Bạn đọc viết:

“Lột xác” để xe buýt đảm nhiệm đúng vai trò

(Dân trí) - Chuyện xe buýt ở VN thì không chỉ những người phải đi xe, mà cả dư luận cũng kêu ca từ rất lâu rồi. Lần này có lẽ được khuấy động thêm bởi chuyến thị sát thực tế của đích thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Ý kiến chung: xe buýt phải lột xác!

“Lột xác” để xe buýt đảm nhiệm đúng vai trò - 1
(ảnh minh họa: Việt Hưng)

 

Độc giả có email:  dohuukhoakt2@gmail.com viết:

 

Tôi là người đi làm thường xuyên bằng xe bus. Với năng lực phục vụ hiện nay tôi nghĩ chưa nên cấm xe máy. Tôi có thể nêu ra vài con số và dẫn chứng để quý vị cùng BT GTVT suy ngẫm:

 

- Quãng đường 22km từ nhà đến công ty phải đi 2 tuyến, mỗi tuyến chờ ít nhất cũng mất 15 phút (chưa kể đông quá, xe bỏ bến). Tổng thời gian đi làm nếu không tắc đường là 1h45', còn nếu tắc đường là 2h30' thậm chí 3h00'.

 

- Giả sử 1 chiếc xe buýt thiết kế công suất là 70-80 người/xe vào lúc đông khách nhất, nhưng thực tế vào giờ cao điểm xe phải chứa khoảng 120-150 người/xe  (chúng tôi thường "nói vui" rằng: Nếu rút chân lên là không có chỗ đặt xuống nữa).

 

- Giờ cao điểm đứng chờ xe buýt tại các bến trung gian (không phải đầu bến), thường phải chờ 2-3 chuyến mới lên được xe.

 

- Xe buýt thiết kế có điều hòa nhưng để tiết kiệm dầu, nhiều xe không bật (không rõ đó là quan điểm chỉ đạo của công ty xe buýt hay sự chủ quan của các lái xe để “ăn” dầu?)

 

- Xe buýt không bật điều hòa nhưng lại không cho khách mở cửa kính, dẫn đến nhiều người bị huyết áp thấp hay những người thể trạng yếu thường thấy mệt mỏi, buồn nôn...

 

- Tình trạng trộm cắp, móc túi diễn ra ngay giữa ban ngày mà không thấy bóng dáng của bất kì đồng chí công an, cảnh sát nào.

 

- Văn hóa phục vụ của các nhân viên phục vụ (bao gồm lái xe và phụ xe) nhìn chung còn kém. Hành khách đi xe buýt không còn ở vai trò là khách hàng nữa, mà là người đi xin dịch vụ (giống như người dân đi mua bằng tem phiếu ngày xưa).

 

Ngoài ra còn nhiều vấn đề nữa mà nhiều người, nhất là những người thường xuyên sử dụng xe bus biết. Mong mọi người cùng lên tiếng để giao thông công cộng nói riêng và giao thông thủ đô nói chung được cải thiện. Cảm ơn!

 

Ngọc Thành, email zimanez@msn.com phân tích:

 

Mọi người cần nhìn sự việc trong cái tổng thể. Hiện nay, việc xe buýt chậm, lỡ chuyến là do bị các phương tiện khác, đặc biệt là xe máy chen lấn. Khi đã cấm xe máy, hiển nhiên là thời gian vận chuyển sẽ nhanh hơn rất nhiều,. Do vậy, các chuyến bus sẽ được tải đều, tránh được tình trạng chờ đợi nhiều ở cùng một điểm đỗ.

 

Những người chỉ biết chê bai ý tưởng mới thì sẽ không bao giờ tiến lên được. Tình trạng vô tổ chức trong giao thông hiện nay chủ yếu là do xe máy và taxi gây ra. Quản lý hoặc giảm được hai đối tượng này sẽ cải thiện được tình trạng giao thông ở Hà Nội và Tp.HCM ngay.

 

Một việc nữa, theo tôi, cũng cần sự dũng cảm của ông Bộ trưởng  Đinh La Thăng là nên xem xét việc tổ chức đi một chiều quanh khu vực Đống Đa. Ví dụ: Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành, Cát Linh-Thái Thịnh mới. Đặc biệt nên ưu tiên Đê La Thành-Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng thành hai tuyến một chiều bù nhau, chắc chắn sẽ giảm tối đa việc tắc đường. 
 
“Lột xác” để xe buýt đảm nhiệm đúng vai trò - 2
(ảnh minh họa: Việt Hưng)

 

Lê Công Ngọc ngoclecong@gmail.com cũng đồng tình:

 

Mình đồng ý với việc hạn chế phương tiện cá nhân!

 

Mình thấy ý thức tham gia giao thông của người dân mình còn quá kém. Mấy hôm vừa rồi đi học về ở dọc đường Giải Phóng, mình quan sát thấy mà buồn. Rõ ràng bên làn xe giành cho môtô, xe máy còn trống nhiều nhưng một số người vẫn muốn vượt sang bên làn giành cho ôtô vì bên đó có chỗ rộng hơn. Nhìn thấy mà chỉ biết lắc đầu với vẻ chán nản. Điều đáng buồn hơn là thậm chí ngay cả những bạn sinh viên được tiếp xúc nhanh với các phương tiện truyền thông mà lại dường như vẫn không hề biết là phân làn đường là gì :(

 

- Còn về vấn đề xe bus, theo mình, nếu như hạn chế phương tiện cá nhân thì cần phải có những thay đổi sau ở phương tiện công cộng (bus):

 

1. Tăng thêm số lượng xe bus cho các tuyến. Chúng ta không thể cứ trách móc các tài xế bỏ bến được, vì nếu trên xe không thể nào chứa nỗi người thì chả nhẽ vẫn bắt họ dừng xe và bắt thêm khách? Khi lượng xe tăng lên thì sẽ thay đổi hạn được tình trạng chen lấn này.
 

2. Yêu cầu các xí nghiệp xe thay thế ngay những xe bus quá khổ, gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt xe 32).

 

3.  Mở các lớp tập huấn đạo đức cho các lái xe và phụ xe. Chứ nếu cứ tình trạng nhiều lái xe, phụ xe ăn nói thiếu lịch sự, nhiều khi thô thiển thế này thì không thể nào nói đến văn hóa giao thông công cộng được.

 

4. Yêu cầu lực lượng CSGT không nên nhân nhượng cho phương tiện công cộng như xe bus. Có dấu hiệu vượt đèn đỏ, đi sai làn đường thì cần phải xử phạt. Xử phạt này sẽ được gửi về xí nghiệp nơi quản lý các lái xe. Lúc đó các xí nghiệp sẽ có biện pháp xử lý các lái xe này, các chú CSGT không cần phải xử phạt thu tiền trực tiếp.