Lời xin lỗi và nhãn hiệu SJC

Ngay lúc Quốc hội đang họp, giá vàng cao hơn thế giới 3 triệu đồng nhưng tỉ giá vẫn hạ, chấm dứt hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình hôm qua nói đầy tự tin tại quốc hội.

Lời xin lỗi và nhãn hiệu SJC
“Nếu vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên, chứng tỏ đã và đang có hiện tượng đầu cơ, làm giá”. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Người dân không xếp hàng đi mua vàng, nhưng “hàng dòng người đang xếp hàng để kiểm định, để chuyển đổi sang vàng SJC, ngay khi chúng ta đang nói trong hội trường này” - một đại biểu quốc hội nói.

Hai lần “xin nhận trách nhiệm”. Tuy nhiên, đối với Thống đốc, đó là trách nhiệm “chưa làm tốt việc tuyên truyền chính sách quản lý thị trường vàng”, “gây ra nhiều cách hiểu, lo lắng trong dư luận”.    

Một lần nữa nhắc lại câu chuyện 300 - 400 tấn vàng, tương đương 20 tỉ USD bị chôn chặt vào vàng, ông Bình nói tình trạng “vàng hóa nền kinh tế” đã được chặn đứng, ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng và mua 10 tỉ USD để tăng thanh khoản và góp phần giảm lãi suất. Để trấn an dư luận, Thống đốc cũng khẳng định: Từ 25.5, kể cả Công ty SJC cũng đã chấm dứt dập vàng miếng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước dập vàng miếng và chọn SJC làm thương hiệu quốc gia”. Và, quan trọng nhất “Các loại vàng miếng đã được cấp phép được phép lưu hành bình thường. Không bắt buộc chuyển đổi từ vàng miếng này sang vàng miếng khác”.

Có hai điều cần khẳng định: Phát ngôn của Thống đốc có thể an dân phần nào. Và với trách nhiệm một thống đốc, ông đã làm đúng công việc của mình.

Chỉ có điều, một chính sách, dù với ý nghĩa nào, cũng không thể không quan tâm tới thái độ, tới phản ứng, tới lo toan, thậm chí, tới lòng tin của dân chúng.

Bởi cũng sáng nay, tại nghị trường, có vị ĐBQH đã nói về “những dòng người xếp hàng để kiểm định, để chuyển đổi sang thương hiệu độc quyền SJC trong khi chúng ta cứ thản nhiên: Người dân phải tự bảo vệ mình”. Đó là con số chênh lệch đến 3 triệu đồng giữa vàng trong nước và vàng thế giới, chênh lệch đến 400 ngàn đồng/lượng giữa vàng thương hiệu quốc gia SJC với phần còn lại, ngay chính trong nước.

Khoản chênh lệch 3 triệu đồng, có ĐBQH đã nói, đang chứng tỏ chúng ta “Chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới”. Còn khoản chênh lệch 400 ngàn đồng, thật tình cờ, đúng bằng con số mà Thống đốc từng đưa ra để phân biệt đó là “đầu cơ” khi ông từng tuyên bố: “Nếu vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên, chứng tỏ đã và đang có hiện tượng đầu cơ, làm giá”.

“NHNN cho biết SJC nhận gia công, nhưng gia công cho ai, tại sao giá chênh và chênh vào túi ai?”. “Vì sao chỉ SJC mới có quyền phán là (vàng) nhái hay không?”. Đối với những lượng vàng móp méo mà Công ty SJC từ chối mua thì có còn được coi là vàng?

Những vấn đề mà các vị ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận hôm qua, cũng là những ưu tư, thắc mắc của dân chúng. Những người, chỉ đơn giản, như truyền thống tập quán từ ngàn đời nay là “đút vàng ống bơ” để đề phòng rủi ro.

400 tấn vàng, 20 tỉ USD bị “chôn chặt trong vàng” cần phải được đưa vào nền kinh tế để tạo ra sức mạnh tài chính. Có điều muốn người dân có đủ lòng tin để mang vàng gửi vào nhà băng, hoặc chuyển đổi sang tích trữ bằng đồng nội tệ, có lẽ, chỉ một lời trấn an thôi thì chưa đủ. Lại càng không thể áp dụng những biện pháp hành chính cứng nhắc, cho dù, nó được khoác chiếc áo danh nghĩa cao đẹp nào.    
 
Theo Đào Tuấn
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm