Làm rõ sự thật cho một người đã chết là bảo vệ công lý

Ông Lương Hữu Phước đã nhảy lầu tự tử, nhưng không thể chôn vụ án theo cái chết của ông. Công lý phải được đòi lại, không phải chỉ cho ông Lương Hữu Phước, mà cho chính xã hội mà chúng ta đang sống.

Làm rõ sự thật cho một người đã chết là bảo vệ công lý - 1

Bị cáo Phước đã nhảy lầu tự tử tại tòa. Ảnh: Người dân cung cấp

Ông Lương Hữu Phước đã đã nhảy lầu tự tử, nhưng không thể chôn vụ án theo cái chết của ông. Công lý phải được đòi lại, không phải chỉ cho ông Lương Hữu Phước, mà cho chính xã hội mà chúng ta đang sống.

Ngày 5.6, TAND Cấp cao tại TPHCM đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, điều tra xét xử lại vụ ông Lương Hữu Phước - người nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước sau khi bị tòa này tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND thành phố Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án, cũng như chưa làm rõ lời khai của đối tượng liên quan.

Không thể khẳng định ông Lương Hữu Phước có oan sai hay không, nhưng bản án sơ thẩm và phúc thẩm có dấu hiệu oan sai thì phải kháng nghị giám đốc thẩm. Pháp luật là phải ngay thẳng, phải công minh, cho dù đối với bất kỳ ai, cho dù đối với người sống hay đã chết.

Bảo vệ danh dự một con người ngay khi họ đã chết là thể hiện sự tôn trọng con người, làm rõ có oan sai hay không đối với một con người đã chết là tôn trọng quyền con người, một giá trị phổ quát của nhân loại.

Thật đau lòng, đây không phải là lần đâu tiên xảy ra việc bị cáo tự tử sau khi hội đồng xét xử tuyên án. 

Năm 2015, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Võ Chánh. Sau đó, ông Võ Chánh đã về nhà tự tử bằng cách dùng dao đâm vào người.

Xét xử có công bằng không, có tâm phục khẩu phục không khi bị cáo phải uất ức đến nỗi tìm đến cái chết.

Những người xét xử ông Lương Hữu Phước quả quyết họ xét xử đúng người, đúng tội. Đương nhiên họ phải nói như vậy, có điều sự thật khách quan đôi khi lại không đúng như vậy. Cho nên cần có một cách khác để bảo vệ sự thật, bảo vệ công bằng, bảo vệ công lý.

TAND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Lương Hữu Phước rất được sự ủng hộ của dư luận. Ở nơi đâu con người còn  được pháp luật bảo vệ ngay cả khi đã chết thì nơi đó còn niềm tin vào công lý.

Theo Lê Thanh  Phong

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm