Mô hình liên kết giúp cho khoa học gắn bó với sản xuất

(Dân trí) - Mô hình liên kết được giới thiệu trong bài viết này gợi ý cách làm cho nghiên cứu ứng dụng gắn bó hơn với sản xuất, có mục tiêu rõ ràng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Việt Nam đang đứng trước thực trạng nhiều đề tài nghiên cứu không đem lại hiệu quả thiết thực trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay tìm lối đi, sản phẩm lạc hậu, kém chất lượng, giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh, hệ thống tiếp thị và phân phối yếu kém... Đấy là những rào cản để doanh nghiệp Việt Nam chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới. Với sự “phẳng hóa” của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể sẽ thua toàn diện ngay cả trên sân nhà do không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.

 

Vậy lối thoát nào cho các doanh nghiệp Việt Nam? Xin tham khảo mô hình của Hàn Quốc.

 

Mô hình liên kết Thương Mại - Nghiên Cứu - Sản Xuất của Hàn Quốc

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Không như các doanh nghiệp Việt Nam, thường tự cho mình có khả năng làm được tất cả, từ Nghiên Cứu, Sản Xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn biết cách liên kết với các đơn vị khác và chuyên môn hóa giải quyết một phần của chuỗi giá trị. Không chỉ riêng các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp lớn hàng đầu của Hàn Quốc cũng dựa trên nền tảng liên kết này để thúc đẩy đưa sản phẩm dịch vụ mang tính cạnh tranh nhất ra thị trường.

 

Nền tảng liên kết Hàn Quốc dựa trên mô hình kiềng ba chân: Thương Mại - Nghiên Cứu - Sản Xuất nhằm khai thác tận dụng tối đa trí tuệ và các nguồn lực tập thể. Khiến các doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn nhờ mạng lưới liên kết.

 

Khâu Thương Mại chủ yếu giải quyết các vấn đề về thị trường, về vốn, lưu thông hàng hóa. Khâu Thương Mại do các công ty có uy tín về tài chính hoặc thương hiệu đảm nhận.

 

Khâu Nghiên Cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm mới có tính cải tiến và khả năng cạnh tranh cao.

 

Khâu Sản Xuất chuyên tâm vào việc tạo sản phẩm và dịch vụ và tối ưu hóa giá thành.

 

Một doanh nghiệp hoặc một đơn vị nên xác định nhiệm vụ chính của mình nằm ở khâu nào? Từ đó tập trung đẩy mạnh khâu đó, các khâu khác nên liên kết với các doanh nghiệp hoặc đơn vị khác để tận dụng sức mạnh tập thể.

 

Kể cả các doanh nghiệp lớn nếu đầu tư vào cả 3 khâu cũng nên tách 3 khâu này, đồng thời liên kết với nguồn lực bên ngoài.

 

Ví dụ doanh nghiệp có cả 3 khâu Thương Mại - Nghiên Cứu - Sản Xuất tách riêng thì khâu Thương Mại có thể liên kết không chỉ khâu Nghiên Cứu - Sản Xuất nội bộ mà còn có thể liên kết Nghiên Cứu - Sản Xuất từ bên ngoài thông qua liên kết.

 

 

Mô hình liên kết giúp cho khoa học gắn bó với sản xuất - 1

Mô hình liên kết Thương Mại - Nghiên Cứu - Sản Xuất của Hàn Quốc

 

Thực trạng ở Việt Nam

 

Các doanh nghiệp Việt Nam thường cố làm cả 3 khâu trong khi nguồn lực bị hạn chế; hạn chế nhất là nguồn lực con người.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam luôn kêu cứu vì khó sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Thị trường trong nước cạnh tranh còn khó, chưa nói đến xuất khẩu. Các trường học, viện Nghiên Cứu lẽ ra cần phải hợp tác với các doanh nghiệp để Nghiên Cứu phát triển thì lại mang nặng cơ chế xin - cho, các đề tài dự án vẽ ra để có tiền, báo cáo xong cất vào tủ thiếu hẳn tính thực tế, và có nguy cơ “tuyệt tự”. Các doanh nghiệp Thương Mại yếu kém vì khó tạo dựng thị trường, khó tạo ra nhu cầu cho những sản phẩm mới, cho dù nhìn thấy thị trường, có vốn cũng khó có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Các doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất thì công nghệ và quản lý yếu kém, lạc hậu dẫn tới giá thành cao.

