Lời nguyền tài nguyên và nghịch lý rừng
(Dân trí) - “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” – câu châm ngôn thường được bạn đọc cảnh báo những đối tượng phá rừng bị coi là lâm tặc. Song chua chát hơn bởi cũng không ít lần nó còn được gửi tới cả những người được giao nhiệm vụ bảo vệ nguồn vàng xanh quý giá...
Dòng chảy gỗ lậu
Những thông tin về các vụ phá rừng hoặc thiên tai ngày càng nghiêm trọng hơn do tình trạng mất rừng phòng hộ, luôn được dư luận rất quan tâm. Điều đó thể hiện qua số lượng phản hồi rất lớn gửi gắm những sẻ chia chân tình với cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng kiểm lâm – những chiến sĩ trên mặt trận giữ rừng vẫn đầy rẫy hiểm nguy trong thời bình.
Máu của nhiều chiến sĩ kiểm lâm đã đổ. Hoàn cảnh sống của nhiều gia đình cán bộ kiểm lâm còn rất khó khăn, đã vậy người thân của họ còn luôn phải “chia lửa” sức ép từ phía các đối tượng lâm tặc và những người đứng đằng sau chúng. Vì vậy, người dân luôn dành rất nhiều tình cảm cho lực lượng kiểm lâm, lo lắng cho sự an nguy của các chiến sĩ giữ rừng. Họ đã nhiều lần lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng trao thêm quyền hạn được sử dụng vũ khí để tự vệ, trang bị thêm các trang thiết bị cần thiết, đồng thời có những chế độ chính sách phù hợp bảo đảm cuộc sống cho lực lượng kiểm lâm an tâm làm nhiệm vụ.
Song xen kẽ giữa những phản hồi tích cực cũng đã có những phản ánh một sự thật đáng buồn, như bạn đọc Teo maimaitrongtim@yahoo.com lưu ý sau vụ lật xe chở gỗ lậu tại Nghệ An rạng sáng 7/12: “Buồn thay vì vẫn có những cán bộ bảo vệ rừng lại là kẻ phá rừng "hiệu quả" nhất. Tôi biết, với hệ thống kiểm lâm hiện nay ở Nghệ An cùng với tai mắt của dân, nếu không phải là có bàn tay kiểm lâm hoặc đã "làm luật" với kiểm lâm thì một cành cây ra khỏi rừng cũng còn khó, nói chi là gỗ”.
Nam Phong hong_thng@yahoo.com cũng cho rằng" "Sự việc trên đã chứng minh một sự thật là bấy lâu nay không ít cán bộ kiểm lâm lại là thủ phạm chính của những vụ phá rừng. Chỉ có kiểm lâm đứng ra hoặc tiếp tay thì gỗ mới vận chuyển về xuôi được, chứ kiểm lâm mà làm gắt thì một giỏ phong lan thôi cũng không thể về xuôi được đâu. Xin cơ quan điều tra hãy cho thanh tra và khám xét nhà của tất cả cán bộ kiểm lâm để thu hồi lượng gỗ khổng lồ đang được cất dấu”.
Do dongtungtrach@gmail.com chua xót: “Thực trạng trên của một bộ phận cán bộ kiểm lâm thì lâu nay nhiều người đã biết, chính tôi cũng đã chứng kiến. Nếu họ làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao thì lâm tặc nào sống nổi. Thời nay có lẽ phải nói rằng ‘kiểm lâm có khi còn sinh lâm tặc' đó”.
Đỗ Nhật donhat76@yahoo.com ví von: “Không may có vụ tai nạn mới lòi ra xe gỗ lậu là của sếp kiểm lâm, do nhân viên kiểm lâm ‘bảo kê’. Như vậy lâu nay không biết có biết bao nhiêu xe gỗ lậu kiểu này đã trót lọt? Ôi, hóa ra vẫn có những người canh rừng lại tiếp tay phá rừng! Thế thì rõ ràng đã ‘giao trứng cho ác’ mất rồi”.
