Bạn đọc viết

Một bài đồng dao thấm đẫm chất Việt

Nhẹ nhàng, hài hước, nhưng khơi được cho trẻ lòng yêu làng quê và các nhân vật láng giềng chòm xóm. Bài hát còn bàng bạc cho thấy cái hiền hòa bình đị của cuộc sống. Một cái hiền hòa của đồng quê ngày xưa ấy.

 

Ông Ninh Ông Nang – ảnh tư liệu chụp lại – Trong hình là anh Dũng và anh Lương trong một buổi văn nghệ gây quỹ cứu lụt tổ chức tại Liège, đầu năm 1971
Ông Ninh Ông Nang – ảnh tư liệu chụp lại – Trong hình là anh Dũng và anh Lương trong một buổi văn nghệ gây quỹ cứu lụt tổ chức tại Liège, đầu năm 1971

Bài đồng dao:

Ông Nỉnh ông Ninh

Ông ra đầu đình

Ông gặp ông Nảng ông Nang

Ông Nảng ông Nang

Ông ra đầu làng

Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh …

đẹp biết bao nhiêu. Nhẹ nhàng, hài hước, nhưng khơi được cho trẻ  lòng yêu làng quê và các nhân vật láng giềng chòm xóm. Bài hát còn bàng bạc cho thấy cái hiền hòa bình đị của cuộc sống. Một cái hiền hòa của đồng quê ngày xưa ấy.

Xã hội hóa là như thế. Những nét chấm phá của cuộc sống hàng ngày tưởng như bình thường vô thưởng vô phạt… nhưng một cách thầm lặng, chúng in sâu vào tâm khảm.

Chuyên gia thì nói đó là một quá trình tập tành học liên hệ, thương gia đình, yêu non nước qua tiếp xúc, qua kinh nghiệm sống, qua cảm nhận… Không cần bài bản lên lớp, không cần chế tài, … nhưng phương thức này rất hữu hiệu. Trẻ học sống tốt với người khác trong xã hội.

Đó là chưa nói tới cảm nhận hạnh phúc lúc hát một bài đồng dao như thế, trong tâm hồn trẻ thơ.

Người tình cảm thì nói rằng những kỷ niệm của thời thơ ấu là những vết hằn khó phai.

Bằng cớ, dù có đi xa nghìn dậm, sang bên này, chúng tôi đã mang hình ảnh Ông Ninh Ông Nang lên sân khấu trong lần tổ chức văn nghệ cứu lụt cho bên nhà, năm ấy…

Nguyễn Huỳnh Mai