 

Và cũng không đâu như Việt Nam người nông dân phải tự mày mò cải tiến từng dụng cụ sản xuất mà lẽ ra việc này là việc của khâu Nghiên Cứu. Sản phẩm làm ra lẽ ra được bao tiêu theo đơn đặt hàng của khâu Thương Mại thì lại thường bán theo kiểu tự phát, bị ép giá.

 

Sai lầm của chúng ta không những là tách rời giữa khu vực nghiên cứu-triển khai và sản xuất mà còn coi nhẹ khâu Thương Mại dẫn đến Sản phẩm không phù hợp nhu cầu thị trường, còn công trình nghiên cứu thì tách rời  nền kinh tế và bị “phủ bụi” trong những ngăn tủ.

 

Áp dụng mô hình của Hàn Quốc vào Việt Nam

 

Các doanh nghiệp Thương Mại yếu kém vì khó tạo dựng thị trường, khó tạo ra nhu cầu cho những sản phẩm mới, cho dù nhìn thấy thị trường, có vốn cũng khó có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Các doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất thì công nghệ và quản lý yếu kém, lạc hậu dẫn tới giá thành cao.

Các doanh nghiệp Việt Nam hãy cùng cố gắng khai thác tốt một khâu và liên kết với các khâu còn lại thì mô hình “kiềng 3 chân” sẽ tạo ra thế đứng vững chắc để cả 3 cùng có động lực phát triển, đem lại lợi nhuận lớn cho chính bản thân doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.

 

Cả ba khâu đều quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng khâu Thương Mại là khâu then chốt nhất vì nó mở đường cho các khâu khác. Hàn Quốc làm rất tốt điều này khi luôn đưa các trung tâm xúc tiến hỗ trợ thương mại ra nước ngoài trước tiên, sau đó là đến các công ty Thương Mại và cuối cùng mới đến sản phẩm. Việt Nam cũng nên học tập bằng cách đẩy mạnh Thương Mại, tập trung tài chính và nguồn lực cho Thương Mại tạo đầu ra cho sản phẩm và tạo việc cho khâu Nghiên Cứu. Khâu Thương mại cần liên kết chặt chẽ với Nghiên Cứu và Sản Xuất sẽ kéo được nền kinh tế ra khỏi vũng lầy yếu kém và lạc hậu.

 

Kết luận

 

Để kinh tế Việt Nam phát triển, cần làm những điều sau:

 

- Xây dựng tam giác liên kết Thương Mại - Nghiên cứu - Sản xuất vững chắc

 

- Xác định lại vị trí của doanh nghiệp, đơn vị trong tam giác kinh tế, cố gắng tập trung một khâu và đẩy mạnh liên kết với các khâu khác từ các nguồn lực bên ngoài

 

- Đề cao vai trò của khâu Thương Mại cũng như khâu Nghiên cứu vì đấy là những yếu tố quan trọng thúc đẩy và mở đường cho sản xuất phát triển.

                                                 

Trương Hải Nam

Tổng giám đốc KOVIN

 

LTS Dân trí - Xưa nay, hoạt động nghiên cứu-triển khai ở nước ta vẫn mắc phải một khuyết điểm cố hữu – đó là sự tách rời những đề tài nghiên cứu với những yêu cầu thiết thân của khu vực sản xuất. Cũng từ đó khoa học không trở thành yếu tố quan trọng của lực lượng sản xuất cũng như không phát huy được vai trò động lực phát triển đối với xã hội.

 

Mô hình liên kết được giới thiệu trong bài viết trên đây có ý nghĩa thiết thực đối với cả các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu-triển khai và các đơn vị chuyên làm công việc xúc tiến thương mại.