Lương tâm và trách nhiệm

Một hành động thiếu suy nghĩ của một cá nhân khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội!.

 Ít ngày nữa thôi, Việt Nam sẽ đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19, nhưng chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ của một cá nhân cũng có thể khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội!

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, trước đó,16/16 ca bệnh đều đã được chữa khỏi, được Tổ chức y tế thế giới đánh giá cao.

Có được kết quả trên, bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, kịp thời của các cơ quan chức năng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, còn phải kể đến sự ủng hộ, tin tưởng và tinh thần chủ động phòng, chống dịch của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày cả nước miễn nhiễm với virus Covid-19, thì trong tối 6/3, sự việc bệnh nhân đầu tiên tại Hà Nội N.H.N (26 tuổi Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) là người thứ 17 nhiễm dịch đã làm bầu không khí lạc quan, an toàn tại Thủ đô bị ảnh hưởng...

Một số người dân có phần tâm lý lo ngại, cả guồng máy các cấp, cơ quan truyền thông, báo chí…phải lăn xả vào cuộc với buổi họp báo khẩn lúc 22h và các biện pháp khoanh vùng, cách ly… đã được thực hiện ngay trong đêm. 

Rõ ràng, về mặt cơ chế lây lan, theo nhận định của các cơ quan chức năng, ca bệnh vừa xuất hiện ở Hà Nội đã được tính toán nằm trong kịch bản, đây là trường hợp bệnh xâm nhập, đi từ nước ngoài về. Nhưng buồn thay, ca nhiễm này lại bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm của chính bệnh nhân đối với sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng động trong phòng chống dịch. 

Lương tâm và trách nhiệm - 1

Hành khách đến từ vùng dịch khai báo y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: thanhnien.vn. 

Theo các cơ quan chức năng, trước khi trở về Việt Nam, bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp qua các nước Anh, Ý, Pháp, bằng phương tiện giao thông công cộng và tiếp xúc trực tiếp với một số người. Khi về nước ngày 2/3, mặc dù đã có một số triệu chứng nhưng bệnh nhân không chủ động khai báo y tế.

Hệ quả là giờ đây hơn trăm người tiếp xúc gần với bệnh nhân và tiếp xúc với người tiếp xúc gần hiện đang phải cách ly chặt chẽ, nhiều hàng quán phải đóng cửa… gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân xung quanh và hơn cả là gây tâm lý hoang mang một bộ phận người dân khu phố và lân cận...

Trước đó, một công nhân từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) về huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam) cũng “vô tư” tiếp xúc với nhiều người trong gia đình và hàng xóm, sau đó kết quả người này đã lây nhiễm dịch bệnh cho 5 người khác. 

Ngoài ra, cũng không ít người khi được thuyết phục vào khu cách ly tập trung còn bày tỏ thái độ không hợp tác, thậm chí trốn khỏi khu cách ly tập trung…

Mặc dù đây chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng hệ luỵ lại vô cùng lớn!

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong bối cảnh chưa tìm ra vắcxin ngừa dịch Covid-19 thì cách ly chính là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả hàng đầu để phòng dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các cơ quan chức năng thông qua các phương tiện truyền thông cũng đã liên tục đưa ra các khuyến nghị, yêu cầu đối với những công dân đi/về từ vùng dịch phải thực hiện thủ tục khai báo y tế và cách ly theo quy định pháp luật.

Song, đáng tiếc, theo thông tin ban đầu cho thấy nữ bệnh nhân thứ 17 này mặc dù biết mình có nguy cơ mắc dịch nhưng không rõ do vô tình hay hữu ý đã không khai báo cho cơ quan chức năng về vấn đề này???

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, nghiêm cấm các hành vi: người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm…

Các hành vi trốn khai báo y tế, khai báo gian dối, trốn cách ly làm lây lan dịch bệnh.., theo luật sư Lê Thị Thu Hà (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Các hành vi này nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý theo điều 240 Bộ luật hình sự  2015 “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Ở đây, việc đánh giá bệnh nhân N.H.N có tội hay không sẽ thuộc về các cơ quan chức năng, nhưng thiết nghĩ sẽ có một toà án lương tâm với chính bản thân bệnh nhân vì hệ luỵ đã rất rõ ràng, đau xót. Ngày 7/3, theo công bố của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có thêm 2 người thân, quen nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân này và rất nhiều người khác cũng đang phải  đối diện với nguy cơ trên. Ngoài ra, thêm một bệnh nhân N.V.T (Ninh Bình) trở về Việt Nam từ khu vực thành phố Daegu, Hàn Quốc đã dương tính với virut Covid-19 nâng tổng số ca nhiễm hiện nay tại Việt Nam lên 20.

Bởi vậy, hơn ai hết, mỗi công dân cần phải nhận thức đúng đắn được tầm quan trọng, vai trò và nghĩa vụ trong phòng chống dịch, nghiêm túc chấp hành các  hướng dẫn của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật về phòng, chống dịch để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, vừa bảo đảm an toàn cho người thân, cộng đồng, góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức và pháp lý. Nên nhớ, chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ của một cá nhân có thể khiến dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội!.

Mặt khác, để tăng tính răn đe, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất cho những người có hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để làm gương cho toàn xã hội.

Hẳn chúng ta không quên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan rộng, Việt Nam luôn sẵn sàng đón các công dân từ vùng dịch về và chuẩn bị sẵn sang các phương án hỗ trợ cần thiết. Vậy thì vì lý do gì những công dân Việt Nam này không thể hiện tình yêu nước và trách nhiệm công dân bằng những việc làm, sự hợp tác cụ thể với các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch, để bảo vệ chính mình, gia đình và xã hội?!.

Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu coi phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến thì chúng ta mới chỉ chiến thắng chiến dịch mở màn, do đó không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là”. Hơn ai hết, trong mọi cuộc chiến, yếu tố con người vẫn giữ vai trò quyết định. 

Theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, bắt đầu từ 6 giờ sáng 7/3, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc.

Chính phủ, các cấp, ngành,địa phương đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong phòng, chống dịch Covid-19, lúc này, thay vì hoang mang hay lo lắng, mỗi công dân Việt Nam cần tiếp tục chung tay trong chủ động phòng chống dịch, “sàng lọc” những thông tin đúng đắn; tích cực phối hợp, tin tưởng vào các biện pháp của các cơ quan chức năng. Và trên hết, hãy sẵn sàng, mạnh mẽ đối diện với dịch bệnh để chiến thắng chính mình và chiến thắng dịch bệnh!./.

Theo Thu Hằng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm