Mạnh tay với người uống rượu bia điều khiển phương tiện GT: Dư luận đồng tình!

(Dân trí) - Tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta nghiêm trọng thế nào, chắc ai cũng đã biết. Vậy nên việc CSGT ra tay xử lý nghiêm những người uống rượu bia quá mức vẫn điều khiển phương tiện giao thông được đông đảo người dân hưởng ứng dù các “đương sự” vẫn chống chế…

Mạnh tay với người uống rượu bia điều khiển phương tiện GT: Dư luận đồng tình!  - 1
Việc làm hồ sơ rất thuận lợi khi phiếu kiểm tra nồng độ cồn được in tại chỗ (ảnh: Huỳnh Hải)

Biện pháp cần thiết!

 

“Hoan nghênh các chiến sỹ CSGT! Việc phạt người vi phạm uống rượu bia quá mức qui định là rất tốt, nhưng tôi cứ băn khoăn: đối với những đối tượng bỏ chạy, lạng lách rất nguy hiểm thì liệu còn mức xử phạt nào cao hơn mức 7 triệu đồng không? Nếu chưa có thì cần kiến nghị ngay để có hình thức cao hơn và mang tính nghiêm minh hơn, chứ cứ đuổi bắt như thế e nguy hiểm quá. Theo tôi, tùy mức độ vi phạm, ngoài phạt tiền cần tạm giữ phương tiện từ 3 đến 6 tháng vì người tham gia giao thông cố tình vi phạm luật giao thông thì xe chính là phương tiện vi phạm!”  - Long Pham:  longmai@com.vn thậm chí còn kiến nghị hình thức phạt đánh mạnh hơn nữa vào túi tiền người vi phạm mới đủ... sức nặng.

 

“Hoan hô các chú công an! Một biện pháp thật tuyệt vời! Các chú ra quân thì quán nhậu sẽ ít người say xỉn làm bừa hơn nhiều”-  Mr.Khoa:  doancongkhoa_k49@yahoo.com bày tỏ niềm vui và hy vọng.

 

“Hoan nghênh CSGT!  Nhân dân chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ CSGT làm nghiêm việc kiểm tra người tham gia giao thông uống rượu bia quá mức mà vẫn điều khiển xe máy, ô tô. Kỷ cương trật tự an toàn giao thông có được giữ vững hay không là do các anh làm có nghiêm hay không đấy!” – Nguyễn Thanh Tùng:  nguyenlamdam@yahoo.com nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nghiêm khắc từ phía lực lượng chức năng.

 

“Tại sao công an không để 1 cái máy đo trước mỗi quán nhậu để mọi người có thể tự kiểm tra xem nếu thấy vượt mức quy định về nồng độ cồn thì có thể gửi xe tại quán, đi xe ôm hoặc tacxi về nhà cho an toàn” -  Trần Thanh Hà:  phung_hung_klg@yahoo.com.vn đề xuất.

 

“Không biết uống bao nhiêu và sau bao lâu thì vẫn được điều khiển  phương tiện giao thông? Có lẽ các quán nhậu nên có máy kiểm tra nồng độ cồn trước khi trả phương tiện cho khách sẽ tốt hơn” - Trần Duy Quang:  laogiadiendien@yahoo.com.vn đồng tình...
 
Muôn kiểu... lý sự 
 
Như thường lệ, cánh ưa ăn nhậu luôn có đối sách của mình với quan điểm (như nhiều người trong chúng ta vẫn thường đùa với nhau) “Chê và tự khen là chính”:
 

“Việc sử dụng máy móc để kiểm tra người uống rượu bia để xử lý vi phạm trong điều khiển ô tô, xe máy là một tiến bộ quan trọng, đảm bảo tính chính xác cao, khỏi phải tranh cãi nhiều. Song có lẽ vẫn cần lưu ý thêm về cái vòi ngậm vào miệng để thở vào máy ấy. Chỉ sử dụng vòi thở dùng một lần như kim tiêm mới đảm bảo vệ sinh và phòng lây nhiễm qua đường chân tay miệng. Gặp tôi mà bắt ngậm vòi cũ thở là tôi không thở đâu (nói trước không lại bảo chống người thi hành công vụ)” - Nguyễn Ngọc Hứa:  ngochuadq@gmail.com vẫn bày tỏ băn khoăn.

 

“Ừ thì xử phạt. Nhưng mấy anh CSGT kiểu gì chẳng có ngày ăn nhậu ... rùi kiểu gì chẳng phải uống bia ... rùi thì 2 cốc nhẹ nhàng thui ... Lúc đó thì ai phạt mấy ảnh?” – nick abc:  abc@abc.com có chung câu hỏi ngược trở lại với lực lượng chức năng thay cho không ít “người trong cuộc”.

 

“Tôi rất đồng tình và ủng hộ việc làm này của nhà chức trách.  Nhưng để việc làm này có hiệu quả tốt thì cảnh sát giao thông nhất thiết phải KHÔNG NHẬN tiền lót tay” - Công Bằng:  ycongbang@yahoo.com ý nhị nhắc khéo…

 

“Đâu phải ai cũng có tiền để bắt taxi về sau khi nhậu đâu !!! Nói chung là làm thì cũng đúng, nhưng hình như… hơi ngược với văn hóa đời thường của nhiều người Việt Nam mình” - Nguyễn Sơn:  nguyensondtk6@gmail.com lý sự.

 

“Các quán nhậu, nhà hàng chuẩn bị đóng cửa hết là vừa. Người VN phương tiện chủ yếu vẫn là xe máy, cứ cắm chốt ngay quán nhậu thì quán đó...coi như xong” – nick Dân Nhậu:  dannhau@yahoo.com “dằn dỗi”.

 

“Nếu kiểm tra thế này thì cứ đứng ở cổng quán bia hoặc quán rượu thì 100% khách hàng của quán bia đều bị phạt, vì đã vào quán bia có mấy ai không uống đâu. Mà theo quy định chỉ cần 2-3 cốc là bị phạt roài. Như vậy thì làm gì còn ai dám đi xe tới quán bia nữa, đi bộ cho lành” - Dinh Van:  dinhvan2207@yahoo.com đế thêm.

 

“Uống rượu bia khi lái xe có nguy hiểm, nhưng tôi thấy vẫn không nguy hiểm bằng những thanh niên đầu trần đánh võng trên đường. Các anh CSGT cần xử nghiêm các đối tượng đó thì chắc tai nạn nguy hiểm sẽ giảm bớt đi nhiều” – Thanh Duc  congtu_duthu_duthuc@yahoo.com nhắc nhở nguy cơ từ hướng khác vốn đã và cũng đang khiến dư luận bức xúc.

 
Mạnh tay với người uống rượu bia điều khiển phương tiện GT: Dư luận đồng tình!  - 2
CSGT đo nồng độ đối với người tham gia giao thông (ảnh: Đạt Lê, báo Lao Động) 
 

Nghiêm khắc - hiệu quả

 

Dù có cố lý sự đến đâu, viện dẫn tới cả “truyền thống” – Trai vô tửu như kỳ vô phong – hoặc gì gì đi chăng nữa, cũng không ai có thể trốn tránh được thực tế đã báo động tới mức cao nhất về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay. Mà một trong những nguyên nhân, không ai là không biết, có sự góp sức không nhỏ của sự lạm dụng rượu bia của những người cầm lái dù họ có tự đề cao tửu lượng của mình tới mức nào.

 

Những bạn đọc có điều kiện biết, đã đi sang hoặc đang ở nước ngoài cũng có thêm những góp ý về thực tế xử lý nghiêm khắc của các nước bạn đã đạt được hiệu quả cần thiết như thế nào.

  

“Tôi thấy thật sự vui mừng khi thấy có những thay đổi nhất định về công tác bảo đảm an toàn giao thông ở VN. Cần phảl xử phạt mạnh để có hiệu quả. Ở nước ngoài ai vi phạm, dù có là “ông Trời” thì cũng bị phạt... Tôi thấy giao thông ở VN mình thì đến là người VN như tôi cũng còn phải ‘yếu tim’ chứ đừng nói người nước ngoài” – Tuyet Le:  http://www.tuyetuong189@yahoo.com nêu rõ.

 

 “Tôi có nghe nói ở một số nước phát triển, việc uống rượu & lái xe được xem là tội ác & hành vi này được xét xử ở mức độ hình sự. Say rượu lái xe và lái xe không bằng lái hoặc chưa đủ tuổi mà lái xe, thì việc đầu tiên cảnh sát làm sau khi bắt được là còng tay và chở về đồn như tội phạm hình sự. Không biết việc như trên có đúng hay không? Nhưng tôi cứ tự hỏi: liệu Việt Nam có cần làm mạnh tay như vậy không? Ước gì...” -  Mai Hoai An:  hoaianmai@yahoo.com bày tỏ quan điểm.

 

“Đáng ra việc này các cơ quan chức năng phải thực hiện từ lâu rồi. Rất  nhiều trường hợp người điều khiển xe máy và ôtô tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn, lạng lách, đánh võng và gây tại nạn giao thông không phải là ít. Ngay ở nước láng giềng Trung Quốc, họ đã phạt rất nặng những trường hợp tham gia giao thông lái xe uống bia rượu. Ngoài phạt tiền, tước giấy phép lái xe, còn phải chấp hành hình phạt tù giam 3 tháng. Tôi ủng hộ quyết định trên của cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc do những người lái xe uống bia rượu gây ra tai nạn giao thông cho người khác” - Bùi Tuấn Anh:  hp_donghai@yahoo.com nhấn mạnh.

 

“Về chủ trương như trên là rất đúng. Nhưng cần phải hành động thật sâu sát, khẩn chương, tránh để tình trạng "nhờn luật" của đại bộ phận người tham gia giao thông, đặc biệt là giới trẻ. Hãy tạo cho quần chúng tham gia giao thông ý thức tự bảo vệ lấy mình, đó là cơ sở then chốt để hình thành nên văn hóa giao thông” - Nguyễn Văn Nhẫn  vannhan.hg.88@gmail.com nêu thực tế.

 

“Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ được tốt hơn, tôi có ý kiến đề nghị nên tăng mức phạt tiền đối với người lái xe đã uống rượu bia mà gây tai nạn giao thông: ngoài hình phạt chính, áp dụng phạt bổ sung  tịch thu giấy phép  lái xe. Có như thế mới có tác dụng răn đe, bên cạnh các biện giáo dục phòng ngừa chung” - Trần Phương Chúng  phuongchungt@yahoo.com.vn cũng ủng hộ biện pháp mạnh tay và kiên quyết.

 

“Tai nạn giao thông ở nước ta thực sự ở mức báo động. Nó là nguy cơ với mọi người, mọi gia đình...  Mọi người dân nên tôn trọng quy định, còn cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm…” - Đào Đăng Khoa:  Namhoavuong@gmail.com có lẽ đã nói thay cho rất nhiều người dân hiện nay.

 

Khánh Tùng