Luận bàn tiếp về “công lý được thực thi” qua vụ Dương Chí Dũng

(Dân trí) - Không còn nhiều lắm “lửa nhiệt tình” để bình luận sôi nổi ngoài lề như với phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm, dư luận tỏ ra dè dặt hơn với phiên phúc thẩm. Đa số xoay quanh chuyện mạng sống con người và cán cân Công lý…

Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa phúc thẩm
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa phúc thẩm

 

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

 

Trước hết, bức tranh toàn cảnh với những gam màu trái ngược trong chính Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines),  nơi  cựu Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng và các đồng phạm đã làm mưa làm gió một thời, lại được bạn đọc thẳng thắn “soi rọi” tới tận những góc khuất nẻo nhất:

 

“Anh em chúng tôi đi làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, có khi còn mất cả mạng trên biển cả. Ăn uống thì khổ sở, sống tù túng... Vậy mà đổi lại thì sao? Đổi lại là nợ lương, thậm chí còn bị quỵt lương. Có những người đi làm cả 2 năm trời trên biển, xa nhà, xa người thân... vậy mà về nhà không được 1 đồng lương nào. Thử hỏi ai sẽ bảo vệ thuyền viên VN bây giờ? Mà ở VN  thời kỳ này, vấn nạn nợ lương rồi quỵt lương trong ngành hàng hải là rất rất nhiều, còn những công ty trả lương sòng phẳng bây giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi. Xin hỏi các cấp quản lý bên trên có biết những nỗi khổ này cho người lao động không?” - Đặng Văn Ngà:  ngavoi1990@yahoo.com.vn

 

“Tội tham ô số tiền lớn như vậy không thể gây hậu quả bằng hệ lụy đã làm cho cả tập đoàn Vinalines đứng trên bờ vực phá sản. Bao nhiêu cán bộ công nhân viên của tập đoàn này không có công ăn việc làm, đời sống rất khó khăn. Một ngành kinh tế được coi là mũi nhọn của quốc gia, vốn được nhân dân gửi gắm nhiều kỳ vọng đã không thể phát triển được, việc phá sản những tập đoàn tương tự cũng rất dễ xảy ra. Giới chức nào cũng như ông DCD này thì đất nước đi về đâu? Mà nếu cho dùng tiền tham nhũng để thoát tội chết thì nhiều đối tượng tham nhũng sẽ “nhờn” với pháp luật. Hy vọng pháp luật công minh và Chủ tịch nước sẽ quyết định hợp với lòng dân. VN chúng ta hãy xem Trung Quốc ngay bên cạnh chống tham nhũng mạnh mẽ thế nào…” - Tri Nguyen:  canhdonghoa67@gmail.com

 

“Những tội phạm trong vụ Vinashin, Vinalines thật khó tha thứ vì quá sức tưởng tượng và sức chịu đựng của nhân dân. Đã vậy các đối tượng còn ngoan cố chối tội (cứ như lúc vẫn còn nắm quyền hành)? Theo tôi, đây là mối nguy cực kỳ nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm trước pháp luật để làm gương cho những quan chức nào đang còn lộng hành (cậy quyền cậy chức để lạm dụng vào những việc làm sai trái, tham ô, lũng đoạn, ăn hết phần của nhân dân… nhưng còn chưa bị đưa ra ánh sáng). Đề nghị giữ nguyên bản án tử hình và các mức án như đã tuyên để giữ gìn kỷ cương, phép nước. Chứ mới bồi thường được vài tỷ so với vài trăm ngàn tỷ bị tham nhũng mà thoát án tử hình, thì nhân dân không còn cơ sở nào để lấy lại được niềm tin nữa cả” - Vui:  thienthannhattk21@yahoo.com

 

“Quê tôi là 1 xã thuộc diện 135 của tỉnh Hà Giang, đến nay vẫn chưa có điện, chưa có đường bê tông, chưa có sóng điện thoại…. Chỉ cần một góc nhỏ của số tiền tham nhũng đó chắc là đã có thể giải quyết xong những vấn đề của vùng 135. Phải nói VN ta vẫn  nhiều tham nhũng quá nên mãi mà vẫn là một nước "đang phát triển"...” – Sy Dang:  dangquangsy1989@gmail.com

 
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa phúc thẩm
Luật sư Trần Đình Triển trình bày bản tuyên thệ khai báo của ông Goh Hoon Seow mà các luật sư vừa thu thập được từ Singapore (ảnh theo: P. Thảo) 
 

Cán cân công lý

 

Rất quan tâm với niềm phấn khởi, hy vọng vừa được nhen nhóm lại khi thấy các vụ “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử. Nhưng ngay trong chính dư luận cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Với phiên phúc thẩm này, đa số tranh luận xoay quanh chuyện số phận con người và công lý phải được thực thi như thế nào?

 

“Đối với tội phạm về kinh tế, nộp tiền khắc phục hậu quả chẳng phải có lợi hơn việc mang đi xử tử sao. Xử chết rồi, dân mình lại è cổ trả nợ thay ư?” - Ngoc Linh:  cho_gam_xuong@yahoo.com

 

“Nếu khắc phục bằng tiền để thoát án tử hình thì những người bị phát giác chỉ coi như "tai nạn nghề nghiệp" thôi sao? Còn những ai chưa bị hoặc không bị phát giác thì...OK quá!? Vậy thì cứ tham ô đi, nếu bị phát giác lại lấy tiền đó nộp khắc phục hậu quả. Còn không thì càng có tiền xài vô tư hay sao? Các vị quan tòa nên nghĩ đến người dân hai sương một nắng vất vả làm ra những đồng tiền đó, họ vẫn đang chờ công lý phải được thực thi đấy!” - Phúc Chiến:  phucchien1972@gmail.com

 

“Tội của DCD và MVP để lại hậu quả rất nặng nề với nền kinh tế VN. Tuy nhiên, phiên tòa hôm nay là sự phán quyết của tòa án đối với mạng sống của hai con người. Tôi tin vào sự công tâm của các thẩm phán và cả các luật sư bào chữa. Nếu DCD còn sống thì còn có cơ hội bù đắp thiệt hại cho đất nước dù ít, dù nhiều. Nếu DCD chết là... hết chuyện…???” – Thuanhanhquyen:  thuanhanhquyen@gmail.com

 

“Chỉ với 1,666 triệu USD tham ô cùng nhau chia chác với đồng bọn, liệu ông Dũng lấy đâu ra số tiền cực "khủng" để mua nhà hạng sang, sắm xe cho vợ con và... như vậy? Chưa điều tra thì thôi, một khi đã điều tra thì phải đến tận gốc rễ của vấn đề. Tìm được nguồn gốc số tiền phi pháp, lật lại cả thời gian trong quá trình công tác, đưa ra ánh sáng những vấn đề còn khuất tất trong các phi vụ làm ăn, mua bán hay các dự án xây dựng, không loại trừ những cá nhân nào có liên quan. Đây là điều mà chúng ta cần làm ngay và có thể làm được, thể hiện quyết tâm của VN trong lĩnh vực chống tham nhũng. Còn nếu không thì vụ án này cũng lại chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi...” - Hồ Văn Ty:  congratulation.hvty@gmail.com

 

“Dư luận cả nước rất mong chờ vụ "đại án" này được xét xử nghiêm minh, không để lọt tội phạm… Làm vậy cũng nhằm lấy lại uy tín của đất nước VN với quốc tế...” - Thanh Bui:  thanhp791@gmail.com
 
Những thông điệp tâm huyết
 

Tâm huyết của các công dân có trách nhiệm với đất nước được thể hiện rõ trong mọi phản hồi của người dân với các cơ quan chức năng, bởi việc xét xử các vụ “đại án” tham nhũng này như thế nào đều có tác động rất lớn tới chiều hướng dư luận đánh giá mọi lĩnh vực của xã hội sau đó. Dưới đây là một vài ý kiến tiêu biểu: 
 
“Tôi là một người dân năm nay cũng đã 60 tuổi rồi, có 30 năm tuổi Đảng. Tôi xin mạo muội góp ý với chánh án, các thẩm phán, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho các thân chủ trong vụ án này:
 

 + Dương Trí Dũng và đồng bọn, kể cả một số chưa xử, đều là những con người được lựa chọn trao quyền cao chức trọng ở các cơ quan công quyền hoặc DNNN. Bọn họ phải là những người có tài có đức, có học hàm học vị đủ thứ, xuất thân là con cháu của những người đã có công với dân, với nước, được giáo dục bài bản... được hưởng rất nhiều bổng lộc của nhân dân và đất nước. 

 

+ Vậy mà họ đã hành động ra sao? Phải nói thẳng ra là họ đã lợi dụng lòng tin của nhân dân để quay lại “cướp” công của dân, đẩy cuộc sống của bao người đến ngõ cụt... 
 
+ Họ chỉ biết đến tiền, quyền  và ăn chơi sa đọa... bằng những đồng lương hàng tháng của chúng sao? Chắc chắn không phải vậy. 
 
+ Với những điều trên đã có thể khẳng định: Họ đã phản bội lại đất nước, nhân dân  và cả gia đình. 
 
+ Các anh chị hãy bảo vệ cho sự công bằng và lẽ phải, để lấy lại lòng tin trong nhân dân” - Lê Công Bằngcongbang_@gmail.com
 
“Theo dõi phiên tòa xử vụ đại án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát vài chục ngàn tỷ này và đọc các comment, tôi càng thấy chua chát khi nghĩ về thực trạng phòng chống tham nhũng của nước nhà… Tôi hiện là một Đảng viên Cộng sản với gần 30 năm tuổi Đảng, nhận thấy VN ta phòng và chống tham nhũng vẫn kiểu giơ cao đánh khẽ thế này thì chỉ càng khiến chúng tôi mất dần niềm tin mà thôi…”- Dang Duyzdang_duyz@yahoo.com 
 
“Năm bộ bảo không sai, nhưng kết quả là ụ nổi thành sắt vụn? Cơ chế bao cấp là vậy đó.  Có lẽ các bộ chỉ thuộc quy định mà không quan tâm kết quả cuối cùng? Trong khi trong kinh doanh không đánh giá phương pháp làm, mà chỉ đánh giá hiệu quả... Thật xót xa vì bộ sậu ăn hại đó chỉ lợi dụng quyền chức để đục khoét của dân, của nước!!!” -Đặng Văn Đông49dangvandong49@gmail.com 
 
“Muốn nói gì thì nói, nhưng phải có nhân chứng,  vật chứng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, chính xác thì hẵng định tội người ta, tránh oan sai như mấy vụ vừa rồi. Hy vọng đừng làm theo kiểu “án tại hồ sơ” rồi ép cung, mớm cung… không đúng với Hiến pháp và pháp luật ...” - Nguyễn Văn TùngTungvan@gmail.com
 
“Xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là điều mong ước chung của nhân dân. Hy vọng tòa xét xử nghiêm minh, đúng thực tế. Làm vậy cũng là hợp với lòng dân…” - Ngự Hồngvohongngust@gmail.com 
 

Và chúng ta hãy cùng kiên nhẫn thêm để chờ xem, dù dự báo chung từ dư luận có vẻ cũng không mấy khả quan hơn sau khi theo dõi phiên tòa sơ thẩm.

 

Kiều Anh