Lấy được tiền bảo hiểm xe máy thì phải ăn hết cả “tạ hành”

“Hành” là tiếng lóng để chỉ việc bị “hành xác” với những thủ tục nhiêu khê, rắc rối. Ở đây cho thấy tâm lý người dân thà tự thoả thuận giải quyết cho xong việc thay vì phải nhờ đến bảo hiểm.

Lấy được tiền bảo hiểm xe máy thì phải ăn hết cả “tạ hành” - 1

Mua bảo hiểm cho xe máy nhưng ít người đòi quyền lợi do thủ tục quá rườm rà. Ảnh Hải Nguyễn

Lấy được tiền bảo hiểm xe máy thì phải ăn hết cả “tạ hành”- đó là một bình luận đáng chú ý của bạn đọc gửi về báo Lao Động liên quan đến bảo hiểm xe máy bắt buộc và cách chi trả bảo hiểm khi xảy ra tại nạn. “Hành” là tiếng lóng để chỉ việc bị “hành xác” với những thủ tục nhiêu khê, rắc rối. Ở đây cho thấy tâm lý người dân thà tự thoả thuận giải quyết cho xong việc thay vì phải nhờ đến bảo hiểm.

Một con số đáng chú ý: từ năm 1990 đến năm 2018, xe máy ở Việt Nam tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1,29 triệu xe lên gần 58,17 triệu. Dự báo đến năm 2021, sẽ tăng thêm 1,15 triệu xe máy trong lưu thông.

Rõ ràng, đó là một thị trường quá lớn, nhất là việc mua bảo hiểm theo quy định hiện nay là bắt buộc.

Không có gì lãi bằng kinh doanh bảo hiểm xe máy. Khách hàng luôn sẵn có vì bắt buộc phải mua. Việc kiểm tra, giám sát đã có lực lượng cảnh sát giao thông. Cuối cùng, chính những thủ tục lằng nhằng đã khiến chủ phương tiện rơi vào tâm lý “mua coi như…mất” vì khi xảy ra chuyện cũng chẳng biết “bảo hiểm” là ông nào.

Thế nên chuyện hết sức phi lý đã diễn ra: Tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là 765  tỉ đồng nhưng số tiền bồi thường chỉ là 45 tỉ. Chẳng có ngành kinh doanh nào có mức lãi khủng như vậy: cứ thu 100 đồng thì chỉ phải chi 6 đồng, lãi ròng hơn 90%.

Đó cũng là lý do ở Việt Nam hiện nay, có tới …29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang bán bảo hiểm bắt buộc xe máy.

Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm quá ngon ăn còn người dân thì ăn… hành theo đúng cả nghĩa đen và bóng.

Từ đó nảy sinh câu chuyện thì tự bồi thường cho nhau khi có tai nạn còn hơn là chờ bảo hiểm. Hãy xem, để có thể chứng minh và nhờ bảo hiểm bồi thường gồm các loại giấy tờ sau đây: giấy thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường, chứng từ xác định và chứng minh thiệt hại do tai nạn, bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến xe và lái xe, bản sao bộ hồ sơ tai nạn (có xác nhận của công an nơi thụ lý tai nạn), sơ đồ hiện trường tai nạn, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông, các biên bản và tài liệu xác định trách nhiệm của người thứ ba (trong trường hợp tổn thất do người thứ ba gây ra), biên bản giám định thiệt hại, các chứng từ xác định thiệt hại do tai nạn… 

Từng đó giấy tờ để có thể trong vào chuyện bảo hiểm chi trả cho bên bị tai nạn thì…xin hàng. Thông thường, một vụ tai nạn xe máy mức độ thiệt hại không phải là cao trong khi giấy tờ chạy đi chạy lại quá nhiêu khê khiến người dân bỏ cuộc.

Cần phải khẳng định là chủ trương mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe gắn máy là đúng đắn bởi nó gắn với trách nhiệm dân sự của người tham gia giao thông.

Nhưng với người dân, dù bỏ một đồng ra cũng cần phải biết số tiền ấy được chi vào việc gì, như thế nào, ai được lợi… Nhìn vào các con số, nếu chỉ thấy doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được lợi, lãi khủng thì đó rõ ràng là việc bất thường trong một quan hệ kinh tế.

Phải thay đổi những quy định để doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm hơn trong chi trả, bồi thường cũng như rút bớt các thủ tục để người dân được bồi thường một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Bởi cứ để dân “ăn hành” trong khi doanh nghiệp bảo hiểm “ăn thịt” thì một chủ trương dù đúng cũng rất khó thuyết phục được người dân.

Mua bảo hiểm bắt buộc trong tâm thế tự nguyện mới chính thể hiện sự cần thiết và nhân văn trong việc góp phần giảm tải gánh nặng do tai nạn giao thông gây ra.

Theo Linh Anh 

Báo Lao động

Bình luận (0)
để gửi bình luận