Chào mừng ngày báo chí 21/6

Mối lương duyên giữa nhà báo và luật sư

(Dân trí) - Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của nghề luật sư, thực tế đã chứng minh giữa nhà báo và luật sư có một mối lương duyên đặc biệt. Đó là sự tương tác qua lại, sự chia sẻ quan điểm về các vấn đề xã hội một cách có trách nhiệm để biến những bài báo trở nên hữu ích đến với đông đảo người dân.

Mối lương duyên giữa nhà báo và luật sư - 1

Nhà báo, phóng viên là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất tin bài, phán ánh mọi mặt của đời sống xã hội bằng những sản phẩm báo chí. Còn luật sư là những người hành nghề pháp lý, trong đó có mục đích hỗ trợ, đem lại các giải pháp giúp cho những người không có điều kiện và thời gian tự mình nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật. Vậy mối lương duyên đặc biệt giữa nhà báo và luật sư bắt đầu từ đâu và gắn bó với nhau như thế nào?

Nhân ngày báo chí cách mạng 21/6, tôi xin điểm qua quá trình tương tác giữa báo chí với Luật sư như sau:

Là người thích quan sát và nhạy cảm với các hoạt đông báo chí, tôi cho rằng, mối lương duyên đặc biệt giữa nhà báo và luật sư có bề dày tới gần 30 năm và tới nay đã trải qua 3 giai đoạn phát triển.

Cụ thể, sau Pháp lệnh tổ chức luật sư ngày 18/12/1987 của Hội đồng Nhà nước, các luật sư hoạt động chưa nhiều, bởi vậy các vụ án có sự tham gia của luật sư cũng rất khiêm tốn.

Giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 1990 đến nửa đầu những năm 2000, một số vụ án lớn có sự tham gia bảo vệ của luật sư như vụ án Năm Cam và đồng bọn; Vụ án Cầu Chương Dương… Lúc này, một số nhà báo mới bắt đầu hỏi các luật sư về quan điểm của người luật sư về những vụ án đó.

“Đây là mối lương duyên ở giai đoạn sơ kỳ, nên sự hợp tác giữa đôi bên còn giản đơn và không thường xuyên” luật sư Tú nhận định. Nói tới sự kết hợp giữa báo chí và luật sư ở giai đoạn này không thể không nhắc tới một số luật sư kỳ cựu như luật sư Phạm Hồng Hải, luật sư Nguyễn Đăng Trừng, luật sư Trần Vũ Hải… Đây có thể nói là giai đoạn “ngái ngủ” của nghề luật sư tại Việt Nam sau một “giấc ngủ dài”. Tuy nhiên, dù sao mối quan hệ ban đầu giữa nhà báo và luật sư ở giai đoạn này cũng tạo đà để phát triển cho mối quan hệ thân thiết giữa nhà báo và luật sư ở giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2 được tiếp nối từ khoảng năm 2007 – 2008 tới năm 2013, 2014, thời điểm mà nền kinh tế chính trị thế giới tác động sâu rộng đến Việt Nam thông qua quá trình mở cửa, hội nhập. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới sự bùng nổ báo điện tử ở Việt Nam. Đây là tiền đề thúc đẩy người dân tìm đến với luật sư nhiều hơn. Nghề luật sư bắt đầu nở rộ sau cơn “ngái ngủ” ở giai đoạn 1.

Giai đoạn này là sự chuyển mình, đánh dấu mối lương duyên khăng khít giữa luật sư và nhà báo. Đó là sự qua lại, tương tác, chia sẻ quan điểm sống, các vấn đề xã hội một cách có trách nhiệm để biến những bài báo có nhiều góc nhìn và hữu ích hơn đến với đông đảo người dân.

Tình cờ tôi nhận được sự đề nghị của Nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận (thời điểm đó anh là trưởng ban bạn đọc của báo điện tử Dân Trí) viết các bài bình luận, phân tích, đánh giá của Luật sư về các vụ án, để rồi hầu như ngày nào cũng có những ý kiến đó của tôi trên báo Dân Trí và có lẽ sự tình cờ này đã vô tình mở ra giai đoạn 2 của mối lương duyên báo chí với luật sư, để rồi sau đó chúng tôi đã song hành hầu hết các loạt bài điều tra, từ “94 Phố Huế”, đến “Nỗi gian truân người dân khi đi làm sổ đỏ”, “Vỡ trận bến xe Mỹ Đình”…  

Ở giai đoạn này, tôi thấy vinh dự vì Văn phòng Luật sư  mà mình là người phụ trách, chính là tổ chức hành nghề luật sư tiếp nối và phát triển mối lương duyên giữa luật sư và nhà báo lên một tầm cao mới.

