Bạn đọc viết

Loại bỏ những “máy chém” chết người trên đường phố

Những ngày qua dư luận bàn tán rất nhiều về 2 vụ tai nạn chết người tại Hà Nội do chính những chiếc xe chở tôn cồng kềnh gây ra. Bởi đây không phải là tai nạn hy hữu nữa, mà nó đang thực sự là những chiếc “máy chém” rất nguy hiểm trên đường phố cần loại bỏ ngay.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Đúng là trong khi người ta chưa hết bàng hoàng thương xót bé Trần Minh H (9 tuổi) đi xe đạp trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội đâm vào xe xích lô của ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, tạm trú quận Hoàng Mai) đang dừng bên đường. Do cú tông mạnh vào những tấm tôn trên xe nên đã gây nên “nhát cứa” sâu vào cổ, khiến cậu bé đã tử vong. Thì ngay chiều 25/9 vừa qua, một tai nạn tương tự lại xảy ra ở khu vực cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông). Bà Bùi Thị S (sinh năm 1952 ở tỉnh Hoà Bình) trong lúc chờ xe khách tại cầu Mai Lĩnh thì bất ngờ bị một xe máy phía sau kéo theo xe cải tiến chở nhiều tôn và cọc tre lao thẳng vào khiến bà thiệt mạng do bị cứa đứt vùng cổ.

Cái chết thương tâm của bà S và cháu bé do “tôn cứa cổ” khiến nhiều người giật mình “ớn lạnh”, trở thành nỗi lo sợ bởi hằng ngày, khi những chiếc xe chở tôn hay chở hàng cồng kềnh không phải hiếm trên đường phố. Và nhất là đây không còn là tai nạn hy hữu nữa, bởi trước đó, năm 2015, ở TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra vụ người đi xe máy va chạm với xe chở tôn và tử vong ngay tại chỗ do tôn đâm vào cứa đứt cổ.

Nhất là khi hàng ngày những chiếc xe chở hàng cồng kềnh vẫn “vô tư” chạy trên đường phố mà nhiều người ví như những “máy chém di động”, như “tử thần”. Điều đó cũng có nghĩa là người dân luôn phải chịu nỗi sợ hãi, lo lắng khi “tử thần” lúc nào cũng chực chờ có thể cướp đi sinh mạng họ bất cứ lúc nào.

Dù ngay sau tai nạn xảy ra và hiện tại ngành chức năng đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe ba gác… chềnh ềnh trên phố, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Và bước đầu cũng đã giảm bớt đi được phần nào các phương tiện này trên đường phố.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng: Liệu có duy trì được mãi việc này, hay chỉ là sự ra quân tức thì, rồi đâu lại vào đó. Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng đúng đây là công việc không dễ dàng chút nào, bởi chính những chủ phương tiện giao thông ấy đều là những người lao động có thu nhập thấp, họ mới phải chọn cái nghề mưu sinh này. Cùng với đó là cái lối sống tùy tiện trong tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân lâu nay vẫn đang âm thầm, gặm nhấm hủy hoại sự phát triển về văn hóa giao thông...

Vì thế nếu chỉ chú trọng vào xử phạt mà không đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, thì khó mà “xoá sổ” những phương tiện giao thông ẩn chứa đầy nguy cơ tai nạn chết người này. Chính vì thế, công việc rất quan trọng lúc này cùng với biện pháp mạnh trong việc xử phạt, tịch thu phương tiện, là phải đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, để nâng cao nhận thức cho chính những người đang làm nghề này hiểu được mối nguy hiểm mà họ đang gây ra để không còn những chiếc “máy chém” trên đường phố.

Minh Tư