Góc nhìn chuyên gia
Lời thề Socrate của người đi dạy – ở Đại học Liège (Bỉ)
“Tôi hứa sẽ vận dụng hết tâm lực và khả năng để phụng sự cho giáo dục của từng em học trò mà cha mẹ và xã hội giao ủy thác cho tôi”
Từ 16 năm nay, tức là từ sau việc đổi mới chương trình đào tạo cho các giáo viên trung học phổ thông, nâng thời gian đào tạo sư phạm lên hai năm, thay vì một năm như trước đó
có nghĩa là các giáo viên THPT cần 5 học về chuyên môn và 2 năm thuần phương pháp sư phạm.
Đại Học Liège (Bỉ) tổ chức một buổi tuyên thệ Socrate cho tất cả các giáo viên vừa ra trường – thay vì làm một lễ tốt nghiệp rình rang.
Các bác sĩ thì có lời thề Hippocrates – Hippocrates là ông tổ của nghề Y. Về lời tuyên thệ của các bác sí có thể xem thêm ở đây:
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%9Di_th%E1%BB%81_Hippocrates
Còn nhà hiền triết Socrate thì được xem như bậc thầy của các thầy. ĐH Liège là nơi duy nhất trên thế giới tổ chức Tuyên thệ Socrate cho các giáo viên mới ra trường.
Mỗi năm Đại Học Liège đào tạo như thế khoảng 200 – 300 giáo sinh, đủ các ngành, từ Văn học đến Toán, Sinh học, Sử Địa, khoa học về môi trường, … và dĩ nhiên có cả Xã hội học. Mỗi ngành có những phương pháp sư phạm đặc thù.
Riêng Viện xã hội học ở Liège, mỗi năm cho ra trường khoảng 30 – 50 giáo viên mới vững vàng về sư phạm để dạy Xã hội học ở bậc Trung học.
Nguyên văn lời tuyên thệ Socrate
“Tôi hứa sẽ vận dụng hết tâm lực và khả năng để phụng sự cho giáo dục của từng em học trò mà cha mẹ và xã hội giao ủy thác cho tôi”
ó ba điều quan trọng trong câu ngắn đó
Tâm lực.
Nghề đi dạy là một nghề khó khăn và cần nhiều công sức: phải đi tìm tài liệu, phải soạn bài, phải trình bày trước học trò, phải đánh giá việc tiếp thu của các em, phải luôn luôn cập nhật, …
Chỉ mỗi cái khoản lên lớp thôi cũng cần nhiều sức. Lo giảng bài, biểu đạt thêm nội dung bài giảng bằng tay, nét mặt và cử chỉ, đồng thời quan sát học trò để tìm cách làm cho các em hứng thú cùng đi với mình đến bến bờ hiểu biết.
Không chỉ cần sức lực thể xác mà cả tinh thần nữa. Có những lúc phải vượt khó. Học trò không chỉ là những thiên thần, có em chăm, có em ít cố gắng. Phải khích lệ khuyến khích các em và nuốt nước mắt mỗi khi chúng không thành công hay từ chối không chịu học. Nuốt nước mắt để vững bước tiếp theo. Vì trách nhiệm của người đi dạy là một trách nhiệm cho kết quả – tiếng Pháp gọi là obligation de résultat – tức là bằng mọi giá, phải đưa trò đến với tri thức.
Khả năng
Đó là một điều kiện tối cần thiết. Không thể nào dạy học trò khi chính bản thân người thầy không có khả năng.
Khả năng này không những được tích lũy từ những năm Đại học và hai năm chuyên nghiệp sư phạm mà còn là những kết tụ kinh nghiệm sau đó khi đối diện với học trò, với công việc thực tế hàng ngày và những gì người đi dạy tìm tòi học thêm, cập nhật các hiểu biết, …
Từng em học trò mà cha mẹ và xã hội giao cho tôi
Đó là lời hứa quan trọng nhất. Người đi dạy phải làm sao đưa mỗi học trò của mình đến bến bờ hiểu biết, thành người có tri thức để sống hạnh phúc trong xã hội – dù em đó là trai hay gái, con … vua hay con của dân, có nhiều năng khiếu hay không, … – xin đừng quên, tiềm năng thì em nào cũng có. Bổn phận của người đi dạy là lo cho từng em.
.Nguyễn Huỳnh Mai
.