Luận bàn về Công an, Nhà báo và dư luận xã hội
Nhiều chiến sĩ với việc bắt bớ tội phạm thường ngày nên tính cách cũng rất hình sự, nóng nảy và khó kiềm chế. Trong khi nhà báo luôn xông pha và nhiều người cũng mắc cái tính gọi là “quyền lực thứ tư”, nói có ngạnh, buộc trời phải cúi. Và khi hai khí phách ấy chạm nhau...
Dư luận đang ngập trong “bão” thông tin về vụ “Công an đánh Nhà báo” ở cầu Nhật Tân. Khi vụ việc đó đang cao trào thì lại thêm clip Công an giật tóc, đuổi người bán hàng rong ở hồ Con Rùa, TP Hồ Chí Minh.
Sự tương tác mạnh mẽ giữa báo chí và mạng xã hội trong hai vụ việc trên đã ảnh hưởng đến hình ảnh người công an trong thực thi công vụ và trong suy nghĩ, tình cảm người dân.
Lên mạng, lên fecebook, blog, diễn đàn…, người đọc hẳn nhiên rơi ngay vào vòng xoáy với muôn trạng hình ảnh, bài viết, lời bình và khi ta đọc nhiều, bị tương tác nhiều bởi thông tin cùng chiều như vậy, nếu ai có viết khác đi hẳn sẽ bị nghi ngờ, bị đặt dấu hỏi. Nhưng nếu bình tâm một chút, nếu xét tính toàn cục, hẳn ta sẽ thấy vỡ lẽ rất nhiều điều, ngẫm rằng hai bên (Công an và Nhà báo) đều cần sự đánh giá khách quan.
Trước hết, cần khẳng định, chiến sĩ Công an trong cả hai vụ việc trên có những hành xử không đúng, vi phạm quy trình, nguyên tắc và tác phong công tác. Nếu như CSHS Ngô Quang Hưng và Nguyễn Văn Thuyên đã có hành vi đánh người (dùng chân đá) phóng viên thì trong vụ tại hồ Con Rùa, Thiếu úy Bùi Xuân Hải đã lao vào giật tóc, kéo lê người bán hàng rong. Những sai phạm đó là rõ ràng, lại xảy ra nơi đông người nên rất phản cảm, cần được nghiêm túc nhìn nhận và là bài học chung cho cán bộ, chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ.
Về phía phóng viên, xem kỹ clip cho thấy, phóng viên Quang Thế và một vài người khác không rời khỏi khu vực được yêu cầu, vẫn cố bám trụ. Đoạn clip có lời của người xưng phóng viên một tờ báo khác đã đôi co khi liên tục yêu cầu kiểm tra giấy tờ của… CSHS và dọa tung lên báo nếu không cho vào hiện trường chụp ảnh! Sự đôi co này khiến CSHS nổi cáu và dẫn tới hành động như trên.
Hình ảnh như thế này tràn ngập mạng
Vụ việc xét như vậy thì vi phạm cả hai phía (Công an, Nhà báo) là về quy tắc, hành vi ứng xử. Tức đó là sai phạm về mặt hiện tượng, không phải bản chất. Không vì cú đá của công an hay hành vi đôi co của nhà báo để quy kết thành phẩm chất, đạo đức suy thoái.
Thế nhưng, sự việc đã bị đẩy quá xa, gây hiệu ứng tiêu cực trong dư luận xã hội. Sau khi Công an Hà Nội công bố kết luận, vụ việc một lần nữa lại dậy sóng. Lần này liên quan đến quyết định xử phạt hành chính phóng viên Quang Thế và một số câu từ trong kết luận.
Cụm từ “vung tay vào mặt” trong văn bản kết luận được báo chí, mạng xã hội đưa ra bình phẩm, chế diễu với những khái niệm như “gạt tay trúng má”, “vung tay vào má”... Xem clip và đối chiếu văn bản kết luận cho thấy, cách dùng từ ngữ ở điểm này chưa xác đáng. Song việc lấy câu từ đó để bình chế rồi lan truyền, nhạo báng đến hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Công an, nhạo báng kết luận của Công an Hà Nội là điều rất không nên.
Vấn đề đặt ra: Giữa Công an và báo chí có gì “lấn cấn” mà từ những vụ việc như thế này, báo chí với sự cộng hưởng mạng xã hội đã thổi bùng dư luận?
Công an và Nhà báo, hai khái niệm này đâu có mâu thuẫn nhau cả trong logic và đời thực. Công việc giữa họ là khác nhau (việc của Công an trong những trường hợp trên là điều tra vụ án, bảo vệ trị an còn việc của nhà báo là mau chóng có tin, có ảnh). Giữa họ giao thoa ở một điểm: cả hai đều cần tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, Công an được tiếp cận, bảo vệ, khám nghiệm hiện trường còn nhà báo thì không có quyền đó.
Công an đến hiện trường là thực thi nhiệm vụ được cơ quan Nhà nước giao và bắt buộc anh phải có mặt. Còn nhà báo đến là động cơ nghề nghiệp, muốn có hình ảnh, thông tin càng cận cảnh càng tốt, để có những bức ảnh, thông tin sát nhất. Nghĩa là xét về pháp lý, công an đến hiện trường được pháp luật quy định còn nhà báo luật không quy định nhiệm vụ này; xét về động cơ, mục đích thì cả Công an, Nhà báo đều không có gì phải bàn.
Công an chỉ tuân theo luật định khi thừa hành nhiệm vụ và theo cái áp chỉ ấy nên nhiều khi cũng cứng nhắc, chưa kể nhiều chiến sĩ với việc bắt bớ tội phạm thường ngày nên tính cách cũng rất hình sự, nóng nảy và khó kiềm chế. Trong khi nhà báo luôn xông pha và nhiều người cũng mắc cái tính gọi là “quyền lực thứ tư”, nói có ngạnh, buộc trời phải cúi, phật ý là... doạ tung lên báo. Hai cái khí cách ấy mà đụng nhau, chẳng hạ hoả thì rốt cục là như vụ việc này đây: công an tung cú đá, giật máy quay, nhà báo phản đòn bằng... viết bài, tung bài!
Công an có những quyền hạn trong pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Công an chịu sự giám sát của nhân dân, các tổ chức, đoàn thể. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, báo chí thực sự có vai trò phản biện và giám sát một cách nhanh chóng và hữu hiệu đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có Công an. Điều này đặt ra tương tác về vai trò, hình ảnh Công an trên dư luận truyền thông.
Nhà báo có thể khởi tạo và chèo lái dư luận
Nhà báo có thể tạo dư luận, định hướng dư luận và cả chèo lái dư luận. Thế nên Nhà báo bị đánh khác với dư luận về Công an bị đánh (bao nhiêu vụ CSGT bị đánh giữa đường, dư luận không mấy để ý). Còn khi Nhà báo bị xâm hại, bị đánh, Nhà báo khác hẳn nhiên lên tiếng vì đồng nghiệp.
Nhà báo bị người khác đánh, chưa rõ đầu cua tai nheo đã rùm beng rồi (như vụ Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị “3 côn đồ” đánh hồi đầu năm), huống chi nay “bị Công an đánh”! Trong mối quan hệ đó, khi tranh luận về sự đúng sai hay để bảo vệ theo luồng quan điểm của mình, báo chí khởi tạo và chèo lái dư luận, gây nên những “cuồng phong” dữ dội. Người dân, họ không biết bản chất đích thực khi “bão” chỉ cuốn về một hướng. Cái sai của Công an bị đưa ra mổ năm xẻ bảy, còn cái sai của phóng viên chỉ... nằm trên kết luận cơ quan công an.
Việc không hay ấy giờ đây bị thổi lấn át những việc mà Công an đang làm hằng ngày. Cú “đá phóng viên trên cầu” hay “gạt tay trúng má” thì dư luận biết, rất biết và bàn tán, bình chế tràn lan, trong khi hàng trăm cảnh sát luồn rừng, mật phục gần tháng trời để lùng bắt kẻ thủ ác ở Lào Cai, hàng trăm cảnh sát căng mình phong tỏa các ngả đường, buộc kẻ gây thảm án ở Quảng Ninh tra tay vào còng, cái vất vả, gian nan ấy đâu có nhiều người hiểu và sẻ chia!
Tối 29-9, tức trùng với thời điểm Công an Hà Nội công bố kết luận vụ “Công an và Nhà báo xô xát”, trên mạng xuất hiện tin, ảnh Công an lấp ổ voi giúp tài xế. Nội dung nêu: Suốt nhiều giờ đồng hồ tối 29-9, hàng nghìn người dân cùng cánh tài xế lưu thông trên đường ĐT743 đoạn qua địa bàn khu phố Chiêu Liêu (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) không khỏi xúc động trước hình ảnh nhiều CSGT Công an thị xã Thuận An xắn tay áo, cùng nhau lấy xẻng múc đất đá san lấp những hố sâu và rộng trên mặt đường, giúp người dân cùng các phương tiện lưu thông qua khu vực này an toàn. Song đáng tiếc, những hình ảnh như vậy đã chìm trong cơn bão “gạt tay trúng má”! Hình ảnh đẹp hoàn toàn lép vế trước cuồn cuộn thông tin về mặt xấu.
Suy ngẫm ra, người mình vốn dĩ có tính tò mò, thích tìm hiểu, bàn luận chuyện xấu của người khác, rộng hơn là chuyện mặt trái của xã hội. Ngược lại, những gương sáng, những điển hình, dù có viết nhiều, đưa nhiều thì người đọc, người xem cũng hờ hững, dễ gạt sang bên. Tâm lý ấy tự khi nào nẩy sinh, chưa dễ gì sửa sang được. Người Công an cũng phải biết điều ấy để ứng xử sao cho phải.
Trong khi việc tốt nêu ra cũng ít người để ý (trong ảnh: CSGT Thuận An, Bình Dương xắn tay lấp ổ voi cho xe đi qua an toàn)
Nhà báo và Công an, như trên đã nói, hai phạm trù đó không có gì mâu thuẫn nhau. Ngược lại, xét trong công việc, dù khác nhau song giữa hai bên có nhiều điểm để cần sự tương tác, hỗ trợ nhau. Thế nên, đừng vì lý do gì, vì hiện tượng nào không đúng, không đẹp mà băm năm xẻ bảy, xô ngã, phủ nhận cả nền đế vốn là bản chất, thuộc tính.
Xin trích lại lời phát biểu của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại buổi gặp mặt báo chí nhân Ngày báo chí cách mạng 21-6-2016 vừa qua: “Tôi mong cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên phối hợp tuyên truyền để nhân dân nhận rõ được đầy đủ bản chất và hoạt động của lực lượng CAND, qua đó, tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của toàn xã hội đối với các hoạt động của lực lượng CAND, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”…
Những điều tôi viết ở đây khi mình vừa là Nhà báo, lại vừa Công an. Thế nên hẳn cái sự sẻ chia vì lẽ ấy mà cũng công bằng.
Đăng Trường
(Theo báo Công an nhân dân)