Loạn tại “chợ” chứng chỉ ngoại ngữ

(Dân trí) - Từ hiện tượng loạn “chợ” chứng chỉ ngoại ngữ - Những điều cần cảnh báo

Loạn tại “chợ” chứng chỉ ngoại ngữ - 1

Chờ vào thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Trường Đại học Đông Đô. (Ảnh Lao Động)

Cần khẳng định rằng, dùng chữ “chợ” chứng chỉ ngoại ngữ, mới đúng bản chất của vụ việc, dù phải đóng ngoặc kép, nhưng quan ngại hơn việc “mua, bán” này là câu hỏi: Vì đâu nên nỗi, nhiều người phải nhao nhao đi “mua” như vậy?

Trong bài “Trải nghiệm hỗn loạn tại "chợ" chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ biên chế” (báo Lao Động) mà phóng viên báo này xâm nhập thực tế tại trường Đại học Đông Đô (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, nhóm lợi ích ở đây đã “bán” chứng chỉ một cách trắng trợn: Cho biết trước đề thi, đáp án thi và vô tư mở chép lại trong phòng thi! Tuy chen chúc, vã mồ hôi như đi xe khách ngày tết, kể cả những vị U50, nhưng thi là đỗ, thì vẫn …ok. Nhờ “luyện thi” và kiểu “thi” vi diệu như vậy, cả ngàn thí sinh ở nhiều vùng miền đã đổ về đây. Đặc biệt, dù chẳng học ngày nào ở cái trung tâm của trường đại học này ngày nào, nhưng chứng chỉ “mua” vẫn ghi rõ “đã hoàn thành khóa học…”!! Và theo bài báo trên, không chỉ ở trường Đại học Đông Đô, một số trường ĐH khác cũng có tình trạng này, nhưng mức độ nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phóng viên viết:  “Điều bất ngờ là trong buổi thi diễn ra ngày 17.4, sau khoảng 30 phút đầu, vị nữ giám thị bước đến từng khu vực thi rồi… đọc bài cho thí sinh chép. Nhiều chỗ đọc bằng tiếng Anh thí sinh không hiểu, cán bộ coi thi "nhiệt tình" tới mức viết luôn vào bài thi giúp.” Không còn gì để nói.

Loạn tại “chợ” chứng chỉ ngoại ngữ - 2

Cán bộ phòng tuyển sinh của Đại học Đông Đô bày cách gian lận cho thí sinh. (Ảnh Lao Động)

Hiện tượng mua bán này nói lên điều gì?

Thứ nhất, việc “mua bán” các loại chứng chỉ “xịn” này không chỉ công khai, mà nó diễn ra như chuyện rất đỗi bình thường. Trước đó, cuối năm trước (2018), dư luận thực sự sốc trước hiện tượng sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đua nhau đóng 1,9 triệu đồng để chống trượt môn tiếng Anh. Điều này cho thấy, quản lý trong giáo dục của chúng ta quá lỏng lẻo, như kiểu “xả hàng” quá đát, miễn là có tiền cho các nhóm lợi ích.

Thứ hai, tại sao những tiêu cực dạng này luôn là báo chí vào cuộc trước, chứ không phải cơ quan chức năng? Từ việc nộp tiền chống trượt tiếng Anh cho đến nâng điểm cho hàng trăm thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và vụ “bán” chứng chỉ tiếng Anh lần này.

Thứ ba, cũng là chuyện chứng chỉ, dư luận đang nóng việc các giáo sư, phó giáo sư đã hướng dẫn luận văn tiến sĩ, cao học và dạy nhiều học kỳ trong các trường đại học nếu muốn tiếp tục giảng dạy phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp. Thậm chí, như báo Tuổi trẻ mới đây (ngày 8.5.2019) dẫn lại lời một GS, “lúc thi vào biên chế, mình đã phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học rồi nhưng cái chứng chỉ này giờ đây không được chấp nhận, phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm này mới được". Thậm chí, theo Bộ GD-ĐT, quy định của pháp luật hiện hành, người tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, để trở thành giảng viên CĐ, ĐH bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, kể cả những người đã là giảng viên ĐH hoặc tốt nghiệp ĐH sư phạm. Quy định đó liệu mang lại lợi ích cho chất lượng giảng dạy được bao nhiêu, hay thể hiện sự cứng nhắc, hay ẩn chứa sau nó là “giấy phép con” khiến ai ai cũng phải “qua cửa” thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, kể cả đã tốt nghiệp trường sư phạm. Không hiểu nổi.

Thứ tư, báo chí gần đây lên tiếng hàng chục, hàng trăm giáo viên lớn tuổi kêu cứu vì nguy cơ mất việc dù đã phục vụ ngành hàng chục năm bởi phải thi tuyển viên chức. Tất nhiên, việc thi tuyển là cần thiết, nhưng sao nỡ cào bằng (hoặc có ưu tiên nhưng không đáng kể) giữa lớp trẻ với những giáo viên đã phục vụ trong ngành lâu như vậy? Đặc biệt, có nên “hồi tố” với các giáo viên đã đứng trên bục giảng mười năm, thậm chí trên hai mươi năm?

Đặc biệt, dư luận lo ngại rằng với vấn nạn tiêu cực trong thi cử, vừa  tinh vi, vừa trắng trợn như hiện nay, kể cả thi tuyển viên chức, thi tuyển các chức danh, qua những kỳ thi này, các nhóm lợi ích tìm cách loại cán bộ không ăn cánh một cách hợp pháp và đưa người của mình vào cũng rất “đúng quy trình”.

Cuối cùng, rất nhiều vị trị công tác không cần ngoại ngữ, nhưng vì sao khi tuyển dụng, thậm chí cả thi tuyển biên chế cứ phải bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ? Trên nhiều diễn đàn chính thống, không ít vị đã phải lên tiếng cảnh báo về việc sính bằng cấp, trong đó Dân trí có bài “Xuất hiện lớp cán bộ rất nhiều bằng nhưng không biết làm việc”. Các loại bằng cấp như thế có lợi ích gì cho xã hội?

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm