ của Bộ trưởng trước vấn đề hơn 90 % dân số mù chữ sau Cách mạng tháng Tám và những trăn trở băn khoăn khi tìm hướng giải quyết cho việc xoá mù chữ của toàn dân. Thầy có thể cho biết lý do tại sao trường thầy lại chọn nhân vật Nguyễn Văn Huyên để giới thiệu với hội thi.

Đáp: Khi nhận được công văn tổ chức hội thi, lãnh đạo nhà trường chúng tôi cùng với chi bộ, ban chấp hành chi đoàn và TPT Đội đã họp lại cùng giáo viên dạy lịch sử của trường để thống nhất ý kiến về chọn nội dung và kế hoạch luyện tập. Chúng tôi nhất trí chọn nhân vật Nguyễn Văn Huyên bởi nhiều lý do. Thứ nhất: ông là vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của nước ta, là người đã đặt nền móng cho nền giáo dục mới sau Cách mạng tháng Tám. Thứ hai: trường chúng tôi là trường được vinh dự mang tên ông, học sinh cần hiểu rõ hơn về nhân vật mà trường mình được mang tên. Thứ ba: Ông là người con của Hoài Đức, việc tìm hiểu và giới thiệu nhân vật lịch sử ở Hoài Đức là rất cần thiết đối với các em học sinh. Vì thế, việc chọn nhân vậy lịch sử Nguyễn Văn Huyên để giới thiệu đã được các thầy cô giáo nhất trí cao và bắt tay vào giúp học sinh tập luyện.

Hỏi: Khi hướng dẫn các em tập luyện, nhà trường có gặp khó khăn gì?

Đáp: Khi hướng dẫn học sinh tập luyện, trường chúng tôi là một trường chuyên của huyện, bao nhiêu hoạt động mũi nhọn về chất lượng đều được giao đảm đương trọng trách, lúc chuẩn bị diễn ra hội thi lại trùng với kỳ ôn thi học sinh giỏi cấp thành phố các môn lớp 9 nên thời gian tập luyện không nhiều. Các em học sinh là những “diễn viên không chuyên” nên diễn xuất phần nào còn hạn chế, chưa diễn tả hết ý tưởng của tác giả kịch bản. Nhưng khó khăn hơn cả là chưa có một vở kịch nào trên phương tiện thông tin đại chúng diễn về nhân vật Nguyễn Văn Huyên nên chúng tôi không có một kịch bản nào sẵn về Nguyễn Văn Huyên cả. Tất cả đều phải mày mò tìm tòi và tự viết kịch bản rồi đạo diễn dàn dựng. Nhưng cũng may chúng tôi có trong tay những cuốn sách viết về Nguyễn Văn Huyên nên đó cũng là nguồn tư liệu quý. Và gia đình ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc bảo tàng dân tộc học, con trai cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Hỏi: Qua theo dõi cuộc thi, hầu hết các trường đều đã đưa ra được ý tưởng của mình, nhưng chưa gắn kết được các “màn” với nhau. Tôi thấy thành công lớn nhất của đội tuyển trường Nguyễn Văn Huyên là đã xây dựng một chủ đề thống nhất xuyên suốt cả 3 phần thi. Thầy có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Đáp: Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng một tư tưởng xuyên suốt gắn các phần thi lại với nhau. Vì thế từ phần giới thiệu, chúng tôi đã lấy tên đội là Văn Hoá. Điều này cho thấy thông điệp muốn được chuyển tải đến hội thi là có văn hóa thì mới có tri thức để làm cách mạng. Ngay cả phần kịch bản về Nguyễn Văn Huyên, chúng tôi cũng lấy ý tưởng để các dân tộc miền xuôi, miền núi , các tầng lớp đều biết ơn người bộ trưởng đã mang cái chữ đến cho họ, thoát khỏi lạc hậu. Những bài hát chúng tôi tự sáng tác lời mới trên nền dân ca của các vùng miền đều lấy chủ đề học tập, mái trường đã minh chứng thêm cho sự học của nước nhà sau này. Đó chính là chủ đề xuyên suốt mà theo tôi nó đã giúp đội tuyển của chúng tôi đạt được giải nhất hội thi hôm nay.

Hỏi: Theo thầy, kết quả thu được lớn nhất của hội thi “Kể chuyện lịch sử Việt Nam” của huyện Hoài Đức tổ chức lần này là gì?

Đáp: Tôi thấy cuộc thi kể chuyện lịch sử được tổ chức cho học sinh là một hội thi thật sự có ý nghĩa, nhất là bây giờ do “đầu ra” của các ngành xã hôi khó khăn nên tình trạng học sử của học sinh còn chưa được coi trọng. Từ khi cuộc thi sắp diễn ra, tôi thấy không khí chuẩn bị của các trường rất khẩn trương chứng tỏ sức lan toả của cuộc thi rất lớn. Học sinh các trường đều háo hức muốn biết thêm về các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử, đặc biệt lịch sử địa phương Hoài Đức. Những cuộc thi về tìm hiểu lịch sử như thế này cần được tổ chức thường xuyên và ở quy mô lớn hơn, chứ không chỉ dừng lại ở cấp huyện. Có như vậy học sinh mới hiểu biết và thêm yêu, tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc. Nếu được tổ chức thường xuyên, các em học sinh sẽ thêm yêu môn sử, và hy vọng từ đó sẽ khắc phục dần tình trạng điểm không môn sử trong các kỳ thi đại học, thi tốt nghiệp. Mong các cấp các ngành cùng quan tâm hơn nữa đến giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh phổ thông.

Diễm Nguyệt