Lòng trắc ẩn vô tình thành… tội ác!
(Dân trí) - Tôi thương bà cụ và có phần đồng cảm với chàng trai. Bởi nếu là chàng trai kia, với những tất bật trong công việc hằng ngày, tôi cũng sẽ quên như vậy. Vì đơn giản, tôi không ngờ bà lão lại ngồi chờ và giờ đây tình thương đã vô tình là tội ác…
Bà cụ bán rau bên lề đường nhưng không có ai mua. Một cô gái đến xem, rồi buông một câu đau lòng: “Rau của bà lợn cũng không thèm ăn”. Chờ khi cô gái bỏ đi, chàng trai trẻ cảm thương đã bỏ số tiền nhỏ mua giùm bà cụ toàn bộ số rau đó. Nhưng do công việc bận mải, anh gửi lại bà cụ với lời hẹn chiều về qua lấy.
Rồi bị cuốn vào công việc, anh quên bãng lời hẹn với bà cụ. Trong khi đó, bà cụ kiên nhẫn chờ chàng trai để gửi lại số rau đến tận đêm khuya trong giông gió. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến cơn nhiễm lạnh. Mấy hôm sau, nhớ lại lời hẹn, chàng trai trở lại tìm thì được biết giờ cụ chỉ còn là nấm mộ…
Bài thơ Một câu chuyện “đẹp hơn nước mắt” được “chuyển thể” từ câu chuyện trên facebook đăng tải ở BLOG Người yêu thơ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bạn đọc.
Nhiều và rất nhiều tình cảm kính trọng, thương yêu dành cho bà cụ và cảm động trước việc làm nhân ái, đầy lòng trắc ẩn của chàng trai.
Nhưng trong số đó, không ít người lại có cái nhìn khác. Họ lên án chàng trai bởi chính việc làm vô tâm của anh là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của bà cụ.
Bạn Nguyễn Khánh Lam viết: “Một bà lão sống trung thực, tự trọng và một chàng trai có lòng trắc ẩn, thương người. Nhưng phải chi chàng trai thực sự để tâm đến bà lão, đến lời nói và việc làm của mình để thực hiện đến cùng thì câu chuyện đâu có kết thúc như thế. Để rồi chính anh và bao người phải day dứt”.
Bạn Lưu Bùi Quốc Bảo triết lý: “Giới hạn giữa cái tốt và cái xấu sao quá mong manh. Nếu ta đọc thoáng qua hành động của hai nhân vật thì sẽ thấy nhân vật nam đại diện cái tốt, nhân vật nữ đại diện cái xấu. Nhưng kết quả thì sao? Hành động xấu của nhân vật nữ không gây ra cái chết cho bà cụ còn hành động nhân vật nam gây ra cái chết cho bà cụ. Do vậy đã giúp thì phải giúp cho đến nơi đến chốn, phải tôn trọng lời nói và phải hành động theo lời nói, đừng để một phút đánh mất chính mình mà hối hận cả đời”.
Bạn Nguyễn Mai đặt câu hỏi: “Tôi đánh giá cao sự tốt bụng của cậu thanh niên mua rau giúp bà cụ. Nhưng tôi không hài lòng về cách giúp đỡ của cậu, giá như sự giúp đỡ của cậu trọn vẹn hơn, chắc chắn bà lão tốt bụng sẽ còn trên cõi đời này”
Bạn Nguyễn Trọng Ngọc có cái nhìn cảm thông với cả hai phía: “Chàng trai không xấu nhưng nhân cách của bà cụ thật là vĩ đại.Tôi xót thương cho bà cụ và có phần đồng cảm với chàng trai. Có thể nếu tôi là chàng trai kia với những tất bật trong công việc hằng ngày, tôi cũng sẽ quên như vậy vì đơn giản tôi không ngờ bà lão lại ngồi chờ và giờ đây tình thương đã vô tình là tội ác. Sẽ không có tòa án và tội trạng nhưng tòa án lương tâm thì sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Xin lỗi cụ! Lời xin lỗi muộn màng nhưng có lẽ là lời xin lỗi ý nghĩa nhất trong cuộc đời”.
Bạn Nguyễn Hương Linh thì tỏ ra phẫn nộ: “Lúc đầu mình thấy hành động của gã trai kia thật đẹp nhưng không ngờ cái kết của câu chuyện làm mình giận hắn đến thế. Mình giận hắn bao nhiêu thì lại càng thương bà cụ bấy nhiêu! Hỡi gã trai công sở ăm mặc lịch sự kia! Hãy xem xét lại hành động của chính minh đi”.
Bạn Hữu Lợi lại tự rút ra bài học: “Trường hợp này anh không có lỗi cố ý, nhưng anh phải hiểu rằng tiền của anh tuy không nhiều, nhưng sử dụng phải có mục đích và quan điểm cụ thể. Không được dùng kiểu ban ơn, bố thí như vậy đâu. Cụ già đi bán hàng là để kiếm sống chứ không phải để hành khất. Nếu anh thành tâm thì đã cầm luôn mấy mớ rau đi để bà cụ về nghỉ ngơi thì không xảy ra chuyện bi thảm...”
Bạn Trần Văn Huy chia sẻ: “Làm từ thiện cũng phải đúng cách. Một câu chuyện hay về một cảnh đời bình thường và một điển hình của sự vô tâm”.
Trần Trung Thành lại có cái nhìn rất nghiêm khắc: “Xét về mức độ độc ác thì chàng trai kia còn độc ác hơn cô gái nọ vì cô gái ấy dám nói thẳng ý nghĩ của mình còn chàng trai kia dù không cố ý nhưng do sĩ diện nên đã làm chết một mạng người”.
Đó chí là vài trong hàng trăm ý kiến bày tỏ quan điểm của mình xung quanh hành động của chàng trai với cái chết của bà cụ.
Phải chăng, lòng trắc ẩn lại trở thành tội ác?
BLOG Người yêu thơ