Mạo danh công an lừa đảo tiền tỉ: Nhận diện kẻ gian bằng cách nào?

Ngọc Hân

(Dân trí) - Nghe cuộc gọi của kẻ mạo danh là công an điều tra, chị H. mất 360 triệu, chị H.L mất 13 tỷ, ông Th mất 4 tỷ... đa phần những người bị lừa thường là những người ít cập nhật thông tin báo chí.

Vừa mới đây, một phụ nữ tên H. ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) sau khi nghe cuộc điện thoại của người tự xưng là công an đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến chị và yêu cầu chuyển tiền để xác minh, chị H. đã tin lời chuyển 360 triệu đồng.

Sau khi chuyển tiền, chị H. mới "ngã ngửa" biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo. Hiện công an quận Hai Bà Trưng đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra vụ án.

Trước đó, chị H.L. (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên một cơ quan tư pháp. Người này thông báo đang điều tra về vụ án lớn, liên quan nhiều người, trong đó có chị L.

Đoán được tâm lý lo lắng, sợ hãi của chị L., người ở đầu dây bên kia tiếp tục thông tin cho chị những câu chuyện dọa dẫm.

Mạo danh công an lừa đảo tiền tỉ: Nhận diện kẻ gian bằng cách nào? - 1

Tiếp đó, người này yêu cầu chị L. phải lập tài khoản ngân hàng mới, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm sang tài khoản mới để cơ quan chức năng bảo vệ tài sản cho gia đình chị.

Do hoảng sợ, chị L. đã làm theo yêu cầu của người ở đầu dây bên kia, ra ngân hàng lập 2 tài khoản khác, đồng thời chuyển lần lượt 13 tỉ đồng vào tài khoản mới.

Theo quy định, để làm việc với công dân, cơ quan công an sẽ không gọi điện mà trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, cơ quan công an tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất

Sau đó, người này yêu cầu chị L. cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên. Tin lời, chị L. làm theo yêu cầu của người này, chỉ trong ít phút số tiền 13 tỉ đồng trong 2 tài khoản mới của chị đã bị rút hết. Lúc này chị L. mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Không phải chỉ riêng phụ nữ, người trẻ tuổi hay người ở những nơi hạn chế về thông tin… mới nhẹ dạ rơi vào những cái bẫy tinh vi này; mà cánh đàn ông, những người trung niên và có điều kiện kinh tế cũng dễ dàng rơi vào bẫy, như trường hợp của một người đàn ông tên Th. 55 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh dưới đây.

Ông Th, cho biết, có một người tự xưng là "cán bộ ban chuyên án của Bộ Công an" gọi điện thoại cho ông nói rằng ông có liên quan đến một vụ án mà Bộ Công an đang làm.

Sau đó, người này hướng dẫn, yêu cầu ông Th. tự tạo tài khoản ngân hàng, rồi chuyển gần 4 tỉ đồng vào tài khoản để phục vụ công tác "thanh tra tài chính".

Đến sáng 5-10/2019, ông Th. đến một chi nhánh ngân hàng ở quận 5 mở tài khoản và chuyển gần 4 tỉ đồng vào tài khoản này. Những ngày sau, biết mình bị lừa đảo, ông Th. đến công an trình báo.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện cho nhiều người, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, đã có lệnh bắt của viện KSND...

Nắm bắt tâm lí người dân là thường cảm thấy sợ hãi khi đầu bên kia xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát nên những kẻ lừa đảo lợi dụng để yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó đe dọa, yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của kẻ xấu với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Cần những cách làm sáng tạo để tuyên truyền pháp luật tới từng người dân

Có thể thấy, báo chí, mạng xã hội thời gian qua liên tục đăng tải các thông tin người bị hại, cũng như thông tin cảnh báo của ngành công an về hành vi lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát để thực hiện những vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như đã kể trên.

Tuyên truyền, phổ biến rất nhiều nhưng vẫn còn có người sập bẫy của kẻ gian, đa phần những người bị lừa thường là những người ít cập nhật thông tin báo chí. Khi xảy ra vụ việc, có trường hợp người bị lừa lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với công an, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Mạo danh công an lừa đảo tiền tỉ: Nhận diện kẻ gian bằng cách nào? - 2
Mạo danh công an lừa đảo tiền tỉ: Nhận diện kẻ gian bằng cách nào? - 3

Sáng kiến của Công an quận Hà Đông trong việc phát hành "Sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật", để phát tới từng hộ gia đình được người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Vì vậy, làm thế nào để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cũng như cảnh báo các hành vi, thủ đoạn của tội phạm tới từng cá nhân, gia đình… luôn là vấn đề được ưu tiên của ngành công an .

Mới đây, công an quận Hà Đông, TP.Hà Nội đã đưa ra một sáng kiến trong việc này và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân trên địa bàn.

Cụ thể, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 và 138 về phòng chống tội phạm trên địa bàn của công an thành phố, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, công an quận Hà Đông đã triển khai làm việc thường xuyên với các tổ dân phố với mô hình giao ban an ninh định kì, hàng tháng sẽ xuống từng tổ dân phố để trao đổi thông tin, lấy ý kiến người dân.

Từ thực tiễn nắm bắt được về vấn đề tuyên truyền pháp luật, lãnh đạo công an quận đã có sáng kiến để giúp người dân hiểu biết các kiến thức pháp luật sát với cuộc sống hàng ngày cũng như các phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa tội phạm bằng cách phát hành "Sổ tay phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật" để phát đến từng hộ gia đình trên địa bàn.

"Cuốn Sổ tay tập hợp các hành vi phạm tội từ các vi phạm về giao thông, hình sự, kinh tế, pccc… để mỗi người dân nắm được và có kiến thức để bảo vệ sự an toàn cho gia đình và bản thân. Hiện CA quận Hà đông đã phát được cuốn sổ tay tới 50 ngàn hộ dân trên tổng số 90 ngàn hộ, ưu tiên phát trước ở những điểm nóng về trật tự", Thiếu tá Bùi Nhật Quang, Phó Công an Quận Hà Đông chia sẻ.

Cách làm này của Công an quận Hà Đông được người dân đánh giá là hiệu quả cao, bởi việc cập nhật thông tin từ báo chí, loa phát thanh, truyền hình của nhiều người còn hạn chế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm