Mạo nhận đại tá, giáo sư, lôi kéo thành lập tổ chức trái phép

Từ tháng 10-2016 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Luân đã mạo nhận là đại tá, giáo sư, tiến sĩ quân đội; lợi dụng hình ảnh, uy tín của một số đồng chí nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội để vận động, lôi kéo nhiều người tham gia cái gọi là “Ban liên lạc Người có công Việt Nam” (sau đây gọi tắt là ban liên lạc). Đây là một tổ chức hoạt động tự phát, hoạt động trái phép khi chưa đủ điều kiện pháp lý…

Cựu thượng sĩ mạo nhận là đại tá, giáo sư

Đầu tháng 7-2018, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện một nhóm người tự xưng là ban liên lạc đi tuyên truyền, vận động, lôi kéo một số cựu chiến binh (CCB) và cán bộ nghỉ hưu các bộ, ban, ngành trên địa bàn thành phố tham gia nhằm thành lập “một tổ chức xã hội đặc thù” để thực hiện cái gọi là: Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, bảo vệ những người có công.

Hoạt động của tổ chức này thời gian vừa qua có một số dấu hiệu bất thường, gây bức xúc dư luận. Từ thông tin phản ảnh, kiến nghị, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh, làm rõ. Thông tin từ Cục Bảo vệ An ninh Quân đội cho biết: Ban liên lạc do ông Nguyễn Ngọc Luân, sinh năm 1942, quê ở xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; trú tại số 8, Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội lập ra từ tháng 10-2016 với mục đích vận động, kêu gọi số CCB và cán bộ nghỉ hưu các bộ, ban, ngành tham gia để tiến hành thành lập “Hội Người có công Việt Nam” trên toàn quốc.

Để gây dựng thanh thế, ông Nguyễn Ngọc Luân đã mạo nhận là đại tá, giáo sư, tiến sĩ trong quân đội; đồng thời tự ghi tên một số đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội vào danh sách ban liên lạc để tuyên truyền, vận động, lôi kéo, tập hợp người tham gia. Trên thực tế, ông Luân có quá trình công tác trong quân đội từ năm 1966-1977, cấp bậc chỉ là thượng sĩ, đơn vị công tác ban đầu là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 229 Công binh, Quân khu 4 sau đó chuyển sang Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 144. Tháng 5-1977, ông Luân chuyển ngành sang Ngân hàng Nhà nước và đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Đến năm 1979, ông này về nước làm giáo viên Trường Cao cấp Nghiệp vụ ngân hàng. Năm 1989, ông Luân nghỉ chế độ mất sức lao động và tham gia sinh hoạt Đảng, hội CCB ở nơi cư trú trước đây (phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Vừa qua, Hội CCB phường Quang Trung đã đề nghị xóa tên ông Nguyễn Ngọc Luân khỏi danh sách CCB của quận vì không tham gia sinh hoạt.

Tùy tiện đưa tên nhiều tướng lĩnh để gây thanh thế

Theo danh sách ban liên lạc ngày 6-1-2018, có chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Luân: Có 89 thành viên, trong đó có 55 thành viên nguyên là cán bộ quân đội là trưởng, phó ban; ủy viên ban liên lạc. Trong đó có nêu tên cả một số tướng lĩnh.

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, qua tiếp xúc với một số đồng chí có tên trong danh sách ban liên lạc, trong đó có các tướng lĩnh, các đồng chí đều khẳng định không biết, không tham gia vào tổ chức nói trên, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ.


Cựu Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Luân đeo quân hàm đại tá và thường xuyên tự xưng là giáo sư, tiến sĩ. Ảnh do Cục Bảo vệ An ninh Quân đội cung cấp.

Cựu Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Luân đeo quân hàm đại tá và thường xuyên tự xưng là giáo sư, tiến sĩ. Ảnh do Cục Bảo vệ An ninh Quân đội cung cấp.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách cho biết trên trang cá nhân, ông và nhiều đồng đội đã bị “lừa ngoạn mục”. “Trong một số lần tham gia các hoạt động tình nghĩa của Ban liên lạc truyền thống CCB Quân khu Trị Thiên, tôi thấy xuất hiện một ông chừng hơn 70 tuổi, mặc lễ phục màu trắng, mang quân hàm đại tá, luôn tự giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ ngành quân y, chủ tịch "Ban liên lạc Người có công Việt Nam". Trong một số cuộc lễ lạt kỷ niệm tôi đều thấy người dẫn chương trình giới thiệu về ông như vậy. Thậm chí, có lúc giới thiệu ông ấy lên trao quà của các nhà tài trợ tặng đối tượng chính sách. Qua chuyện trò, ông ấy kể với tôi: Trước là bác sĩ làm việc trong Ban Quân y Thủ trưởng Bộ Quốc phòng (ông ấy còn kể vanh vách về các thủ trưởng từ năm 1977 trở về trước). Sau đó, được biệt phái sang viện Hữu nghị Việt-Xô... Hiện tại, ông ấy đang vận động thành lập "Ban liên lạc Người có công Việt Nam", do ông ấy làm chủ tịch. Ngay từ khi mới tiếp xúc, tôi đã thấy ngờ ngợ: Chắc đây là một sự lừa đảo và có trao đổi riêng với một số đồng đội. Các anh ấy cũng chung suy nghĩ như tôi nhưng chưa có dịp “bóc mẽ” sự lọc lừa dối trá đó”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày 18-8, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho biết đã lên án việc này từ ngày 7-7-2018. “Mấy ngày hôm nay, tôi liên tục lên án trên mạng xã hội và đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói. Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12, khẳng định: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe tới tổ chức này. Không rõ họ đặt tên mình vào danh sách ban liên lạc nhằm mục đích gì, nhưng như vậy là không đúng. Cơ quan chức năng cần phải xác minh, đồng thời tuyên truyền để mọi người biết”.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) không hiểu vì sao ông lại có tên trong ban liên lạc của hội này. “Những người thành lập hội đã tự viết tên tôi vào danh sách. Tôi không biết ông Nguyễn Ngọc Luân là ai. Rõ ràng, việc thành lập ban liên lạc này xuất phát từ mục tiêu mờ ám, vì họ tự tiện lấy hình ảnh, uy tín của một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội để lôi kéo người tham gia”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu bức xúc.

Tổ chức tự phát, hoạt động trái phép

Trong quá trình lôi kéo mọi người tham gia, Nguyễn Ngọc Luân thường thông tin: Năm 2017, đã có 8 ban liên lạc cấp quận, huyện và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức ra mắt và khi có đủ điều kiện sẽ báo cáo Đảng, Nhà nước và cơ quan hữu quan để thành lập hội. Đến nay, ban liên lạc đã được tổ chức thành 3 cấp: Trung ương-tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp quận, huyện. Ngoài ra, ban liên lạc còn có đại diện tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Sơn La, Thái Bình, Hải Phòng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Qua xác minh, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội xác định ban liên lạc là tổ chức tự phát của một số người, hoạt động chưa có cơ sở pháp lý, chưa có tôn chỉ, mục đích, quy chế và điều lệ hoạt động. “Hoạt động của ban liên lạc không đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội...”, lãnh đạo Cục Bảo vệ An ninh Quân đội cho biết.

Cụ thể, hoạt động của cái gọi là "Ban liên lạc Người có công Việt Nam" đã vi phạm nhiều quy định trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Theo Điều 5 và Điều 6 của nghị định thì điều kiện thành lập hội là hội phải có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ, có điều lệ, có trụ sở, có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội theo quy định. Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận. Ban vận động thành lập hội phải được bộ, cơ quan ngang bộ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh... Đối chiếu với các quy định trên thì tổ chức do ông Luân vận động thành lập chưa hề đáp ứng được các yêu cầu đó và cũng không hề báo cáo cơ quan chức năng.

Thời gian qua, hiện tượng một số đối tượng lợi dụng uy tín, hình ảnh quân đội để trục lợi và lừa đảo dưới nhiều hình thức, trong đó có việc lập một số hội, nhóm bất hợp pháp có xu hướng gia tăng. Để kịp thời ngăn chặn hoạt động lợi dụng uy tín của các đồng chí nguyên cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội để lôi kéo tham gia cái gọi là "Ban liên lạc Người có công Việt Nam", hội CCB các cấp từ Trung ương tới địa phương và chính quyền, đoàn thể các địa phương cần tuyên truyền để hội viên biết, không tham gia và thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện.

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội cho biết, đến nay ông Nguyễn Ngọc Luân xin rút không triển khai tiếp các hoạt động. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ và xử lý sự việc theo quy định của pháp luật.

Theo Hoàng Hải – Phan Anh

Báo Quân đội nhân dân