Lệch lạc “thần tượng” ở một bộ phận giới trẻ

Có lẽ, ít ai có thể tin được rằng một tội phạm như Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”) khi ra hầu tòa lại được chào đón như một… “siêu anh hùng”. Cảnh tượng hò reo cuồng nhiệt chào đón Khá “bảnh” của một số người trẻ là những gì chúng ta thấy tại phiên xét xử sơ thẩm về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc của Ngô Bá Khá diễn ra ngày 13.11.2019 vừa qua. Chuyện tưởng đùa mà lại có thật.

Lệch lạc “thần tượng” ở một bộ phận giới trẻ - 1

Minh họa của ĐAN.

“Thần tượng” mang tên Khá “bảnh”?!

Ngô Bá Khá (Khá bảnh) là một cái tên không còn xa lạ đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay. Khá “bảnh” được nhắc đến trên mạng xã hội với nhiều điệu nhảy kỳ quặc, phát ngôn gây sốc về quá khứ bất hảo, phong cách “không giống ai” và những hành vi bạo lực… được thể hiện qua các MV ngắn. Những gì Khá có, Khá đã bê vào trong MV của mình. Hình ảnh mình trần xăm trổ, kiểu tóc bờm ngựa, phong thái “chuẩn” đại ca giang hồ… là những gì Khá hướng đến.

Nhìn vào hình ảnh Khá “bảnh”, chắc hẳn sẽ không ít người ngao ngán lắc đầu bởi sự thiếu chuẩn mực, không học thức. Thế nhưng, một con người lệch chuẩn như Khá lại dễ dàng trở thành một thần tượng, được nhiều người trẻ người tung hô, đón chào cuồng nhiệt. Ngay cả khi Khá phải ra tòa chịu án phạt tù vì hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Khá vẫn được các fan hâm mộ chào đón như một “anh hùng giang hồ”.

Đây không phải lần đầu tiên Khá “bảnh” được chào đón náo nhiệt như vậy. Trước đó, nhiều người cũng không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh “đón rước” nhân vật này tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Nhiều thanh niên trẻ, thậm chí có cả những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ chen chân chụp ảnh, vây quanh xin chữ ký Khá.

Sự cuồng nhiệt đó không chỉ được thể hiện qua hành động mà còn được chứng minh bằng những con số có thật. Kênh Youtube của Khá được tới 1.854.568 người theo dõi, đứng thứ 60 trong số các kênh Youtube được subcribe nhiều nhất ở Việt Nam. Để so sánh, số lượng này cách xa các ca sĩ trẻ như Win 365 (202 nghìn), Bích Phương (1,1 triệu), và hơn cả các kênh đầu tư rất công phu như Huỳnh Lập (1,663 triệu), DAMTV (1,61 triệu) hay Kem Xôi TV (1,548 triệu). Phép so sánh này cho thấy, Khá “Bảnh” dù lệch chuẩn, nhưng về độ “hot” Khá còn ngang ngửa, thậm chí là vượt những tên tuổi nổi trội hiện nay.

Điều đáng nói, Ngô Bá Khá đã tồn tại một thời gian dài trên mạng xã hội cho đến khi Khá bị bắt về hành vi đánh bạc. Thế nhưng, sau khi bị bắt, Khá vẫn là thần tượng của rất nhiều người trẻ. Đây là một điều đáng lo ngại bởi sự lệch lạc về nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Nói rộng hơn, sự lệch chuẩn thần tượng có thể dẫn đến những hành động cổ xúy cho những tư duy cực đoan, định hướng lệch lạc trong sự phát triển nhân cách và những nguy hại khó lường.

Lệch lạc “thần tượng” ở một bộ phận giới trẻ - 2

Khá “bảnh” tại tòa. Ảnh: NGÔ CƯỜNG

Lệch lạc trong lựa chọn thần tượng

Giải thích lý do vì sao những hiện tượng lệch lạc như Khá “bảnh” lại được tung hô, đón nhận, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Các khoa học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội, cho biết, trong một thời gian, xã hội tung hô những người giàu có, những người có những phát ngôn gây sốc, thậm chí là những người không có tài năng nhưng sẵn sàng bỏ một số tiền lớn ra để tạo sự thu hút. Điều đó đã khiến cho những bạn trẻ hiểu nhầm về thần tượng.

Trao đổi với Lao Động về hiện tượng “lệch chuẩn thần tượng”, nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, thần tượng là khi chúng ta tôn sùng, ngợi ca một nhân vật nào đó như một biểu tượng của sự chuẩn chỉnh. Thế nhưng, hiện nay, các bạn trẻ đang lệch chuẩn trong việc lựa chọn và phân biệt đâu là thần tượng.

Nếu trước kia trong văn hóa Việt Nam, thần tượng là những người đã anh dũng hy sinh cuộc đời của mình cho độc lập dân tộc. Họ là những anh hùng dân tộc, anh hùng trong lao động sản xuất, trong chiến đấu hoặc là các danh nhân văn hóa… thì bây giờ nhiều người trẻ lại quay sang tôn sùng những con người vi phạm luật pháp, những người đã gây nên những cơn bão trên mạng xã hội, làm cho giới trẻ mất phương hướng trong quan điểm, làm thay đổi cả lối sống nhận thức của người Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cũng cho biết thêm, hiện nay, với sự bùng nổ của các ứng dụng, công nghệ thông tin nên giới trẻ sẽ chịu tác động không nhỏ từ những thông tin trên mạng xã hội và rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, thiếu định hướng. Vì vậy khi những nhân vật, hành động mang tính bạo lực trở thành xu hướng thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát trên đường phố, văn hóa cộng đồng bị suy giảm, các trật tự, các chuẩn mực của văn hóa, đạo đức, văn hóa ứng xử, văn hóa lối sống cũng sẽ bị kéo theo.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Phạm Mạnh Hà bày tỏ: “Một tên lưu manh như Khá “bảnh” là thần tượng của giới trẻ chắc chắn sẽ định hướng hành vi của giới trẻ đi theo hướng đó. Có thể, bắt nguồn từ phát ngôn gây sốc rồi cách kiếm tiền bằng việc vi phạm pháp luật hay sử dụng bạo lực để thể hiện sức mạnh. Điều đó làm cho những bạn trẻ coi Khá “bảnh” là thần tượng sẽ có những hành vi lệch chuẩn trong tương lai”.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An): Cần có cuộc chấn hưng về đạo đức cho giới trẻ

Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc xem và bình luận các video, nhiều bạn trẻ còn coi các “giang hồ “trên mạng như Khá “bảnh” là thần tượng, tung hô ca ngợi các đối tượng này. Có việc này là do trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện nay, các tiêu chí về thần tượng đã có sự thay đổi, thậm chí theo chiều hướng lệch lạc.

Ví dụ với hiện tượng Khá “bảnh”, không ít bạn trẻ coi đây là một thần tượng, nhưng đó là thần tượng lệch chuẩn. Có thể sau 1-2 năm, họ sẽ có nhận thức khác đi. Khi ấy, những đối tượng như Khá “bảnh” sẽ bị loại ra khỏi suy nghĩ, không còn là “thần tượng” nữa mà cần tránh xa. Đó là quy luật trong phát triển nhận thức của giới trẻ.

Để chấn chỉnh những lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay, tôi cho rằng cần một cuộc chấn hưng về đạo đức, giáo dục về các thang giá trị đạo đức chân chính cho giới trẻ. Điều này phải diễn ra thường xuyên, lâu dài.

Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Giới trẻ thần tượng “giang hồ mạng” thể hiện nhận thức lệch lạc

Những hiện tượng mạng như Khá “bảnh”… đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý, có những hành vi phản cảm và dùng ngôn từ vô văn hóa nhưng lại được giới trẻ tung hô, thì đây là hành vi lệch chuẩn, thể hiện nhận thức lệch lạc của một bộ phận giới trẻ.

Để có thể ngăn chặn những clip xấu, độc hại và có ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, ngoài việc tăng cường giáo dục về “văn hóa thần tượng” trong các trường học, thì cơ quan chức năng cũng cần có hình thức để quản lý thông tin trên các mạng xã hội, ngăn chặn việc lan truyền các thông tin xấu, độc, có thể ảnh hưởng xấu đến nhận thức của giới trẻ.

Vừa qua, Quốc Hội đã thông qua luật An ninh mạng. Các cơ quan chức năng trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì phải cụ thể hóa, có quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đ.CHUNG - C.NGUYÊN

Theo Hương Mai

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm