“Lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà thiếu trách nhiệm thì phải thay thế”
Nói về câu trả lời của lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tại buổi họp báo tại Hòa Bình cho rằng đơn vị này mới là “thiệt hại nhất”, GS Vũ Trọng Hồng cho rằng đây là câu trả lời “rất vô cảm thiếu trách nhiệm”.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay: Trong sự việc nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân Thủ đô bị nhiễm dầu bẩn thì phản ứng của các đơn vị liên quan là chậm và khiến nhiều người lo lắng.
GS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), đặc biệt là những người đứng đầu doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm.
Đơn vị này đã phát hiện ra dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu, nhưng không hề có động thái báo cáo cơ quan chức năng và tìm hướng giải quyết có hiệu quả.
Chất thải tại được ghi nhận ở đầu nguồn nước Sông Đà. Ảnh Tô Thế
“Nguồn nước ô nhiễm là nguồn lan rộng nhất, đi đến tất cả người già, trẻ con đều phải dùng. Việc sử dụng nguồn nước gây ô nhiễm có thể dẫn tới họa rất lớn cho người dân. Rõ ràng đơn vị này đã không nắm đúng trách nhiệm của mình” – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói.
Nói về câu trả lời của lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tại buổi họp báo tại Hòa Bình cho rằng đơn vị này mới là “thiệt hại nhất”, GS Hồng cho hay, đây là câu trả lời “rất vô cảm và thiếu trách nhiệm”.
“Câu trả lời thể hiện người lãnh đạo của đơn vị này không nắm được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo nguồn nước có chất lượng tới hàng vạn người dân sử dụng. Đây là vấn đề an ninh nguồn nước, phải đảm đủ số lượng nước, chất lượng nước phục vụ cho người dân” – GS Hồng nhấn mạnh.
GS Hồng đề nghị xem xét kỹ và xử lý nghiêm trách nhiệm của Viwasupco trong sự việc này. Với những cán bộ yếu kém không có khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề cần phải được thay thế ngay.
Cùng nhìn nhận về sự việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thành phố cần triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, ổn định tâm lý cho nhân dân.
Hiện trường vụ dầu bẩn tràn vào nguồn nước sinh hoạt. Ảnh Tô Thế
“Cá nhân, tổ chức nào đổ dầu, chất thải bẩn vào nguồn nước cần phải coi đây là một tội ác, cần xử lý thật nghiêm. Đồng thời xem xét trách nhiệm, kỷ luật nghiêm của những cá nhân trong Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà và các đơn vị có liên quan” – ông Trí nói.
Theo vị đại biểu Quốc hội, một yếu tố cũng rất quan trọng là cần xem xét lại an ninh an toàn nguồn nước, đầu vào của nhà máy nước sông Đà. Ông cũng cho rằng, khai thác nước từ nguồn lộ thiên mà không có bảo vệ thì không an toàn, đồng thời cần làm đường ống kín để lấy nước từ lòng hồ thủy điện sông Đà, qua các bước xử lý để cung cấp nước cho người dân.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp) nhìn nhận, việc thoái thác trách nhiệm, trốn tránh nghĩa vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân có liên quan trong bối cảnh này chỉ làm gia tăng bức xúc cho người dân và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể vụ việc xử lý thế nào, xử lý ai vậy xử lý tới đâu sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra trong vụ án này căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên.
Luật sư Cường cũng cho rằng, trong vụ việc này, cả người đổ dầu thải ở đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường lẫn đơn vị cung cấp nước sạch đều phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của những người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo Vương Trần
Báo Lao động