Lắng nghe dân!

Câu chuyện bức xúc của cử tri huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội khi mà họ phát biểu về vụ “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn đã liên tục bị "ngắt lời" diễn ra vào ngày 19/11, đặt ra nhiều điều phải suy ngẫm khi tiếp xúc với nhân dân.


Cử tri Trần Đức Phương - xã Minh Trí phản ánh tình trạng vi phạmtrật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn (ảnh: Quang Phong)

Cử tri Trần Đức Phương - xã Minh Trí phản ánh tình trạng vi phạmtrật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn (ảnh: Quang Phong)

Tiếp xúc đại biểu HĐND TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 7 HĐND khóa XV, gần 20 cử tri huyện Sóc Sơn lần lượt chỉ ra hàng loạt sai phạm trật tự xây dựng trên địa bàn các xã, trong đó có các vụ “xẻ thịt” đất rừng ở xã Minh Phú và Minh Trí. Khi cử tri phát biểu, người điều hành hội nghị liên tục "ngắt lời", đề nghị cử tri: “Phát biểu tập trung vào nội dung chính và không bình luận”. Hành động "ngắt lời" cử tri khiến người chủ trì bị cử tri phản đối gay gắt và càng gần về trưa, cuộc tiếp xúc cử tri càng trở nên căng thẳng.

Bức xúc với kiểu “cướp lời” cử tri, nhiều người đứng lên đề nghị người điều hành buổi làm việc và đại biểu HĐND TP Hà Nội nên kiên nhẫn lắng nghe nhân dân. “Cử tri phát biểu thì cứ ngăn chặn. Nếu đại biểu không lắng nghe ý kiến chúng tôi thì nghe ai bây giờ!”, cử tri Nguyễn Văn Nhạc (xã Tân Hưng) nói.

Với những bức xúc của cử tri chúng ta có thể hiểu được, bởi người dân bao lâu nay họ đã thấy được sai trái trong việc quản lý đất đai của chính quyền, mà không giải quyết. Và chắc chắn là họ đang rất bức xúc, bực tức dồn nén, căng thẳng rất lâu rồi giờ là lúc họ lên tiếng và lời lẽ của họ có thể là "khó nghe" cũng là chuyện bình thường, có thể hiểu được. Do đó, việc "ngắt lời" cử tri như vậy đặt ra câu hỏi về bản lĩnh, kỹ năng tiếp xúc cử tri của những người đại diện cho dân? Đã vì quyền lợi và lợi ích của dân? Chính quyền là của dân do dân bầu ra đại diện cho ý trí, nguyện vọng của dân đang ở đâu? Cần phải tôn trọng cử tri… Như lời của cử tri Nguyễn Văn Nhạc (xã Tân Hưng) nói: “Nếu đại biểu không lắng nghe ý kiến chúng tôi thì nghe ai bây giờ!” rất đáng suy ngẫm.

Người đại diện cho dân cần thấy rằng, qui định tiếp xúc cử tri đã có trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Điều 94 quy định: Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân: Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.

Như vậy có thể thấy rằng, tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta, “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” “tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”, xây dựng một xã hội dân chủ. Thông qua tiếp xúc cử tri, cơ quan nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ các nội dung không còn phù hợp. Tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của mình, từ đó có những điều chỉnh thích hợp, kịp thời.

Làm tốt tiếp xúc cử tri chính là góp phần khơi dậy tiềm năng, tranh thủ trí tuệ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, cũng như nhiều bất cập khác của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong khi tiếp xúc cử tri, cần phải có kỹ năng, trong mọi trường hợp phải tỏ thái độ khiêm nhường, hòa nhã, tôn trọng, lạc quan, tích cực, chân tình, cởi mở, thể hiện sự sẵn sàng, hợp tác. Không cắt ngang lời cử tri đang nói. Nếu không thống nhất quan điểm, cách làm việc, nên trao đổi từ tốn, thuyết phục với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự. Tránh mọi biểu hiện hách dịch, cửa quyền hoặc không tôn trọng người dân; cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, bày tỏ sự quan tâm, cảm thông với người dân, kiềm chế sự nóng nảy của bản thân hoặc những thành kiến ban đầu khi tiếp xúc, tránh rơi vào tình trạng “cả giận mất khôn”.

Lắng nghe đóng vai trò rất quan trọng trong công việc. Muốn thành công trong bất cứ ngành nghề nào cũng phải biết lắng nghe, và phải kiên nhẫn lắng nghe đặc biệt là làm lãnh đạo,... Lắng nghe giúp ta học hỏi kinh nghiệm, thấu hiểu tâm tư tình cảm, tính cách, sở thích, thói quen của công dân và những người xung quanh. Từ đó tạo sự gắn kết, hợp tác và tăng hiệu quả công việc. Như vậy, lắng nghe giúp chúng ta hiểu nhau để thân thiết, gắn bó và tin tưởng hơn.

Lắng nghe giúp ta giải quyết xung đột hiệu quả hơn. Khi không tức giận, ai cũng tỉnh táo để nhìn nhận sự việc và sáng suốt đưa ra giải pháp. Nhưng khi bức xúc xảy ra thì chúng ta thường rơi vào tình trạng “cả giận mất khôn”. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn khi họ nói hết ra và bình tĩnh trở lại. Và một điều quan trọng nữa là không nên ngắt lời người nói khi chưa thực sự cần thiết. Đặc biệt, đừng vội vàng tranh cãi hay phán xét về những gì đang được trình bày. “Lời chưa nói ra ta là chủ nó, lời nói ra rồi nó là chủ ta”.

Nói về lắng nghe dân, trong một cuộc làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, "Chúng ta đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước"./.

Theo Nguyễn Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam