Phiếm đàm

Lý sự với dân kiểu thầy đồ

(Dân trí) - Những chuyện kể trên đều là những chuyện có thật, thật cả nhân vật, thật cả địa điểm, thật cả thời gian, ấy mà khi tôi kể, ông kể, thì chính tôi và ông cũng không thể nào tin được những chuyện đó lại có trong lĩnh vực hành chính công

 


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Gần đây, có một số công chức của ta có thói lý sự với dân kiểu thầy đồ trong chuyện dân gian sau đây: Một thầy đồ nọ tính tham ăn, đem một cậu học trò nhỏ theo hầu đi ăn cỗ. Ðến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc nhưng sợ mất thể diện, bèn cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:  “Này, con cầm lấy!” Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn. Thầy thấy vậy, giận lắm. Ðến lúc ra về, thầy muốn kiếm cớ để trả thù học trò nên hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn mắng: “ Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?” Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt: “Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?” Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát: “Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.”

Họ gây khó với dân kiểu như vậy, bạn không tin ư? Thì đây, một công dân ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, năm 2001 mua mảnh đất đang ở của một người bán đã được chính quyền cấp đất từ năm 1984. Tất cả việc mua bán này đều được UBND xã Bồ Đề lúc đó xác nhận. 6 năm sau, đến năm 2007 tiến hành làm sổ đỏ, cán bộ phường yêu cầu công dân này bổ sung hồ sơ, phường yêu cầu công dân này  phải xin xác nhận của các hộ dân xung quanh rằng mảnh đất đó gia đình người bán được cấp năm 1994 chứ không phải năm 1984 như xác nhận của Chủ tịch UBND xã Bồ Đề trước đó (?). “Tất nhiên là không dân ai xác nhận chuyện đó, bởi vì thực chất đất ấy được cấp năm 1984”. Chuyện này có khác gì đâu chuyện thầy đồ gây khó cho người hầu, không cho cậu ta đi phía trước, đi ngang hàng và và đi ở phía sau mình.

Cũng tương tự là chuyện một công dân ngụ tại Láng Hạ khi đã mang đầy đủ các giấy tờ theo thủ tục quy định niêm yết tại phường đến xin xác nhận tình trạng hôn nhân để hoàn tất thủ tục thế chấp vay ở ngân hàng, nhưng cán bộ tư pháp - hộ tịch - hôn nhân ở đây còn yêu cầu phải trình thêm giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo cho khoản tiền chị định vay. Công dân đó rât ngạc nhiên khi thấy họ bắt bẻ dân bằng đòi hỏi tréo ngoe, vì trong trường hợp này, trách nhiệm của Phường chỉ là xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân này chứ không phải đi xác minh tài sản thế chấp của công dân đó. Công dân này chỉ có nghĩa vụ chứng minh tài sản đảm bảo với ngân hàng chứ không phải với cán bộ phường.

Không ít công chức hành chính bây giờ khi làm việc có tính hành là chính đối với dân, cho dù họ giải quyết công việc sai lè, nhưng vẫn bảo rằng họ giải quyết công việc chỉ có đúng trở lên và chỉ có dân là sai, các cơ quan hữu quan tham gia giải quyết công việc cùng họ cũng là sai tuốt. Như chuyện một công dân có con mới sinh trong tháng 3 đang nằm viện nên đến UBND phường Thành Công quận Ba Đình Hà Nội  để hỏi tiến độ thủ tục xin cấp thẻ bảo hiểm cho con để được miễn giảm viện phí thì nhận được câu trả thờ ơ từ nữ cán bộ ngồi ở ô “Hộ tịch - Tư pháp - Chứng thực - Sao y bản chính”: Nếu giấy hẹn ghi tháng 6 thì cứ tháng 6 mới đến. Cuối tháng bọn chị chuyển hồ sơ lên trên quận rồi hơn một tháng sau quận chuyển lại. Khi đó mới có thẻ bảo hiểm. Nữ cán bộ ngồi ở bộ phận “Tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính” cũng khăng khăng nói: “Nếu trường hợp cháu khai sinh trong tháng 3 thì phường đã chuyển hồ sơ làm bảo hiểm lên trên quận rồi.” Tuy nhiên, công dân này đến  Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình, ở đây khẳng định chưa nhận được hồ sơ xin cấp bảo hiểm cho cháu từ UBND phường Thành Công chuyển lên. Lại còn cẩn thận lấy ra xem lại bản danh sách gần 20 trường hợp trẻ sơ sinh xin cấp thẻ bảo hiểm của phường Thành Công trong tháng 3, nhưng không thấy có tên cháu. Cán bộ quận bảo:“Danh sách này gửi lên hôm 2/4, chúng tôi hẹn đến 16/4 sẽ trả thẻ. Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình không hề có trục trặc gì mà sao phường lại hẹn trường hợp cháu bé này đến tận 1/6 mới có thẻ. Bình thường cứ chừng khoảng 1 tháng sau khi hồ sơ xin cấp thẻ bảo hiểm y tế từ phường gửi lên là chúng tôi đã làm xong”. Sáng hôm sau bố cháu quay lại phòng làm thủ tục hành chính phường Thành Công để làm rõ, thì 2 nữ cán bộ ở đây vẫn khăng khăng bảo là đã chuyển hồ sơ lên trên quận.

Tôi đem chuyện này kể với bạn. Bạn tôi bảo: Ông kể còn sót một đoạn cuối của câu chuyện dân gian, mà là đoạn rất quan trọng. Ấy là khi thấy thầy đồ hành xử như vậy, cậu người hầu ngơ ngác hỏi: “Bẩm thầy, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy xin thầy bảo cho con nên thế nào cho phải ạ?” Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm nói toẹt ra: “Thế bánh tao đâu...?”. Ấy là cậu người hầu này vẫn may, hỏi thì chỉ bị mắng. Còn bây giờ, có trường hợp dân hỏi, đâu chỉ bị công chức mắng mà còn bị cấm hỏi. Ấy là trường hợp một công dân ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước  theo đúng thời gian ghi trong giấy mời, nhưng bị một nhân viên nữ nạt: “Tại sao ngày hôm qua mời mà không đến?”. Bà trả lời là đã đến đúng ngày ghi trong giấy mời thì cô này hỏi vặn: “Lần trước gọi điện thoại sao không đến?” Thấy thái độ hách dịch của nữ nhân viên, công dân này  hỏi tên của nữ nhân viên thì bị đe nẹt: “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó?”

Rồi bạn tôi chẹp chẹp miệng: “ Những chuyện kể trên đều là những chuyện có thật, thật cả nhân vật, thật cả địa điểm, thật cả thời gian, ấy mà khi tôi kể, ông kể, thì chính tôi và ông cũng không thể nào tin được những chuyện đó lại có trong lĩnh vực hành chính công, bởi vì cách đây 2 năm, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ có trên dưới 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy mới đau chứ!

Nguyễn Đoàn

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm