Mạng xã hội, đáng sợ không?
Mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng là thành tựu văn minh của nhân loại, không thể không tiếp cận và sử dụng. Và pháp luật nước ta có đủ các chế tài xử lý những người sử dụng mạng xã hội, facebook để xuyên tạc, bôi nhọ, tung tin bịa đặt...
Có ý kiến quan ngại khi có hiện tượng một bộ phận cán bộ đang sợ mạng xã hội, sợ facebook. Kể ra cũng đáng sợ thật khi không ít biệt phủ, biệt thự của các cán bộ có chức, có quyền bị đưa lên mạng xã hội; không ít cán bộ "thân bại, danh liệt" vì những sinh hoạt không bình thường bị lan truyền chóng mặt trên facebook; không ít cảnh sát giao thông bị đưa lên mạng xã hội vì những hành động, phát ngôn không chuẩn mực... Chưa kể nhiều thông tin thật, giả lẫn lộn, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt, ảnh ghép, ảnh chế... xuất hiện trên mạng xã hội khiến nạn nhân không biết đối phó ra sao để lấy lại công bằng.
Nhưng, mạng xã hội, facebook là thành tựu văn minh của nhân loại, không thể không tiếp cận và sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung và nâng cao hiệu quả quản lý xã hội nói riêng.
Thực tế cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã sử dụng mạng xã hội, facebook, zalo làm phương tiện giao tiếp với công dân, nhằm giải quyết các thủ tục hành chính, khiếu nại được nhanh chóng, kịp thời mà không tốn thời gian đi lại của người dân như trước đây. Giải pháp này đang cho thấy những hiệu quả và lợi ích vượt trội.
Mạng xã hội đang trở thành một phương tiện giám sát của người dân đối với "công bộc". Mạng xã hội cũng là kênh giao tiếp rất hữu ích giữa “công bộc” và người dân. Sự phản hồi, bình luận, phản biện có trách nhiệm của người dân cung cấp cho “công bộc”, cơ quan quản lý những thông tin hữu ích để kịp thời khắc phục sai sót nếu có, và ngược lại, nếu có sự hiểu chưa đúng của người dân thì “công bộc”, cơ quan quản lý cũng dễ dàng biết để giải thích cho rõ.
Vì sức lan tỏa siêu nhanh của mạng xã hội, nên những hoạt động tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt cũng qua đó được phổ biến rất nhanh. Những tiêu cực, những bất cập qua mạng xã hội cũng được phản ánh kịp thời. Và hiểu theo cách đó, mạng xã hội hoàn toàn có thể là “người bạn đồng hành” với công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay.
Hệ thống pháp luật nước ta có đủ các chế tài xử lý những người sử dụng facebook, mạng xã hội để xuyên tạc, bôi nhọ, tung tin bịa đặt gây thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nhìn ở góc độ này thì mỗi người sử dụng mạng xã hội, facebook phải biết "sợ", vì nếu viết tin, bài và đưa hình ảnh không đúng sự thật, vi phạm những quy định cấm của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sự lên án của dư luận xã hội. Không ít người sử dụng mạng xã hội, facebook nhiều khi viết bằng cảm tính, viết theo tin đồn, thiếu điều kiện để kiểm tra, đối chiếu nhằm xác định sự thật, mà tin và hình ảnh đã đăng lên thì lan truyền rất nhanh, để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Suy cho cùng mạng xã hội, facebook, zalo chỉ là phương tiện, là công cụ. Phương tiện càng hiện đại thì hiệu quả càng cao, vấn đề ở chỗ người sử dụng phương tiện, ở đây là người đăng tin, bài, hình ảnh và cả người đọc, người xem đều phải có kỹ năng và có trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần "thượng tôn pháp luật", phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử./.
Theo Thái Vũ
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam