"Mất 42 triệu để nhìn rõ bản chất chồng hèn, giá quá rẻ!"
(Dân trí) - "Đàn bà khi hôn nhân chao đảo, thường kỳ vọng đàn ông sẽ vì con mà biết suy xét nhưng không phải ai cũng thế..."
Mạng xã hội mới đây lại "nhộn nhịp" hơn về câu chuyện ly hôn được cho là "tận cùng bất hạnh" của một đôi vợ chồng trẻ. Mới cưới nhau 1 năm, vì nhiều bất đồng trong hôn nhân mà cả 2 quyết định chia tay. Ở với nhau không thuận hòa, không tìm được tiếng nói chung thì ly dị cũng là chuyện thường tình, tuy nhiên người chồng đã lạnh lùng đòi vợ trả tiền ăn uống trong 12 tháng qua, phải trả sòng phẳng thì anh ta mới cho vợ lấy giấy tờ cá nhân rời khỏi nhà...
Nội dung câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội như sau:
"Câu chuyện kể về một người phụ nữ đi lấy chồng không có tiền bạc của cải mang về nhà chồng. Kết hôn với chồng được 1 năm vì mâu thuẫn cô vợ không thể tiếp tục sống với anh chồng kia được nữa và cô ấy chọn cách ra đi.
Ra đi vẫn chưa phải là cô ấy đã được giải thoát, anh chồng bắt cô ấy phải trả tiền ăn hàng ngày của cô cho anh ta thì anh chồng mới cho cô vợ mang đồ dùng cá nhân của mình đi (bình quân mỗi tháng 1 triệu đồng vậy là khi ra đi cô ấy phải trả 12 triệu đồng). Và rất nhiều những khoản tiền khác.
Cô gái chấp nhận điều kiện của anh chồng một cách vô đối, cô cũng trả đủ số tiền mà anh chồng đưa ra. Cô gái được giải thoát khỏi anh chồng kia.
Lúc cô vợ thu đồ của mình anh chồng kia còn bảo bố mẹ anh ta đứng coi không cô ta lấy gì của nhà mình đấy. Xe điện của cô vợ mang về cho mẹ chồng đi lúc dắt xe ra anh chồng bảo xe này anh thay bình nên tháo nốt bình điện trả tao.
Thế là cô vợ phải dắt bộ xe về các bạn ạ.
P/s: Đây là câu chuyện có thật 100%. Cảnh tỉnh cho những bạn gái sau này nhé".
Đăng tải kèm với dòng chia sẻ là các "Biên bản bàn giao" có chữ ký 2 bên và tin nhắn của 2 vợ chồng. Trong biên bản, cô vợ ghi rõ:
- Tiền ăn hàng tháng: 14 tháng là 12 triệu.
- Tiền đi khám chữa bệnh và tiền phục vụ sinh sản, đóng học của tôi là 7 triệu.
- Tiền đóng học phí của tôi lần 2 là 5 triệu.
- Tiền mừng cưới của anh H. là 13 triệu 300 ngàn.
- 1 chỉ vàng mẹ chồng tặng cho tôi ngày cưới là 5 triệu 6 trăm.
Tổng 42 triệu 600.
Đến nay tôi chuyển cho anh H. số tiền trên có đại diện ban thôn, công an viên phụ trách thôn làm chứng, chứng kiến cho tôi để tôi lấy lại giấy tờ cá nhân của tôi".
Tính xác thực của biên bản này chưa được xác thực, tuy nhiên, theo Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, trường hợp thế này anh đã gặp rất nhiều trong quá trình dự những buổi tòa xử án hôn nhân gia đình. Và cũng như trường hợp này, Luật sư Lực chia sẻ: "Tôi thật sự choáng khi chứng kiến cảnh người ta chia tay, phải nói là thiên hình vạn trạng mà nếu không tận mắt chứng kiến thì không tin và trường hợp này cũng không phải là hiếm hay cá biệt. Có người ra tòa còn kì kèo, mặc cả đến 50.000-100.000 tiền cấp dưỡng nuôi con, hay nhẫn tâm lấy hết đồ có giá trị đẩy vợ con đến cảnh túng thiếu nợ nần…".
Câu chuyện đã khiến cư dân mạng, đặc biệt là các chị em vô cùng bức xúc, ai nấy đều chỉ trích hành động của người chồng và thương cho người phụ nữ không may mắn; bên cạnh đó cũng không ít lời khuyên sâu sắc dành cho chị em, rằng dù ở bất hoàn cảnh nào, hãy luôn là người chủ động và độc lập về kinh tế và phải có vốn riêng cho mình, để làm chủ cuộc sống của mình
"Đọc xong cái biên bản mà chán, kể ra trả tiền còn đỡ hơn mấy ông chồng cù nhây không chịu dứt hoặc chia tay xong đăng đàn nói xấu vợ, hai bên chửi qua chửi lại, con cái không nuôi, nhìn mà ngán. Với lại các mẹ đừng chửi ông chồng này vì ối ông như thế, vả lại cũng chưa biết cô vợ có vấn đề gì, chỉ cần lấy bài học cho mình thôi!"
"Phụ nữ thường học thuộc bài hiền lành, nhẫn nhịn, vun vén hết cho nhà chồng. Rồi chẳng may đến lúc không thể ở được với nhau, thì ngả bài ra chia mới ngã người: nhà đất đứng tên bố mẹ chồng, dù bỏ công bỏ của ra xây cất nhiều khi cũng ra đi tay trắng. Tiền bạc làm ra thì cho miếng ăn cái mặc cả gia đình, dành dụm được chút mua gì có giá trị thì chia đôi. Luật chu cấp có nhưng chồng cũ cù nhầy cũng phải chịu. Thiệt đơn thiệt kép, nên tôi khuyên các bạn, dù gia đình có êm ấm hạnh phúc đến đâu, cũng hãy tích cóp riêng 1 khoản dự phòng cho bản thân. Làm điều này không phải vì không yêu và tin chồng, nhưng không ai biết được ngày mai ra sao, mình phải biết cách thương và lo cho bản thân mình thì mới biết cách vun vén xây dựng hạnh phúc được".
"Phụ nữ vốn sinh ra là để được đàn ông che chở và yêu thương bằng tất cả tấm lòng. Dù cô ấy có hoàn hảo hay vụng về, có mạnh mẽ hay yếu đuối cũng xứng đáng có được bờ vai vững chãi của người chồng để tựa nương.
Trong cuộc sống hôn nhân, đàn ông có chịu thiệt thòi hơn một chút để vợ được vui vẻ, thoải mái thì cũng là điều nên làm. Lúc đang tìm hiểu hay lấy nhau về, có tặng cho vợ món quà dù giá trị to hay nhỏ cũng sẽ làm cô ấy vui và cảm thấy bản thân được coi trọng.
Đàn ông đã cho đi là không nên đòi lại, phụ nữ có thể cho người mình yêu cả cuộc đời thì đàn ông vì lý gì mà gân cổ lên đòi dăm ba món quà, mớ tiền khi còn sống với nhau?"
"Đàn bà khi hôn nhân chao đảo, thường kỳ vọng đàn ông sẽ vì con nhưng không phải ai cũng thế. Vì vậy, mình không đặt hết niềm tin vào ai, lúc nào cũng cần tính toán cho mình và con có của riêng, dù cha mẹ thế nào nó cũng phải có ít tiền để sống. Ai nói cha mẹ Việt Nam này nọ, phương Tây tự lập mình không quan tâm. Nếu mẹ có con có, nếu mẹ không con không. Mỗi người có cách tính tương lai riêng, tiền ai nấy xài".