Phiếm đàm

Lo tai bay vạ gió chứ đâu phải là ham học

(Dân trí) - Câu hỏi của bạn tôi khó thật. Tôi chịu. Nhiều người cũng chịu. Vậy ai trả lời được câu hỏi ấy nhỉ? hu.hu...


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Anh bạn tôi có đứa con bị đau, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nằm trên giường bệnh chờ mổ, mệt thì mệt, cháu vẫn ngóc đầu dậy, hỏi:

- Bố ơi, bút của con đâu?

Ông bố giật mình, sờ khắp túi quần túi áo, không thấy bút, vội hớt hải chạy ra cửa hàng dịch vụ của bệnh viện, mua một cái bút dạ đem lên, ấn vào tay cháu.

Thấy vậy, tôi tấm tắc khen:

- Khâm phục, quả là khâm phục khi thấy cháu ham học quá. Đau như thế, thậm chí sắp lên bàn mổ mà chẳng quan tâm, chỉ nghĩ đến chuyện học hành, vẫn không quên nhắc bố đưa cho cây bút...

Bạn tôi bảo:

- Ôi trời, nó mà ham học thì đã phúc cho vợ chồng tôi.

Tôi ngạc nhiên:

- Thế cháu sắp lên bàn mổ mà bảo ông đưa cho cây bút viết là thế nào, để làm gì?

Bạn tôi bảo:

- Chả là cháu nó đọc báo mạng, thấy chuyện giữa tháng 7 vừa rồi xẩy ra tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một bệnh nhân bị tai nạn giao thông Khi vào bệnh viện, bác sĩ phát hiện chân trái của anh ta bị chệch gân và chệch khớp, gân chân không co, liệt dây thần kinh chày trước và được chỉ định mổ chuyển gân chày sau. Đến khi ca mổ kết thúc, anh ấy mới nhìn xuống chân và tá hỏa hỏi bác sĩ: "Tại sao không mổ chân trái mà lại mổ chân phải?" Lúc này, bác sĩ nhìn lại bệnh án mới biết là nhầm và tiếp tục mổ nốt chân còn lại cho anh ấy. Vì thế, vào bệnh viện, cháu nó mới bảo tôi đi mua cho nó cái bút dạ đánh dấu chữ XXX lên da chân nào cần mổ cho bệnh viện đừng mổ nhầm.

Tôi ngẩn người:

- Chuyện lạ nhỉ!?

Bạn tôi bảo:

- Chả lạ đâu, ông ạ. Mổ nhầm là chuyện quen, rất quen ấy mà. Ở Bệnh viện tại Cai Lậy, Tiền Giang, trước đó một bà nhập viện được siêu âm là có dị vật ở khớp gối chân trái nhưng các bác sĩ lại mổ nhầm chân phải của bà. Ngay sau khi biết mổ nhầm, các bác sĩ đã mổ "bù" chân trái của bà ta để lấy dị vật ra là một mảnh đạn. Rồi chuyện ở bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, đáng lẽ bác sĩ phẫu thuật lấy đinh ở tay phải cho một bệnh nhân nhưng lại mổ ở tay trái, khi không nhìn thấy đinh mới khâu vết mổ lại và chuyển sang thực hiện phẫu thuật rút đinh ở tay phải cho bệnh nhân.

Rồi bạn tôi băn khoăn hỏi:

- Tôi hỏi ông, nếu là ở phần bên ngoài cơ thể, bệnh nhân có thể dùng bút dạ đánh dấu XXX trên da để bác sĩ khỏi mổ nhầm, chứ ở trong nội tạng thì làm sao dùng bút đánh dấu được vị trí cần cho bác sĩ mổ nhỉ?. Như hồi tháng 10 năm ngoái một bé trai 21 tháng tuổi, bị các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh - Khánh Hòa cắt nhầm hơn nửa bàng quang, khiến bé bị tổn thương nặng, nước tiểu ứ trong khoang bụng gây tai biến nghiêm trọng. Chuyện hy hữu hơn cả, khiến nhiều người không khỏi choáng váng là của một bệnh nhân ở xã Nghi Ân, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An sau khi phát hiện ra mình bị một khối u ở lòng tá tràng ở bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn 2– Hà Nội, bác sĩ đã khẳng định với ông ta là đã được tiến hành phẫu thuật cắt u thành công, nhưng khi về nhà, ông ấy tiếp tục bị những cơn đau hành hạ không chịu nổi nên phải tới bệnh viện Quốc tế Vinh để kiểm tra, mới tá hỏa khi phát hiện ra bị mổ nhầm, khối u vẫn còn nguyên vẹn trong cơ thể mình. Vậy tôi hỏi ông, phải làm thế nào để bác sĩ khỏi nhầm?

Câu hỏi của bạn tôi khó thật. Tôi chịu. Nhiều người cũng chịu. Vậy ai trả lời được câu hỏi ấy nhỉ? hu.hu...

Nguyễn Đoàn