Lời hẹn mùa Xuân với hát Xoan…

(Dân trí) - “Gửi cô Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa…. Đọc bài của cô, cháu thấy hay quá, hiểu được nhiều điều hơn. Sắp tới có bài thi về môn di sản văn hóa phi vật thể, cháu sẽ lấy bài viết của cô làm tham khảo…” - Nguyễn Mai Liên: mailien.huc@gmail.com bày tỏ.

Lời hẹn mùa Xuân với hát Xoan… - 1
Lớp diễn viên trẻ ngày nay đang kế tục và phát huy nghệ thuật hát Xoan (ảnh: langvietonline.vn)

Hòa vào niềm vui chung của mọi người dân VN khi hát Xoan vừa được UNESCO vinh danh bởi sự kiện này góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, cũng là góp phần khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, độc giả trẻ Nguyễn Mai Liên cũng tỏ rõ niềm xúc động, đồng thời lý giải thêm tình yêu của mình với hát Xoan: “Cháu vừa được học thầy Trương Quốc Bình, Thầy cũng nói về di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan rất hay..."

Người dân vùng đất Tổ Phú Thọ chắc còn đón nhận tin tốt lành này với những xúc cảm đặc biệt hơn, bởi vùng đất cổ tuy lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc từ thời đại  Hùng Vương, song tới nay vẫn chưa khai thác được nhiều thế mạnh vốn văn hoá cổ truyền để giới thiệu, quảng bá với người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

Quả thật, trong nhịp sống gấp gáp đời thường hôm nay, thật khó tìm lại được những giây phút tĩnh tâm, thư thái, nhẹ nhàng như khi được sống trong bầu không khí hoài cổ. Được thả hồn theo những điệu Xoan mà tổ tiên và các thế hệ cha ông ta xưa đã đắm, đã say, đã “sống chết theo” mỗi dịp khai xuân nơi đình chùa, miếu mạo khắp các làng quê trải dài theo đôi bờ sông Lô, sông Hồng…

Dịu dàng làm sao, ấm áp làm sao, xúc động làm sao những lời ca khi thì mang âm hưởng linh thiêng thể hiện qua hình thức hát thờ cúng các Vua Hùng và Thần Hoàng làng. Lúc lại nhịp nhàng, rộn rã qua những khúc hát nghi lễ, cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe. Nhưng có sức hút mạnh  mẽ nhất, rộng rãi nhất có lẽ vẫn luôn là hình thức hát trao duyên nam nữ. Các điệu Xoan càng được tôn lên bởi những động tác múa gái thì dẻo mềm, uyển chuyển như hoa, như lụa, trai thì dung dị, ý nhị mà vẫn chứng tỏ được chí khí nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất”…

Dẫu có sức sống lâu bền và sự lan tỏa khá rộng rãi trong cộng đồng, nhưng cũng phải đến những năm gần đây, các loại hình văn hóa dân gian truyền thống có tiếng của vùng đất Tổ như hát Xoan, hát Ghẹo, đánh trống đồng, đâm đuống và các trò diễn xướng dân gian trong các hội làng... mới được biết đến nhiều hơn. Tạo cho Phú Thọ thêm những điểm đến mới thu hút du khách, nhất là với các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian. Đặc biệt, dân ca Xoan Phú Thọ được cho là đã bắt đầu thoát khỏi tầm “ao làng” địa phương để đến với “biển lớn” bạn bè trong nước và quốc tế, nhất là giới nghiên cứu văn hóa, sau thành công của chương trình phục vụ hội thảo âm nhạc dân gian quốc tế tại Thái Lan hồi tháng 9/2005.
Lời hẹn mùa Xuân với hát Xoan… - 2
(ảnh minh họa: báo Phú Thọ) Lý giải nét đặc sắc tạo nên sức sống lâu bền cho hát Xoan, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh tác động trực tiếp đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân thông qua các làn điệu hát Xoan. Và giải pháp đề ra nhằm giữ gìn, phát triển hát Xoan cũng đã được xác định rõ. Đó là phải nằm trong chiến lược giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc ở vùng đất cội nguồn này. Trong đó có việc khai thác yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa khu vực với phương châm xã hội hóa. Có vậy, hát Xoan mới ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều người hiểu hát Xoan, thích hát Xoan, yêu hát Xoan. Và như GS-TSKH Tô Ngọc Thanh đã nhấn mạnh: Cần bảo tồn nguyên trạng hát Xoan ở cửa đình vào ngày lễ, Tết để đời sau thấy được vóc dáng, giá trị lịch sử của nó. Nếu không giữ như thế, chỉ một, hai thế hệ nữa thì người ta sẽ hết kính trọng hát Xoan... (báo Văn hóa Thể thao ngày 25/11). Năm nay Tết sớm, chúng tôi cũng vừa có thêm một lời hẹn: rủ nhau về đất Tổ nghe hát Xoan cửa đình. Để lại được đắm mình trong bầu không khí xưa xửa xừa xưa, với những Xoan nương thuần nét "chân quê" với dáng áo nâu sồng, chiếc khăn mỏ quạ, chiếc quần nái đen... như những bông "hoa chanh nở giữa vườn chanh" bước ra từ thơ Nguyễn Bính. Và những trai làng chân chất, mạnh mẽ, chít khăn đầu rìu, quần thô áo mộc mà vẫn lộ rõ nét phong trần... Và những làn điệu giao duyên mọc mạc mà vẫn nuột nà, như chỉ khẽ chạm vào mà đã khiến những sợi tơ lòng xao xuyến trong ta cứ ngân lên, ngân lên... Kiều Anh