Viết nhân ngày của mẹ 10 tháng 5 năm 2015:

“Lời ru của mẹ” - nơi chắp cánh cho ta bay xa.

(Dân trí) - Bất cứ ai khi còn nhỏ cũng đã từng được nghe những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Những lời ru ấy đã hình thành trong ta tình yêu quê hương đất nước. Cũng những lời ru ấy đã chắp cánh cho ta bay xa. Có những lời ru lại được viết lên bằng những nốt nhạc để các em thiếu nhi hát mãi, hát mãi và nhớ về mẹ, biết ơn mẹ kính yêu. Bài hát “Lời ru của mẹ” ( Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường sáng tác) là một lời biết ơn như thế.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Tôi được nghe ca khúc “Lời ru của mẹ” lần đầu tiên vào năm 1992 qua làn sóng phát thanh của chương trình âm nhạc thiếu nhi Đài TNVN. Mặc dù mới chỉ được nghe một lần nhưng giai điệu bài hát đã để lại trong tôi một cảm xúc khó tả, vừa ngọt ngào tha thiết, lại chứa đựng tình mẫu tử bao la. Đến năm 1995, khi tham dự làm giám khảo một Hội diễn thiếu nhi ngành giáo dục, tôi thật bất ngờ vì “Lời ru của mẹ” được 8 đơn vị chọn (trên tổng số 22 tiết mục). Quả thật, nếu ai đã nghe “lời ru của mẹ”, hẳn sẽ không thể quên, sẽ nhớ mãi về người mẹ thân yêu của mình. Lời bài hát như sau:

Lời ru yêu thương của mẹ, có dòng sông biếc xanh, có đàn cò trắng bay, đung đưa luỹ tre làng, xôn xao biển lúa vàng, lung linh cả trời cao. Lời ru từ vành nôi, theo con suốt cuộc đời, ngọt ngào khi xuân tới, xua tan lạnh giá mùa đông. Lời ru từ vành nôi, là ước mơ của mẹ, cho con tung đôi cánh, trong lời ca mẹ ru.

Mở đầu bài hát, ta đã thấy chủ đề được khẳng định: Lời ru yêu thương của mẹ. Ai đã từng khôn lớn, hẳn sẽ không bao giờ quên những lời ru ngọt ngào của mẹ thân yêu. Bài hát đưa ta về với tuổi thơ êm đềm. Ta đã lớn lên trong lời ru yêu thương ấy - lời ru với những gì rất đỗi gần gũi với ta: có dòng sông biếc xanh chảy uốn lượn quanh làng như dải lụa; có đàn cò trắng bay lả bay la. Qua lời ru, ta hình dung ra mỗi chiều về, đàn cò trắng đậu vắt vẻo trên ngọn tre, làm đung đưa những ngọn tre ấy khiến cả lũy tre xao động. Ta lớn lên trong lời ru dìu dặt với biển lúa vàng mênh mang và tiếng sáo diều vi vu mỗi chiều về. Rồi mỗi buổi tối mùa hè, trải chiếu ra sân ngắm bầu trời với những vì sao sáng, nghe lời ru ầu ơ của mẹ, ta như thấy các vì sao càng rực rỡ lung linh huyền ảo hơn. Cứ như thế, lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên, lớn lên, mỗi ngày… Qua lời ru thân thương ấy, mẹ đã dành trọn tình cảm cho ta. Biết bao đêm thao thức quạt cho con ngủ ngon lành, mong con khỏe mạnh khôn lớn từng ngày, mẹ đã ru ta bằng cả tấm lòng với tình mẫu tử. Những lời ru với ca từ rất mộc mạc: “Cái ngủ mày ngủ cho sâu; Mẹ mày đi cấy đồng sâu lâu vê. Bắt được con diếc con trê; Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn”.Và những: “Con cò bay lả bay la; Bay từ Cửa phủ bay ra cánh đồng” “Con ong làm mật yêu hoa; con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời. Con người muốn sống con ơi, phải yêu đồng chí yêu người anh em”… Những hạt lúa củ khoai đã nuôi sống con, và những lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn con. Những lời ru ấy đã dạy con đạo lý làm người, truyền cho con tình yêu quê hương đất nước, yêu những gì gần gũi thân thương nhất như cây đa, bến nước, sân đình; yêu những người thân thuộc nhất và biết ơn những ai đã đem lại cho con cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay. Lời ru của mẹ đã dạy con biết yêu thương, dạy con yêu từ câu kiều hạt thóc. Con biết trân trọng những giá trị nhân văn - tinh hoa của dân tộc - đến những giá trị vật chất mà cha mẹ đã chắt chiu dành cho con. Lời ru ấy đã chắp cánh cho con bay xa, bay vào cuộc đời, sống nhân văn cao đẹp. Lời ru từ vành nôi đã theo con suốt cuộc đời, chắp cánh cho những ước mơ cao đẹp. Lời ru ấy đem lại mùa xuân ngọt ngào trong con, xua đi cái lạnh giá của mùa đông. Mỗi khi va vấp ưu phiền trong cuộc đời, lời ru ấy lại tiếp thêm cho con sức mạnh. Lời ru của mẹ đã chắp cánh cho những ước mơ của con bay cao bay xa hơn nữa. Dù mai sau con trưởng thành, con vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ, muốn sà vào lòng mẹ, được mẹ vỗ về âu yếm như thời bé thơ.

Bài được viết theo giọng son trưởng, khúc thức 2 đoạn đơn, cấu trúc A-B rất rõ ràng. Với tiết tấu chủ đạo là nốt đen kết hợp dấu lặng đơn tạo nên sự đảo phách như khẳng định công lao của mẹ đối với con. Tuy viết theo nhịp 4/4 nhưng có các dấu luyến điểm đều đặn nên đã tạo sự mềm mại uyển chuyển cho câu hát, không thấy rõ tính chất hành khúc thường thấy của loại nhịp này. Ta như thấy tiết tấu dìu dặt của nhịp võng đưa nôi cùng câu hát nhẹ nhàng êm ái của ngừơi mẹ. Đoạn A được mở đầu bằng nốt (bậc V) với cao độ bình ổn đến hết đoạn. Sang đoạn B bắt đầu bằng quãng 4 (son- đố), câu nhạc chợt bừng sáng lên như ước mơ cao đẹp của người con. Ở đoạn B ta không thấy xuất hiện dấu luyến nữa mà thay vào đó là các dấu chấm dôi và tiết tấu đảo phách quen thuộc. Nét nhạc chuyển sang quãng IV tạo nên một sự sáng khoẻ tự tin. Gần về kết có quãng nửa cung (xi- đố) rồi kết về chủ vững vàng ở cuối bài càng cho thấy tác giả là người viết ca khúc rất “nghề”, điêu luyện.

Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường kể lại rằng: Khi còn nhỏ, sống trong một gia đình đông anh em, nhiều khi phải thay mẹ lo việc cơm nước và chăm các em nên thấm thía và cảm thông những vất vả của mẹ. Đến khi là cha của 2 đứa con, ông của 4 đứa cháu, ông vẫn chăm chút cho trẻ như một người mẹ, người chị, người bà. Những lúc quấn tã cho cháu hay bế cháu cho ăn uống, ru cháu ngủ… ông càng cảm nhận thêm nỗi vất vả của người mẹ. Ông có ý định sáng tác một bài hát thật hay về mẹ nhưng chưa tìm được “tứ” nhạc mở đầu. Năm 1990, khi ông đi công tác ở một vùng nông thôn. Một buổi trưa, chợt nghe tiếng ru của một người phụ nữ cất lên, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của trưa hè. Tiếng ru ầu ơ hát những câu hát mà trước kia ông vẫn thấy mẹ hát ru em, rồi ông lại hát ru các con, các cháu cũng bằng những câu hát “con cò bay lả bay la” ấy. Một sự đồng cảm chợt ùa đến, và nét nhạc đầu tiên đã được viết ngay sau đó: “Lời ru yêu thương của mẹ, có dòng sông biếc xanh…”. Bài hát được nhanh chóng hoàn thành với những ấp ủ từ lâu được tuôn trào qua ngòi bút tài hoa. Bài hát chính thức được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh rồi phát sóng năm 1992. Từ đó đến nay, rất nhiều thế hệ thiếu nhi đã hát, bài hát vẫn luôn cho ta cảm giác tươi mới như vừa hôm qua được nghe lời ru thân thương ngọt ngào của mẹ. Khác với bài hát về mẹ dành cho thiếu nhi của một số nhạc sĩ khác là phổ thơ, Vũ Trọng Tường đã tự đặt lời cho ca khúc của mình. Đó cũng là một tình cảm đặc biệt nhạc sĩ đã dành cho mẹ mình với lòng biết ơn sâu sắc.

Đã 20 năm trôi qua, nhưng ca khúc “Lời ru của mẹ” vẫn mãi được tuổi thơ hát vang. Bài hát sẽ còn sống mãi với thời gian có giá trị vĩnh hằng như lời ru thân thương của mẹ, như mạch suối nguồn tuôn chảy của tình mẹ bao la.

Diễm Nguyệt