Bạn đọc viết:

Lo thay cho đường ống nước sạch sông Đà

(Dân trí) - Sự việc vỡ đường ống nước sạch sông Đà cung cấp cho Hà Nội trong năm 2013 đã xảy ra tới 4 lần. Còn trong tương lai thì... không biết thế nào. Khổ cho những cư dân Thủ đô đang dùng nước Sông Đà quá, vì chắc còn thấp thỏm với đường ống nước này.

Còn đó nỗi lo giữa Thủ đô vẫn phải khiêng nước lên tầng cao (ảnh minh họa: Việt Hưng)
Còn đó nỗi lo giữa Thủ đô vẫn phải khiêng nước lên tầng cao (ảnh minh họa: Việt Hưng)

 

Các cụ đã dạy "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Cũng vì chưa biết nên tôi phải “dựa cột mà nghe”. Nghĩa là sau 4 lần vỡ đường ống, có tìm hiểu chút ít về việc thi công đường ống nước như: cấu tạo đường ống dẫn nước, đường kính ống, cách thức đặt đường ống trên nền đất tự nhiên (phải đào sâu để chôn đường ống) và các đoạn đường phải đắp cao để đặt đường ống nước đó...

 

Tôi không rõ khi tính toán để xem xét khả năng chịu tải trọng của đường ống dẫn nước (khi đã chứa đầy nước) được đặt trên nền đất, các nhà thiết kế chọn sơ đồ chịu lực ra sao (nền đàn hồi liên tục...)? Điều này rất quan trọng vì sau khi có kết quả tính toán, người thiết kế sẽ đưa được ra các giải pháp thi công nền đất có đường ống chạy qua (là móng của đường ống nước).

 

Đường ống sẽ còn gãy (vỡ) liên tục nữa, nếu lớp đất dưới đường ống tiếp tục bị lún. Điều này càng "hay xảy ra" khi nền đất đó không được xử lí như: đầm lèn, gia cố xử lí lún... theo yêu cầu của người thiết kế.  Còn nếu thi công mà bỏ qua hay người giám sát qua loa, thì điều này sẽ là thảm họa cho cả tuyến đường ống nước sông Đà đang cung cấp nước cho Hà Nội!!!

 

Dù sao cũng mong rằng người dân Hà Nội không còn bị thường xuyên ngừng cấp nước, hoặc tăng giá nước "sạch" do sự cố vỡ đường ống nước nữa.

Đặng Văn Hải