Linh hồn có “vĩnh cửu” hay không?

(Dân trí) - Trong đời sống tâm linh của nhân dân ta, phong tục tảo mộ hay thờ cúng ông cha nói lên tình cảm sâu nặng đối với người thân đã khuất và tin rằng ông cha mình ở dưới “cõi âm” luôn phù hộ cho con cháu.

Nhân dịp này, xin nói tới câu chuyện còn “bán tín bán nghi” thuộc về cõi tâm linh.

 

“Trường phái” những linh hồn phiêu bạt

   

Chắc nhiều người (nhất là những người quan tâm đến Điện ảnh) chưa quên dịp kỷ niệm 59 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/2006),  VTV đã chiếu bộ phim “Những linh hồn phiêu bạt” của đạo diễn người Pháp: Borit Lojkine cùng một đạo diễn Việt Nam của hãng Phim Tài liệu trung ương (phát sóng vào tối ngày 24/7/2006). Chủ đề phim: Đi tìm hài cốt chồng và đồng đội (các Liệt sỹ chống thời chóng Mỹ, cứu nước) đã hy sinh trên 30 năm sau chiến tranh, nhằm mang thông điệp về đức tính tốt đẹp, thuỷ chung của người phụ nữ Việt Nam cũng như tình đồng đội, đồng chí của những chiến sỹ cùng vào sinh ra tử trong cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc.
 
Linh hồn có “vĩnh cửu” hay không? - 1

Một buổi lễ quy tập hài cốt liệt sĩ

 

Tuy nhiên, đạo diễn đã cho dùng máy ghi âm rất rõ để đưa lên phim tiếng kêu than vật vã, vô vọng của chị Trần Thị Tiếp (vợ Liệt sỹ Tống Ngọc Lưu) đi tìm hài cốt chồng đã hy sinh vì Tổ quốc mà lời khóc than của chị quá ủy mị, ai oán, chỉ biết kêu Giời cho số phận của mình.

 
Sở dĩ nói như vậy, vì tự nhiên lúc xem phim tôi liên tưởng tới lời bài hát Su-li-cô của một nhạc sĩ Liên-Xô trước đây, nói về nỗi đau của một người con trai đi tìm hài cốt người yêu của mình (tên là Su-li-cô) đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc mà lời lẽ tuy đau thương nhưng không ủy mị như vậy.

 

Hoặc trong hoàn cảnh tương tự, một chàng trai Việt Nam, cũng có người yêu hy sinh cho Tổ quốc. Chàng trai đã biết suy nghĩ vô cùng sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước qua bài thơ “Quê hương” nổi tiếng của nhà thơ Giang Nam: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm, có những ngày trốn học bị đòn roi. Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất, có một phần máu thịt của em tôi”…

 

Một buổi lệ quy tập hài cốt liệt sĩ

 

Bộ phim chị Trần Thị Tiếp đi tìm hài cốt chồng Liệt sỹ nêu trên, thuộc “trường phái” những linh hồn phiêu bạt (được thể hiện ngay từ tên gọi của phim).

 

Và ngày 20/3/2010, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội nghị, có 1 nhà Khoa học lên trình bày 1 loại máy định vị mồ mả, dựa trên nguyên lý “Trường vọng”.

 

Sau hội nghị đó (ngày 12/4/2010), tôi có được gặp trực tiếp “phỏng vấn”, nhà Khoa học ấy khẳng định: nếu biết khu vực, phạm vi có hài cốt, đem máy định vị mồ mả đến có thể xác định chính xác vị trí hài cốt (kể cả phía đầu và phía chân người mất).

 

Hoặc chẳng hạn tại 1 đoạn đường, có người chết do tai nạn giao thông, đem máy đo-vẫn xác định được vị trí, chỗ người bị chết (mặc dù đã đem thi hài người chết đi chôn cất ở nơi khác). Nghĩa là vong linh gắn liền với hài cốt và địa điểm, vị trí lúc người đó bị chết; không phụ thuộc vào thời gian người chết đã bao lâu. Nhà Khoa học ấy cho tôi biết sẽ dùng máy định vị, tìm kiếm phần mộ Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã mất cách đây khoảng 600 năm.

 

Tuy vậy, hiện nay máy định vị mồ mả không thể xác định được giữa hài cốt tìm thấy, với những người đi tìm hài cốt có quan hệ huyết thống với nhau hay không.

 

Đặc biệt, theo “trường phái” những linh hồn phiêu bạt thì không có chuyện người chết ở 1 nơi xa, mà vong linh lại có thể bay về  bàn thờ cúng tại gia đình người thân.  

 

“Trường phái” những linh hồn không phiêu bạt

 

Theo nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng cho rằng: “Con người không bao giờ chết, mà chỉ mất đi phần thể xác (do chiến tranh, bệnh tật, già nua…).  Còn phần linh hồn (vong linh, vong hồn) thì tồn tại vĩnh cửu”.

 

Do đó, quan niệm người sống vĩnh biệt người chết, hoặc ngược lại: người chết vĩnh biệt người sống; vấn đề kiếp trước (tiền kiếp), kiếp sau và kể cả việc phụ nữ có nên nạo phá thai?... cũng được nhìn nhận mới.

 

Ngoài ra, nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng cùng mấy nhà ngoại cảm khác thường kể rằng: họ có thể nhìn thấy “hình bóng” người đã mất, nói chuyện được với vong linh. Và thực tế, mấy người ngoại cảm đã có công tìm thấy một số hài cốt Liệt sỹ chống Mỹ, chống Pháp (mất cách đây trên dưới 70 năm).

 

Trái với “trường phái” những linh hồn phiêu bạt, một số nhà ngoại cảm cho rằng có cách đưa vong hồn người thân “hiện về ngự” trên bàn thờ cúng tại gia đình nhà mình. Quan điểm này thuộc “trường phái” những linh hồn không phiêu bạt.

 

Cho nên linh hồn nói chung, trong đó có linh hồn của những Liệt sỹ-không phiêu bạt, kể cả những Liệt sỹ đã tìm thấy hài cốt và những Liệt sỹ chưa tìm thấy, hoặc không thể tìm thấy hài cốt.

 

“Trường phái” linh hồn phiêu bạt và “trường phái” linh hồn không phiêu bạt, tuy có các quan điểm trái ngược nhau, chưa có thể chứng minh đúng, sai ra sao? Nhưng cả 2 “trường phái” này đều thống nhất với nhau 1 điểm: Vong hồn-linh hồn-“vĩnh cửu”-bất tử! Và trong mỗi gia đình đều lập bàn thờ cúng là cần thiết để tưởng nhớ, biết ơn… đối với những người đã mất.

 

Về một khía cạnh Khoa học có liên quan đến việc tìm hài cốt Liệt sỹ, muốn xác định đúng-chính xác danh tính hài cốt Liệt sỹ không phải chuyện dễ-nếu như không có (hoặc không đủ) điều kiện giám định ADN; hoặc không có kỷ vật, đặc điểm gì riêng biệt của Liệt sỹ ấy.

 

Vì khả năng những người ngoại cảm có hạn. Thậm chí có trường hợp khi tìm hài cốt 1 Liệt sỹ; người ngoại cảm này nói hài cốt nằm ở thành phố Hải Phòng; người ngoại cảm kia lại nói hài cốt ấy vẫn nằm ở Thủ đô Hà Nội? Một nhà Khoa học chuyên ngành cho tôi biết thực tế sự chính xác, xác suất giám định ADN hài cốt Liệt sỹ do những người ngoại cảm tìm thấy là rất thấp.

 

Mặt khác muốn giám định ADN thì hài cốt Liệt sỹ phải tồn tại các mẩu, khúc xương còn rắn chắc, cộng với mẫu móng tay hoặc mẫu máu cần thiết của những người đang sống trong dòng họ. Nếu không có đủ các điều kiện đó thì khoa học giám định ADN hiện nay cũng bó tay. Thế mới có chuyện khó tin là vừa qua ở Trung Quốc, người ta muốn giám định ADN hài cốt Tướng Tào Tháo đã mất cách đây từ bao đời nay.

 

Nhân dịp năm mới 2012 với mùa xuân Nhâm Thìn, mọi người chúng ta luôn giữ phong tục (thường niên) rất tốt-đi tảo mộ tổ tiên và những người thân đã khuất của gia đình, trong đó có các Liệt sỹ anh dũng hy sinh thân mình cho Tổ quốc.

 

Đặc biệt, quá khứ cũng như bây giờ và mãi mãi, tình yêu quê hương đất nước của chúng ta, của những gia đình, thân nhân Liệt sỹ (trong đó có gia đình tôi) thật sâu sắc biết bao, vì: “Trong từng nắm đất, có một phần xương thịt của người thân”.

 

Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)
 

LTS Dân trí - Câu chuyện về sự tồn tại của linh hồn cũng như  những điều có vẻ “thần bí” trong lĩnh vực nghiên cứu thần giao cách cảm mà các nhà ngoại cảm công bố được phản ánh trong bài viết trên đây là những vấn đề đang được tiếp tục nghiên cứu ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới.    

     
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, những điều này sẽ được làm sáng tỏ về căn cứ khoa học cũng như phân biệt rõ những người làm khoa học nghiêm túc với những người giả danh làm khoa học để bầy trò mê tín dị đoan, nhất là vào dịp Tết và đầu xuân. Mọi người nên cảnh giác, kẻo “tiền mất tật mang”!