Lại trò chơi con chữ "thu giá"
Bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ cộng đồng, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư, tất nhiên nhân dân sẽ phải chịu thiệt thòi hơn.
Nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tổ ở Quốc hội diễn ra ngày 11/11 vừa qua đã không khỏi bất ngờ khi "thu giá lại về" trong 2 Dự án luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.
Tưởng như sau kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một phiên họp của Quốc hội tháng 6/2018, Bộ Giao thông vận tải sẽ không bao giờ bàn đến vấn đề trạm thu giá hay thu phí. Nhưng nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tổ ở Quốc hội diễn ra ngày 11/11 vừa qua đã không khỏi bất ngờ khi "thu giá lại về" trong 2 Dự án luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.
Trong Điều 48 về đầu tư xây dự đường cao tốc, quy định, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc được "thu giá" sử dụng đường cao tốc. Hai từ "thu giá" tiếp tục xuất hiện nhiều lần nữa trong Dự luật GTĐB sửa đổi.
Đại biểu Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - tỏ ra rất ngạc nhiên khi Bộ GTVT kiểu "cố đấm ăn xôi" để đưa bằng được hai từ "thu giá" vào Dự luật GTĐB sửa đổi. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình thẳng thắn chia sẻ, hai từ "thu giá" hay như "trạm thu giá" từng được Bộ GTVT để xuất thay cho "thu phí" và "trạm thu phí" bị dư luận xã hội phản đối, Quốc hội bác. Nhưng giờ đây, Bộ GTVT lại thêm lần nữa cố tình "được thu giá sử dụng đường bộ" là "làm xấu vấn đề đi". Nếu nói chính xác là quá xấu vấn đề (?!!).
Bộ GTVT "quên" hay còn có ý đồ gì khác trong lần đưa dự thảo ra bàn luận ở Quốc hội? Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, đây không đơn thuần là vấn đề tay đổi ngôn ngữ của các nhà làm luật, bởi bản chất của "thu phí" và "thu giá" sẽ được điều chỉnh bởi các điều luật khác nhau.
Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, phí là khoản tiền tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải trả cho đơn vị quản lý nhằm bù đắp chi phí và đặc biệt mang tính chất phục vụ mà cơ quan nhà nước giao cho đơn vị cung ứng dịch vụ đó thực hiện. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ, tại điều 12 Luật Phí và Lệ phí quy định, về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quy định "Việc thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước".
Dù đơn vị được giao thu phí là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước thì cũng phải tuân thủ quy định Luật Phí và lệ phí năm 2015.
Trong khi đó giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư nên được cho là "rộng cửa" hơn đối với các doanh nghiệp BOT. Theo Luật Giá năm 2012, giá được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.
Theo khoản 5 Điều 4, luật này thì tùy thuộc vào hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ đó.
Nói đến đây thì chắc chắn bạn đọc đều hiểu vì sao các doanh nghiệp BOT lại "yêu giá, ghét phí" đến vậy. Bởi bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ cộng đồng, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư, tất nhiên nhân dân sẽ phải chịu thiệt thòi hơn.
Hơn ai hết, các nhà làm luật của Bộ GTVT đều có thể nhận biết được sự khác biệt căn bản giữa "phí" và "giá" như sau:
- Phí do nhà nước ban hành, được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc nộp cho tổ chức được nhà nước giao (có sự kiểm soát của nhà nước) đối với người sử dụng dịch vụ công và có miễn, giảm cho một số đối tượng.
Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
- Giá là là khoản tiền người tiêu dùng phải trả cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để họ có được hàng hóa, dịch vụ đó, về cơ bản mức giá do nhà cung cấp quyết định trên cơ sở quy luật thị trường (chỉ chịu sự quản lý của nhà nước đối với một số dịch vụ, mặt hàng nhất định) và về nguyên tắc là không có miễn, giảm.
Nếu như sau đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, người dân đã thấy lạ, thay vì "khoan sức dân" như các chính sách vĩ mô của Chính phủ thì Bộ GTVT đã để xuất tăng phí BOT. Lần này, trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV thêm lần nữa Bộ GTVT lại thực hiện "trò đùa dai" đề xuất đổi phí thành giá.
Điều gì khiến Bộ GTVT "năm lần, bảy lượt" bất chấp sự phản ứng của dư luận và của các đại biểu Quốc hội để "cố sống, cố chết" bảo vệ BOT, liệu có "lợi ích nhóm" ở đây không?