Lời thách đố đáp án xe đạp giải bài toán giao thông Việt Nam

(Dân trí) - Ý tưởng tương tự như… lùi lại thời kỳ “Một yêu anh có (xe đạp) Peugeot” cũng đã nhiều lần được bạn đọc đề cập tới, nhưng là hài hước cho đỡ bức xúc mà thôi. Vậy nên khi Sở Công Thương HN nhắc lại đáp án xe đạp, có ngay nhiểu lời thách đố.

Cảnh đi xe đạp giữa lòng Hà lội phố...
Cảnh đi xe đạp giữa lòng Hà "lội" phố...

 

Lùi để tiến hay ngược lại?

 

Ý tưởng quay trở lại với “xe đạp ơi” được khá nhiều người hưởng ứng bởi nó cũng phù hợp với xu thế chung của nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay. Nhưng khi đem câu hỏi đó đặt ra với dư luận, đa số cho rằng: với điều kiện của VN, quay trở lại thời kỳ đi xe đạp có lẽ không phải là mong ước chung của đại đa số người dân. Ngược lại là khác…

 

“Ấm đầu thật rồi! Tôi đố các bác thành công trong dự án này đấy!” - Hoàng Thanh:  thanhtb99@gmail.com

 

“Đề xuất hay, nhưng cần để 1 bộ phận nhỏ công dân thử nghiệm. Ví dụ, đầu tiên là cán bộ công nhân viên chức nhà nước để làm gương, rồi sau đó người dân sẽ noi theo” - Tú Uyên:  tu.uyen290384@gmail.com

 

“Đề xuất thì dễ, làm được mới là khó. VN mình chớ không phải nước người ta mà so sánh, nóng bức, mưa ngập, ô nhiễm… như vậy, thử hỏi ra đường ai không muốn đi cho mau . Ông Giám đốc Sở Công Thương tự nguyện đi xe đạp trước đi, ở nhà có bao nhiêu chiếc xe máy và ôtô thì bán hết đi, sắm mỗi người 1 chiếc xe đạp đi trước cho dân chúng noi theo” – Ho Lien Dung:  holiendung123@yahoo.com.vn

 

Để thêm sức nặng cho những lời thách đố của những người sẽ là đối tượng chính được nhắm tới trong cái gọi là cuộc thứ nghiệm đưa người tham gia giao thông trở lại thời người người đi xe đạp, nhà nhà mua xe đạp, những người tạm gọi là không ủng hộ đi xe đạp lập luận:

 

“Toàn so sánh quá khập khiễng, cứ như thể hứng lên là đề xuất. Đường sá so với tỉ lệ dân của Hà Lan thế nào, thời tiết của họ ra sao mà so sánh với Hà Nội và TP.HCM? Đường sá người ta rộng rãi, sạch sẽ, mát mẻ mới sử dụng được xe đạp. Đường sá ta mai đào, ngày mốt bới… bụi mù bụi mịt. Thời tiết lạnh thì lạnh quá,  nóng thì nóng quá… Thử để xem ngài nào đề xuất thì đạp xe đạp vài tháng đi làm vào mùa hè đi, xem có được không mà muốn buộc người dân đi xe đạp? Toàn cán bộ vậy cứ bảo sao đất nước nghèo mãi… Bó tay!” - Hoàng: hoangvivn2002@yahoo.com

 

“Xe đạp hay xe máy khi ra đường cũng chiếm diện tích mặt đường y như nhau, làm sao giảm ùn tắc được? Chỉ có giảm bớt xe ô tô cá nhân thì mới khả thi. Ở các nước phương Tây  người ta có làm làn xe riêng cho người đi xe đạp, chứ không chạy chung đường với xe ô tô. VN đường nhỏ, xe đông, dân chúng đa số không chấp hành nghiêm chỉnh luật đi đường là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông đó” - La Canada:  windasian@yahoo.ca

 

Và kết luận của rất nhiều người (có lẽ đã biết thế nào là đi xe đạp khác với đi xe máy, ô tô trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của VN) nghiêng theo ý kiến của Phạm Minh Tuấn  famminhtuan@yahoo.com.vn:

 

“Muốn đưa ra một quyết định thật không phải dễ dàng, phải phù hợp thực tế và có cơ sở khoa học. Bộ máy tham mưu nhà nước cần tham khảo môi trường giao thông ở các nước có nét tương đồng với VN về văn hóa, hạ tầng giao thông... Đồng thời tham khảo ý kiến các nhà khoa học chuyên ngành và cuối cùng là thu thập phản ứng của dư luận trong nước, ghi nhận những ý kiến đóng góp. Các vị cần cân nhắc thật kỹ, đừng vội đưa ra các quyết định rồi lại phải thu hồi vì không thực tế, không thể áp dụng. Điều đó chỉ gây mất lòng tin và ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội mà thôi”.
 
... và thong dong đạp xe tại thành phố xe đạp Amsterdam, Hà Lan
 
... và thong dong đạp xe tại thành phố xe đạp Amsterdam, Hà Lan
 
Xe đạp ơi...

 

Tỉ lệ người ủng hộ giải pháp xe đạp cũng không phải là nhỏ, song luôn có những điều kiện cần và đủ kèm theo. Mà những điều kiện tưởng như đơn giản này, với tình hình VN có lẽ lại khá… nan giải:

 

“Tôi ủng hộ, nhưng cần có giải pháp hiệu quả hơn. Tôi còn nhớ ở Sài Gòn trước năm 1975 và cả vài năm sau đó, các xe buýt đều có phần đựng xe đạp trên mui. Người dân đi xe đạp từ nhà ra trạm, đưa xe đạp lên trần xe, xe tới nơi xuống lấy xe đạp đi tiếp. Nếu giờ chúng ta thiết kế xe buýt có phần đựng xe đạp. Hơn nữa nếu chúng ta làm được xe đạp xếp gọn tự động, thì mọi người sẽ đi xe đạp và xe buýt nhiều hơn. Vì đặc thù khu dân cư của VN, người dân không thể đi xe đạp hoàn toàn, cũng không thể đi xe buýt hoàn toàn” -  Hai Cù Lần: haiculan@gmail.com

 

“Rất ủng hộ khi thời tiết của ta cũng ôn hòa, mát mẻ và môi trường sạch sẽ như của nước họ. Các tác giả ý tưởng này đã đến những nơi đó vào mùa đông chưa? Họ có đi được xe đạp trên đường đầy tuyết không? Vậy thì ở ta chỉ có thể đi được xe đạp vào một số khoảng thời gian thời tiết đẹp trong năm thôi, còn những khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt còn lại dân ta đi lại bằng gì đây, khi phương tiện công cộng chưa đủ đáp ứng nhu cầu???!!! Hãy cứ phát triển thật tốt phương tiện giao thông công cộng đi đã, khi đã đảm bảo thì người dân dại gì phải đi xe máy cho tốn tiền xăng, bẩn quần áo” - Minh:  minh-minh@mail.ru

 

“Đề xuất này rất hay đấy. Ngày nào tôi cũng phải đi làm vào trong thành phố, thấy đường sá nói chung bây giờ đã đẹp hơn rất nhiều rồi. Vấn đề còn lại là quy hoạch đường đi cho người sử dụng xe đạp và giá cả xe đạp hợp lý với số đông mà thôi. Việc quy hoạch làn đường dành cho người đi xe đạp cũng không khó khăn lắm, chỉ có điều Thành phố có quyết tâm làm hay không thôi. Còn giá xe đạp bây giờ cũng khá đắt, nếu chúng ta sản xuất được những chúng loại xe đạp có chất lượng cao tương đương với thế giới, giá lại hạ thì quá tốt. Còn nếu không ta nên miễn thuế cho các loại xe đạp chất lượng cao, khuyến khích người tiêu dùng đi xe đạp thì quá tuyệt vời. Tôi tin rằng đa số công chức và những người chỉ dùng xe máy để đi làm trong nội đô sẽ thích đi xe đạp hơn là đi xe máy” - Bạch:  bachphuong8668@gmail.com

 

Song vẫn còn đó những câu hỏi lớn như của Đỗ Châu domongchau@gmail.com:
 
Ý tưởng đi xe đạp cũng hay, nhưng phải cân nhắc nhiều mặt: Số lượng xe máy, ô tô trong những năm qua đã tăng lên nhanh chóng khiến cho đường sá bị tắc. Nhưng nay lại có ý kiến dùng xe đạp thì số lượng xe máy xe ô tô đã và đang có (và còn sẽ có) thì giải quyết ra sao? Lại còn các nhà máy tuy chủ yếu là liên doanh và số công nhân đang có việc làm ở đó (hàng vạn người) thì giải quyết ra sao? để cho họ thất nghiệp ư?...”
 
Vâng còn nhiều vấn đề cần tính đến lắm, các cụ xưa đã dạy: Đừng thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào!
 

Kiều Anh