Để thúc đẩy khoa học phát triển
(Dân trí) - Sự dối trá và tệ nạn tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm nhất của hoạt động khoa học (KH), bởi vì bản chất của KH là khách quan và trung thực. Đáng tiếc là ngày nay, những tệ nạn đó của xã hội đã thâm nhập vào cả môi trường KH, giáo dục…
Mặc dù tôi là người ngoại đạo đối với lĩnh vực KH, nhưng tôi biết hầu như không có một học sinh - sinh viên nào trưởng thành từ các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, sau khi tốt nghiệp đại học mà về làm việc ở các viện nghiên cứu. Điều đó cho thấy chính sách thu hút nhân tài là không có, điều kiện làm việc chưa được quan tâm cũng như chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn |
Theo ý kiến cá nhân tôi, KHCN là một trong những lĩnh vực thể hiện trí tuệ của mỗi quốc gia, là động lực để phát triển kinh tế.
BIẾT PHÁT TRIỂN KHCN TỨC LÀ BIẾT SỬ DỤNG TRÍ THÔNG MINH CỦA CON NGƯỜI ĐỂ LÀM GIÀU NHƯ CÁC NƯỚC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC...
Chúng ta nói phát triển kinh tế tri thức, nhưng phát triển sao đây khi KHCN không phát triển? Một đất nước mà KHCN không phát triển thì đất nước đó sẽ tụt hậu là điều không tránh khỏi. Chúng ta muốn đất nước trở nên văn minh, giàu mạnh, không còn cách nào khác là chúng ta phải phát triển các ngành giáo dục, KHCN.
KH luôn đòi hỏi sự sòng phẳng trước chân lý, cũng như sự công bằng và minh bạch trong cách đối xử với từng thành viên trong tổ chức làm KH. Muốn chấn hưng nền KH nước nhà, không thể không lập lại kỷ cương ở các cơ quan quản lý cũng như các viện, các đơn vị làm KH. |
Tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều công trình nghiên cứu KH xã hội các cấp có giá trị mấy chục triệu, vài trăm triệu hoặc cả tỷ. Tôi thấy đa phần trong số đó không có giá trị thực tiễn, cái nọ sao chép của cái kia. Nội dung nghiên cứu thuộc về cá nhân hầu như không có gì đáng kể.
Tôi thấy tình trạng đó kéo dài hàng mấy chục năm nay mà sao không ai lên tiếng. Các nhà KH, quản lý không biết sao? Họ biết hết, trong những câu chuyện đùa họ vẫn... bôi bác việc đó. Nhưng cứ làm vì để có tiền, trước hết cho kế sinh nhai, học hàm thăng tiến. Nhiều người còn giàu có, có nhiều người nay ở cương vị cao cũng từng làm thế.
Cả nền KH dối trá nên hầu như nó "chết" từ lâu rồi, vì người đi trước “giết” người đi sau theo kiểu: con ếch bỏ vào nước sôi thì nhảy ra, bỏ vào nước nóng dần thì cam chết.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là trong quá khứ chúng ta chưa có nền KH tự chủ đứng trên đôi chân của mình, nếu tiếp tục bị khống chế dưới một hình thức nào đó thì mãi nằm trong “bọc” không thể trở thành KH có sức sống thật sự.
Hơn nữa sự phát triển của KH không tách rời sự phát triển của giáo dục. Mà nền giáo dục nước ta đang đi chệch hướng. Đa số học sinh, sinh viên học không có niềm say mê học tập và nghiên cứu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thế thì làm sao trở thành nhà KH đích thực sau này?
Đã làm KH thì phải say mê, nhưng cơ chế không tạo điều kiện và không khuyến khích những người làm KH say mê với công việc của mình. Cả một nền KH không dám nói thật thì hậu quả là vô cùng lớn…
N.L.Kh:
Tôi thấy giờ đi xin đề tài cần phải “lại quả” nhiều % lắm, nếu không làm như vậy thì dù có năng lực và có tâm với khoa học cũng không thể có đề tài mà làm. Có một công thức đã hình thành từ lâu: Viết đề cương + Quan hệ bằng tiền = Đề tài (sẽ được làm đề tài). Được đề tài rồi còn phải lo đóng bao nhiêu loại "thuế" bất thành văn, thế mà những người ngoài cuộc cứ “mắng mỏ”: Tiền đề tài nhiều thế mà làm ăn chẳng ra sao!
Cung cách quản lý đã tạo nên “cái nếp” như vậy, thì nguồn đầu tư cho các đề tài hay dự án bị “rút ruột” là đương nhiên và điều đó còn dẫn tới chất lượng không đạt yêu cầu mà vẫn được “nghiệm thu” cũng là điều dễ hiểu. Cũng có thể gọi tên hiện trạng đó là sự tham nhũng trong hoạt động KH mà ngày nay đã trở thành phổ biến.
Thật đau lòng khi thấy tệ nạn tham nhũng đã thâm nhập vào cả những lĩnh vực được gọi là “quốc sách hàng đầu”.
Minh Nhật:
… Bàn về lĩnh vực nghiên cứu KH hiện nay, theo tôi suy nghĩ, có thể do những nguyên nhân: cơ quan làm KH chưa tập hợp được người thực sự có trình độ cần thiết và có lòng đam mê KH. Mặt khác, nhiều người có khả năng nghiên cứu nhưng chạy theo cơ chế thị trường, mưu cầu lợi ích trước mắt mà chưa hết lòng hết sức vì KH.
Vì vậy, cuộc thảo luận này trên diễn đàn Dân trí có ý nghĩa rất thiết thực đóng góp vào việc thức tỉnh các cơ quan quản lý cũng như nhiều người làm KH. Những “người trong cuộc” hãy tự kiểm tra lại mình xem đã trung thực trong công tác quản lý và làm KH hay chưa? Có khách quan không hay chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của cá nhân, để cho đồng tiền nhiều khi làm mờ mắt và mài mòn ý chí và lương tâm của người trí thức.
Tôi nghĩ rằng nhà nước ta cần kiên quyết chấn chỉnh cơ chế quản lý, cũng như loại trừ những người không có năng lực và thiếu tâm huyết làm KH ra khỏi vị trí của họ. Đồng thời thực hiện chính sách đãi ngộ thích đáng đối với những cán bộ KH có năng lực thật sự và toàn tâm toàn ý làm KH...