Tran Hoang Duy vuhuyen@gmail.com nêu cụ thể: “Chuyện này chắc chắn ông Trịnh Thanh Long không thể không biết. Tôi là người dân Quỳ Hợp nên biết rõ ông Long này. Ngoài miệng thì ông nói vậy thôi, chứ lâu nay hạt kiểm lâm Pù Huống thường bảo kê cho lâm tặc qua trạm. Rừng thì bị phá hết nhưng có thấy xử lý được ai đâu…”
Điểm đến của vàng xanh
Sự thật đau lòng này được nhiều bạn đọc kết nối với một thực tế khác. Đó là điểm đến của dòng vàng xanh chảy máu từ rừng này không chỉ là các đầu nậu thu gom gỗ, một số cơ sở kinh doanh hoặc sản xuất đồ gỗ… Mà còn hiện diện khá hoành tráng tại tư gia của nhiều vị chức sắc hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh và cả tại nhà không ít vị làm việc trong chính ngành kiểm lâm.
“Đúng là cháy nhà ra mặt một đoàn...kiểm lâm kiêm lâm tặc” - Nguyễn Huệ nguyenhueyen@yahoo.com nêu một nghịch lý. Thap hoangdinhthaptn@gmail.com nhấn mạnh: “Phải truy xét đến cùng trách nhiệm của những cán bộ kiểm lâm này. Tệ nạn phá rừng, theo phản ánh của người dân, có tới >90% là có sự tiếp tay của lực lượng kiểm lâm và các quan chức địa phương có rừng bị phá”.
Lâm Thanh An hunghanhlam@gmail.com quyết liệt: “Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vấn đề, để trừng trị những người vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến tài nguyên nhà nước. Những người làm kiểm lâm trong nhà từ A-> Z đều lát bằng gỗ. Chắc nhà họ trồng được hay sao ấy, hay là họ "mua " được nhỉ?”
Tương tự, Trang A Pao apotaq@gmail.com nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng địa phương hãy kiên quyết làm rõ. Cần lưu ý là chủ nhân số gỗ trên có thể hợp pháp hóa nguồn gốc số gỗ đó trước tòa nếu họ là những người có quyền lực. Hãy công khai địa chỉ cuối cùng của chủ nhân xe gỗ trên nếu đó là gỗ không có giấy phép. Tôi tin chắc họ là những người có quyền lực, nhưng đừng vì thế mà nương tay!”
Phan Nguyễn Hà My hamy05@yaho.com còn chỉ rõ: “Mọi người nếu có dịp, cứ đi khảo sát nhà các sếp kiểm lâm thì thấy rừng được chở về nhà họ như thế nào. Cán bộ kiểm lâm nào mà họ chẳng sống với rừng, vì thế cho nên bây giờ nhiều khi cái bát ăn cơm của cán bộ kiểm lâm cũng phải làm bằng gỗ. Mình nghĩ rằng các nhà thiết kế thời trang chuẩn bị thiết kế cho họ trang phục bằng gỗ nữa thì lúc đó họ sẽ gắn bó với rừng hơn. Nói thật mình thấy tội 2 cán bộ ngồi trên xe đó, họ cũng vì trên ép xuống dưới ép lên thôi. Bây giờ không bị làm sao là may cho họ rồi, họ còn sống thì may ra bạn đọc còn tìm ra chân tướng sự việc, chứ không thì ....chắc mọi tội lỗi lại đổ lên đầu người đã khuất, còn chủ nhân của đống gỗ lại được thăng chức cũng nên? Cảm ơn Dân trí đã đưa đầy đủ thông tin. Để xem cuối cùng thì chủ nhân của số gỗ đó là ai, chứ không lại trả gỗ về với rừng thì tội cho vong linh những người đã khuất !!!”
Tuan tuan_vcu@yahoo.com vạch rõ: “Đề nghị Bộ Công an cử cán bộ về thụ lý điều tra và làm rõ vụ án này, tránh gây hoang mang trong dư luận. Đây được xem là vụ án nghiêm trọng, khi kẻ buôn lậu lại chính là cán bộ kiểm lâm, pháp luật cần trừng trị thích đáng những cán bộ kiểm lâm đã đứng đằng sau lót đường. Trong khi chúng ta đang nỗ lực tìm cách bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, thì kiểm lâm lại đi chặt phá rừng, buôn lậu. Vậy người dân có thể tin tưởng vào họ được nữa không????... Đây có thể được xem là một tội rất nặng mà kiểm lâm phải gánh chịu nếu điều tra đến nơi đến chốn”.
Hiện tượng gì? daodinh_tuan@yahoo.com cay đắng: “Không biết đây là hiện tượng gì, tham nhũng, bảo kê hay chạy chọt? Dù là gì thì nó cũng cho thấy một trong những nguyên nhân ít khi được nhắc đến làm nghèo kiệt rừng vàng. Đó là rừng thì vẫn còn, nhưng gỗ rừng có khi chẳng còn, chỉ còn củi”.
Tương tự, Vừ A Dính cohaimo@gmail.com nêu một loạt nghi vấn: “Có một câu hỏi mà cơ quan điều tra cần tìm hiểu để làm rõ là:
- Tại sao xe gỗ lậu lại cần trạm trưởng kiểm lâm đi kèm? phải xin ai mà trạm trưởng phải đi theo chứ không phải là một kiểm lâm bình thường?
- Cứ cho rằng đó là chuyến đầu tiên anh Thắng đi (kiểu gì anh ấy chả khai như thế), vậy còn anh kiểm lâm đi cùng đi bao nhiêu chuyến? vì sao anh lại phải đi cùng xe gỗ lậu và ai chỉ đạo cho anh ấy làm thế ?
Chảy máu rừng
Người xưa đã có câu “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, âu đó cũng là chuyện khó tránh khỏi trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nhưng nếu chuyện ăn bớt đó vẫn diễn ra đối với rừng như thế này, thì dù có rừng vàng biển bạc thì cũng đến lúc tài nguyên phải cạn kiệt. Và hậu quả là chính chúng ta cùng các thế hệ mai sau phải đánh đổi bằng cả mạng sống, cả tương lai của mình, của đất nước mình…
Chẳng phải vậy sao khi PNguyen dunghua_nhaem@yahoo.com nhắc lại một “lời nguyền tài nguyên” khác: “Nhất là phá sơn lâm. Nhì là đâm hà bá!!!” Hoặc Mrhai1080 hoangdanhai@yahoo.com.vn khuyến cáo: “… Các cụ nhà ta đã có câu ‘ăn cây nào, rào cây ấy". Bởi vậy rất khó xử lý… Những người có chức vụ quản lý ở một khu vực, một phạm vi, một bộ phận, một ngành, một lĩnh vực nào đó thì thường có toàn quyền quyết định mọi việc liên quan, bởi vậy cũng khó kiểm soát được họ lắm…”
Những cán bộ kiểm lâm vì lý do nào đó, cứ cho là không may “tay đã nhúng chàm” liệu trong lòng có thấy đau và lương tâm liệu có bị dày vò khi đọc câu ví von đầy ẩn ý của Minh Nhật la_my.pham@ymail.com: “Bọn lâm tặc ranh ma lắm. Chúng thường ẩn náu trong rừng, hễ thấy kiểm lâm là chúng bỏ ... tiền ngay. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, phía một số kiểm lâm của ta thì có lẽ cũng cực kỳ thông minh, nhanh trí, quyết tâm chặt rừng để lâm tặc không có chỗ ẩn náu. Vụ việc hôm rồi đã thấy rõ, chặt rừng xong, cán bộ kiểm lâm bắt "lâm tặc" cùng xe gỗ và di lý về ... xuôi giải quyết”. Mặc dù cũng có những người tỏ ra thông cảm, vẫn viện lý do để bào chữa hộ, như Vũ Lan mamaoi66@zing.com:
“Các bạn nghĩ đồng lương của kiểm lâm có đủ sống trong cơ chế thị trường này sao? Nếu như con cái họ không đi học thì cũng có thể tạm đủ sống, nhưng nếu chúng đã vào đại học thì lấy gì mà nuôi con? Không ăn hối lộ, không tham lam thì chỉ mà chết đói. Không chỉ nghành kiểm lâm đâu, mà thử hỏi với mức lương hiên nay thì những lính mới tò te đủ sống đã là giỏi, trong khi các sếp của họ lấy tiền đâu cất nhà lầu ở mặt tiền đường, lại còn nuôi con ăn học thoải mái, sắm sanh cho chúng xe tay ga đắt tiền... Có lẽ đây cũng là 1 tệ nạn chung vẫn còn tồn tại mà…”
Đúng là chỉ có thể than một câu được không ít ý kiến bạn đọc chốt lại: Buồn thay!
Khánh Tùng