Lớp 1
Không hoang mang sao được, khi phụ huynh mở sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) dạy con, nhặt ra hàng rổ “sạn” lớn nhỏ.
Phụ huynh cả nước đang “lên ruột” với bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, kể cả những người không có con, cháu học lớp 1. Với mọi cung bậc thở than, lo lắng, trách cứ, để rồi bồi hồi tiếc nuối những bài vỡ lòng “ò ó o o” thuở xa xưa.
“Cái nước mình nó thế”, nói như cụ Hoàng Ngọc Hiến. Rằng cứ mỗi lần cải cách sách giáo khoa, lại thêm một lần hoang mang.
Không hoang mang sao được, khi phụ huynh mở sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) dạy con, nhặt ra hàng rổ “sạn” lớn nhỏ. Như bài tập đọc nguyên văn thế này: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”. Bài học nhân văn nào ở đây, với những đứa trẻ mới 6 tuổi?
Giật mình với vô số những câu chuyện ngụ ngôn, truyện dân gian bị biến tướng tương tự, đưa trẻ vào những tình huống ứng xử kỳ cục, phản cảm, suồng sã, thiếu chuẩn mực. Những “bài học” về sự khôn lỏi, thói lười biếng, mưu mẹo lường gạt. Những đoạn văn đọc lên trúc trắc, lủng củng, với nhiều phương ngữ, từ ngữ mà ngay nhiều người lớn còn không hiểu nổi.
Lớp 1, của lũ trẻ như tờ giấy trắng, bài học đầu đời là hình vẽ, bút màu, đồng thanh ê a những vần thơ dễ thương, dễ thuộc, thì niềm vui học hành của chúng giờ lại nhòe nước mắt với những lời than đầy bức xúc và nhọc nhằn của phụ huynh, như “vật lộn”, “cuộc chiến”, “ma trận”…
Có chuyên gia giáo dục vừa bình luận, rằng các tác giả biên soạn những bài học lớp 1 ấy “không thể hình dung được sách giáo khoa của mình sẽ đào tạo ra con người nào”. Bởi họ “xuất phát từ trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính mình”. Không lẽ là như vậy? Thật xót xa!
Còn những người biên soạn, các bậc quản lý giáo dục lại đổ cho giáo viên và phụ huynh “chưa biết cách dạy”! Mà quên mất câu này của nhà bác học Einstein “Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó cho một đứa trẻ 6 tuổi thì chính bạn cũng không hiểu điều đó”. Người thầy giỏi chính là biết biến những chủ đề hóc búa nhất trở nên giản dị, dễ hiểu nhất. Ở đây thì ngược lại.
Điểm chuẩn đại học năm nay cao chót vót. Khi mà 9 điểm mỗi môn vẫn không thể lọt vào ngành báo chí, truyền thông. Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, kinh tế cũng vậy. Chỉ có các trường, các ngành liên quan đến trồng cây (nông, lâm nghiệp) lẫn trồng người (sư phạm) vẫn chủ yếu ở tầm 13-17 điểm ba môn và chưa mấy cải thiện tình hình.
Bọn trẻ lớp 1 bây giờ có khác gì so với bọn trẻ lớp 1 thời xưa? Tôi cho rằng không khác, cho dù bây giờ chúng dinh dưỡng đủ đầy hơn, và mở mắt đã nhoay nhoáy điện thoại với máy tính. Bởi những trang giấy trắng mở đầu cho những chương hồi cuộc đời đều như nhau. Những dòng đầu tiên viết lên đó phải là niềm vui và sự hồn nhiên, trong sáng.
Giờ in lại nguyên bản những bộ sách học vần mộc mạc thời xa xưa, chắc cháy hàng. Bởi những câu đố ngộ nghĩnh một thời như “Con gì ăn no/Má to mắt híp/Mồm kêu ụt ịt/Nằm thở phì phò” có sức sống hơn mọi bài học gán ghép bây giờ.
Cãi nhau về lớp 1, đừng quên tự hỏi chúng ta đang ở “lớp” mấy trong ngôi trường chung nhân loại?