Không thể để tái diễn cảnh phim "Cánh đồng hoang” giữa đời thực!

(Dân trí) - Không biết bao giọt nước mắt nữa lại rơi, khi tại thời điểm đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này mấy năm rồi, mà giữa đời thực vẫn có cảnh tượng như trong bộ phim “Cánh đồng hoang” nổi tiếng của Điện ảnh VN một thủa...

(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Chuyện không thể nào tin

 

Ngày ấy, khi “Cánh đồng hoang” lần đầu được chiếu cho hội đồng duyệt phim xem tại Cục Điện ảnh, cả khán phòng toàn những người trong ngành (vốn đã rất quen với cảnh trận mạc, thương vong, chết chóc... trong những bộ phim về đề tài chiến tranh) đều như chết lặng đi. Chỉ nghe thấy những tiếng thút thít cố kìm nén vang lên từ hàng ghế này, góc phòng khác…Đó là cảnh trong một trận càn, cặp vợ chồng giao liên trẻ phải bỏ đứa con nhỏ vào túi nilon, nhấn xuống nước để tránh bị địch phát hiện…Bộ phim sau đó đoạt giải Vàng quốc tế, đưa những hình ảnh đầy bi thương nhưng cũng rất kiêu hùng của ý chí và nghị lực con người VN đi khắp thế gian…
 
(Ảnh tư liệu) Em bé được giấu trong túi nilon trong phim Cánh đồng hoang
(Ảnh tư liệu) Em bé được "giấu" trong túi nilon trong phim Cánh đồng hoang

 

Hòa bình đã mấy chục năm, có ai ngờ những cảnh thương tâm như vậy lại xuất hiện ngay trong đời thực. Hết cảnh các chủ nhân tương lai của đất nước phải “đánh cược” tính mạng với những cây cầu “dọa sập”, tới cảnh học sinh “thách đố Hà Bá” khi liều mình bơi vượt sông… Và nay là hình ảnh gây chấn động – những đứa trẻ ngồi trong túi nilon được kéo vượt suối tại bản Sam Lang xã Nà Hỳ, huỵện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên…chẳng khác nào tái hiện cảnh phim tự thủa nào!

 

Đúng là chuyện không thể nào tin! Nhưng ôi chao, đó lại là sự thực và cũng là thêm “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”!

 

“Thật xót xa!” - Hoang Anh: huongvyanh@gmail.com

 

“Chuyện có một không hai của thế kỷ XXI! Thương quá đi thôi!” - Trần Quốc Bình:  minhbinh@gmail.com

 

“Cảm ơn cô giáo đã thông tin cho mọi người biết việc này (đang xảy ra năm 2014). Bạn hãy tưởng tượng bạn hoặc con của bạn (không biết bơi  mà) ở trong chiếc túi nilon đó...!!!???” - Nguyễn Duy Xuyên:  duyxuyennguyen@gmail.com

 

“Cảm ơn cô giáo, nếu không có cô quay clip thì có lẽ các em cứ đi học như vậy suốt thôi! Thật không thể tưởng tượng nổi, thế kỷ này rồi mà vẫn có cảnh như ở thời… nguyên thủy vậy!?” – Do Nhu Quynh:  donhuquynhdn@gmail.com

 

“Cảm ơn cô giáo đã quay được clip thực trạng của các em học sinh vùng sâu vùng xa này. Các em thật là khổ! Nhân dân vùng sâu vùng xa chỉ mong có một cây cầu để cho con em họ đi học lấy cái chữ, vậy mà vẫn phải khổ như thế. Thật là cảnh cứ như trong phim… hành động ấy!? Tại sao Bộ GTVT không rà soát lại tất cả vùng sâu vùng xa, làm cầu treo phù hợp để dân đi, nhất là đỡ khổ cho các học sinh trên đường đi học. Nhiều công trình thất thoát bao nhiêu tỉ đồng, sao không tịch thu tiền bị bòn rút lại để đầu tư xây dựng những cây cầu treo cho vùng sâu vùng xa?” – Lam Cuong: lamthanhphong@gmail.com

 

“Chắc vì các bạn sinh ra và sống ở những nơi có điều kiện thuận lợi hơn nhiều quen rồi, nên thấy lạ. Còn mình thấy thường thôi vì nó như... cơm bữa với mình rồi. Mà mình thấy VN vẫn mới chỉ phát triển cục bộ thôi, có những nơi mấy chục năm vẫn thế.... Thất vọng quá!!!” - Trần Công: cong3282@gmail.com

 
(minh họa:  Ngọc Diệp)
(Ảnh minh họa) Học sinh bản Ông Tú, bản Ka Oóc, bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình bơi qua dòng sông chảy xiết đến trường
 

Để đường đến trường bớt gian nan

 

Sự việc được đánh động và cũng đã có được những tín hiệu cho thấy 1 tương lai  sẽ khả quan hơn. Vâng, sự vào cuộc cần thiết của ngành chức năng dẫu muộn còn hơn không, nhưng nỗi lo lắng từ phía dư luận đâu phải vì thế đã có thể giảm thiểu…

 

“Có lẽ chỉ tại địa điểm này không có... sếp nào sinh sống? Chứ ở địa phương tôi, bà con cứ nói vui mà cũng là sự thật, rằng chỉ nhìn vào những con đường là biết ... có nhà sếp nào ở đó không rồi. Một quyết của Bộ GTVT định cho làm cầu treo tại nơi đây là rất hợp lòng dân, nhưng mong là phải cầu chất lượng cao, tránh nguy cơ gây ra tai hoạ như cầu treo Chu Va 6 đó!” - Lê Xuân Thuỷ:  lexuanthuy1962@yahoo.com

 

“Không biết là lo cho an sinh xã hội ở đâu? Nhưng tôi biết còn rất nhiều thôn, bản mà điều kiện sống của người dân còn rất cơ cực. Chỉ đến khi báo chí đưa tin thì mới làm cho nó có vẻ nóng lên từng vụ việc đơn lẻ. Thật chán như… con gián!” - Minh:  dungtan@gmail.com

 

“Sao mọi việc cứ để khi các phương tiện thông tin đại chúng biết, thì các ngành chức năng mới vào cuộc? Có nhất thiết 2 tháng phải xong cầu không, như vậy có nhanh quá không? Hãy lấy cầu Chu Va 6 làm “gương” nhé, các ngành chức năng ơi! Đừng theo đuổi tiến độ mà quên mất chất lượng, OK!” – Nguyen Truong Thi:  nguyentruongthi@gmail.com

 

“Nếu không có cô giáo quay clip thì người dân nơi đây còn phải chịu cảnh này bao lâu nữa? Sao tỉnh và huyện không ai hay biết vậy? Xin… bái phục lãnh đạo ở đây!” – Hoang Bien:  hoangbienqt2013@gmail.com

 

“Chắc hẳn rằng dân đã kêu và chính quyền cùng nhiều người đã biết, nhưng có lẽ việc này bị ai đó làm ngơ và dân kêu trời không thấu? Ôi cảnh  và tình người!!!” - Quế Lương: quetuyla@gmail.com

 

“Mong chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả con em bà con trong các bản làng được đến trường trong thời gian ngắn nhất, để họ không phải từng ngày lội sông đưa con đi học nữa!” -  Tiet Thi Kim Nhung: nguyenvanchiencrkh1992@gmail.com

 

“Tại sao chính quyền xã, huyện và ngành giáo dục lại để vậy? Lỡ có rủi ro, ai sẽ chịu trách nhiệm? Thật chia sẻ với các cô giáo và học sinh nơi đây! Cảm on Bộ trưởng GTVT đã có giải pháp kịp thời giúp nhân dân!” - Bế Thái Dương: sanubndnamao@gmail.com
 
Nhưng để xóa cảnh như… trong phim tái  hiện giữa đời thực, xem ra dân vẫn chưa hết phải lo gần, lo xa... 
 
“Đợi báo chí rùm beng lên rồi mới có quyết định xây cầu? Bao năm qua học sinh cứ chui vào túi nilon đến trường thì mấy bác ở chính quyền sở tại bận... đi lo việc ở những đâu vậy? Và nếu có xây, mong các bác xài cho đúng 3,5 tỷ để xây nhé, đừng chỉ xây cái..."cầu khỉ" 0, 5 tỷ để.. gió nó thổi 1 cái... các em lại phải chui vào nilon đi học tiếp thì khổ lắm!?” - Asajiro:  phamcham0303@gmail.com
 

Kiều Anh