Người luật sư hoạt động trong công tác pháp luật cần có những tư duy mang tính khai phóng. Thực tiễn có nhiều vấn đề pháp lý trong xã hội nhưng khoa học pháp lý chưa có lời giải thì người luật sư cần phải là người tiên phong trong việc “giải mã” những điều đó. Trên tất cả, người luật sư phải vận dụng được những tri thức của bản thân để đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Hơn ai hết, chính những nhà báo đã đưa được những tinh thần đó của tôi đến với nhiều người dân.

Sự tương tác, giúp cho nhà báo nhìn rõ hơn để đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực sai trái trong xã hội. Nếu luật sư có đầy đủ những kiến thức chuyên môn về pháp luật, có kĩ năng phân tích các sự kiện pháp lý thì nhà báo ngoài kiến thức sâu rộng còn có khả năng phân tích mổ xẻ vấn đề nhạy bén trước mọi tình huống, có đầu óc phán đoán và phân tích tình hình và luôn bám sát thực tế cuộc sống.

Thông qua quan điểm của luật sư, nhà báo có thêm những nhìn nhận đánh giá sâu sắc hơn về các vụ việc. Mối lương duyên giữa luật sư và nhà báo bắt đầu từ những điều như thế, chúng tôi đến với nhau từ đời sống, đến với nhau trong các bài báo để nói lên tiếng nói góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thực tế có nhiều nhà báo sau khi tiếp xúc với luật sư, họ cũng đã đam mê và yêu thích nghề luật. Không ít nhà báo sau quá trình tiếp xúc, đồng hành cùng luật sư đã đầu tư thời gian, công sức để theo học một văn bằng mới về luật. Hứa hẹn trong tương lai cũng là những người luật sư. Còn về phía những người luật sư chúng tôi, kỹ năng viết cũng là vô cùng quan trọng. Do vậy tôi luôn nhắc nhở anh em trong đơn vị của tôi cần rèn luyện kỹ năng viết, đặc biệt là những bài viết mang tính báo chí.

Còn nhớ, khoảng chục năm trước, rất nhiều người dân tìm đến VPLS Trương Anh Tú để tư vấn trực tiếp về pháp luật. Nhưng đến thời điểm này, những người dân có nhu cầu tư vấn trực tiếp là rất ít, bởi đội ngũ những người luật sư như chúng tôi đã tuyên truyền phổ biển pháp luật rất tốt, khiến cho người dân được cập nhật hầu hết các vấn đề luật pháp. Bây giờ họ đến với luật sư để nhờ giải quyết vụ việc chứ không đến với luật sư để hiểu về việc này, việc kia vì chúng tôi đã giúp họ hiểu hơn về những vấn đề pháp luật bằng những bài báo có chất lượng.

Phát huy thành công của giai đoạn hai kể trên, ngày nay mối lương duyên giữa luật sư và nhà báo phát triển đến giai đoạn 3, giai đoạn “trăm hoa đua nở”. Rất nhiều bài báo đều có sự hiện diện của luật sư, luật sư nào cũng có thể được lên báo.

Thời điểm tôi mới mở văn phòng luật sư, người luật sư được tín nhiệm để mời phát biểu quan điểm trên báo là hiếm, thì ngày nay qua một cuộc điện thoại, tin nhắn luật sư trả lời thế là lên báo. Đó là mối lương duyên tốt đẹp thể hiện tiếng nói của luật sư và nhà báo gắn bó với nhau trong cuộc sống đời thường và trong cả sứ mệnh để có những bài báo có tâm và có tầm đem lại nhiều lợi ích cho người dân hơn”.

Minh chứng cho giai đoạn 3 này, ở góc độ luật sư chúng tôi, không thể không nhắc tới những gương mặt luật sư tiêu biểu, tiếp nối mối lương duyên, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa nhà báo và luật sư như luật sư Nguyễn Anh Thơm, luật sư Vi Văn Diện ở phía  Bắc…còn ở phía Nam đó là những gương mặt như Luật sư Nguyễn Văn Quynh, luật sư Phạm Hoài Nam… Và ngay khi chúng ta đang bàn luận về mối lương duyên này thì thực tế đã nhen nhóm hình thành giai đoạn 4 của mối lương duyên nhà báo, luật sư, đó là các luật sư nhờ báo chí để để đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, phản biện pháp luật…..

Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm)