Lại đường sắt 65.000 tỉ: “Hà Nội không vội được đâu”

Tuyến đường sắt đô thị số 1 sau 15 năm chưa thể khởi công, đội vốn đến 9 lần. Tuyến số 2 đội vốn từ 19.555 tỉ lên 35.678 tỉ đồng dù chưa làm kể cả một mét đường. Và giờ, lại metro lại 65.000 tỉ đồng

Tháng 11 năm ngoái, một báo cáo về tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khiến dư luận choáng váng.

Choáng váng, vì tuyến đường này dù được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến giờ vẫn chưa thể khởi công. Tính ra, 11,5km đường mà mất đến cũng hơn 11 năm... chuẩn bị.

Choáng váng, vì dù chưa khởi công, nhưng tổng vốn dự án đã tăng từ 19.555 tỉ đồng thời điểm phê duyệt lên tới 35.678 tỉ đồng. Tức là tăng tới 82% so với ban đầu.

Tính ra, cứ mỗi năm là vốn đội thêm ngót 2 nghìn tỉ đồng.

Nhưng chắc chắn, đội vốn 82% chưa phải là con số cuối cùng. Nhưng chắc chắn, 2027 chưa phải là tiến độ cuối cùng. Bởi vì ngay cả khâu tối thiểu là giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 70-80%. Và đó, ngay cả ga C9, khu vực Hồ Gươm vẫn chưa được duyệt do còn có quá nhiều ý kiến phản biện.

Bao giờ thì tuyến số 2 hoàn thành?

Ít nhất 4 đời Bộ trưởng Bộ GTVT đã không thể trả lời câu hỏi ấy.

Đúng ra là không dám trả lời.

Trong khi đó, trong số 917 tỉ đồng giải ngân được, cho đến tháng 9.2019 thì có tới 27,3 tỉ là để… trả lãi vay, trả phí.

Câu chuyện các tuyến đường sắt đô thị làm nản lòng người dân. Tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông mãi không có ngày khai thác thương mại.

Tuyến số 2 đội vốn 82% ngay cả khi chưa khởi công.

Còn tuyến số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi, thật khủng khiếp, đã đội vốn tới 9 lần với tổng vốn từ 9.197 tỉ đồng ban đầu đã lên tới 81.537 tỉ đồng.

Hôm qua, khi tuyến metro số 5 Văn Cao- Hoà Lạc với tổng mức đầu tư 65.400 tỉ đồng được đề xuất thống nhất phương án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đã lại có những câu hỏi về tiến độ, về đội vốn được đặt ra!

Trước những con số khủng khiếp từ các dự án đường sắt đô thị, thật ra, đây là những câu hỏi có trách nhiệm và không thể không trả lời.

Đường sắt nào cũng là tiền dân. Khoản vay nào cũng do dân trả nợ.

Và cách khiến người dân mất niềm tin nhiều nhất chính là để các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị đội vốn khủng khiếp, chậm tiến độ như một tật bệnh.

“Hà Nội không vội được đâu”. Thà là làm chậm lại, đề xuất chậm lại, khi có đủ nguồn lực, kinh nghiệm, khi có cả bài học và những người chịu trách nhiệm... còn hơn là cứ đề xuất lấy được rồi lại đội vốn, kéo dài làm khổ dân.