Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là "cầu tử thần"!

Hải Đăng

(Dân trí) - Không ít người đã bỏ mạng trên cầu Thanh Trì vĩnh viễn không thể về được nhà. Nhiều người hàng ngày hai lượt sáng đi chiều về gặp cảnh tắc đường thì... đường về nhà khác gì đường "đi đày".

Theo tôi thì tên gọi "cầu tử thần" mà nhiều người "ưu ái" dành cho cầu Thanh Trì cũng có phần đúng. Riêng tôi, mỗi lần đi công tác hay có việc phải đi qua cây cầu này đều phải có sự tính toán kỹ lưỡng để làm sao đi lại hanh thông.

Chẳng hạn, sáng mai có việc ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên thì phải tính xem đi như thế nào từ đêm hôm nay. Nếu công việc diễn ra vào 9h sáng chắc chắn phải dậy thật sớm, lên đường để 6h30 đã đi qua cầu Thanh Trì rồi. Còn công việc diễn ra muộn hơn hoặc chủ động về thời gian thì sẽ đi sau 9h sáng, như vậy mới làm chủ được thời gian làm việc.

Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là cầu tử thần! - 1

Hình cảnh cầu Thanh Trì nhìn từ trên cao.

Nhưng đôi khi người tính không bằng "cầu" tính: có lần từ Hải Dương về Hà Nội vào chiều thứ 7, khoảng 16h tôi đã đến đầu cầu Thanh Trì. Nghĩ rằng cuối tuần đường thông hè thoáng chạy về nhà chắc chỉ khoảng 30 phút chứ mấy, ai ngờ mất gần 2 tiếng để đi qua vì cầu tắc do một vụ va chạm giao thông giữa xe tải và xe con. Cuối cùng về đến nhà gần 18 giờ, mất toi một trận bóng đá cuối tuần.

Khổ nhất chắc có lẽ là những bác tài, những người sinh sống ở bờ đông Thủ đô hàng ngày hai lượt sáng đi chiều về qua cây cầu Thanh Trì. Không may đen đủi gặp cảnh tắc đường thì... đường về nhà thành đường "đi đày".

Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là cầu tử thần! - 2

Vào giờ cao điểm lưu lượng phương tiện giao thông luôn đông nghẹt trên cây cầu này.

Được khánh thành vào tháng 2/2007, hơn 10 năm qua, cầu Thanh Trì đã góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội. Cầu Thanh Trì được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương tại thời điểm khánh thành với lưu lượng thiết kế ban đầu khoảng 15.000 xe/ngày đêm.

Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, nhu cầu đi lại, giao thương ngày tăng lên, cầu Thanh Trì giờ đây đã quá tải. Theo thống kê thì lưu lượng qua cầu Thanh Trì đã lên đến hơn 123.000 xe/ngày đêm, gấp 8 lần thiết kế ban đầu.

Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là cầu tử thần! - 3

Tình trạng tắc đường, ùn tắc giao thông trên cầu diễn ra như "cơm bữa".

Theo thống kê của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, 5 năm qua, trên cầu Thanh Trì đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông làm 21 người chết, 35 người bị thương. Đó chỉ là những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, còn những vụ va chạm giao thông nhỏ nhặt thì xảy ra như "cơm bữa". Tình trạng ùn tắc giao thông tại đây diễn ra thường xuyên, nhất là khi có tai nạn hoặc phương tiện đơn lẻ gặp sự cố.

Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là cầu tử thần! - 4

Một vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thanh Trì cách đây vài năm.

Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là cầu tử thần! - 5

Những hình ảnh như thế này không còn lạ gì với người lưu thông trên cầu Thanh Trì.

Có thể liệt kê ra một số vụ tai nạn giao thông thuộc diện nghiêm trọng mới xảy ra trên cây cầu "tử thần":

Ngày 13-9, xe container BKS 15C-085.22 kéo theo rơ mooc 15R-087.17 đột ngột mất lái, tông liên tiếp vào ba xe máy BKS: 89H9-0082, 29V5-059.68 và 89L2-0884. Hậu quả khiến người đàn ông điều khiển xe máy BKS 89H9-0082 rơi xuống sông Hồng tử vong, những người còn lại bị xây xước nhẹ.

26/6/2019, tại cột đèn số 30 trên cầu Thanh Trì, thuộc địa bàn Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội, xe ôtô tải chở gỗ mang biển kiểm soát 37S-188.89 chạy hướng Hà Nội sang Quốc lộ 5, đến địa điểm trên thì đâm vào đuôi ôtô tải biển kiểm soát 90C-044.87 chở vật liệu xây dựng, bị nổ lốp, đang đỗ ở phía trước. Hai người ngồi trong cabin xe chở gỗ tử vong tại chỗ.

Ngày 16/2/2020 vào lúc 22h, chiếc xe máy do một nam thanh niên lái theo hướng Gia Lâm đi quận Hoàng Mai đã va chạm với người phụ nữ và một bé gái đi bộ trên cầu. Hậu quả, vụ tai nạn làm người phụ nữ tử vong tại chỗ, còn bé gái bị thương nhẹ…

Cũng trên cây cầu "tử thần" này, không chỉ có những vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của nhiều người; những vụ va chạm giao thông liên hoàn khi nhiều xe đâm vào nhau... Còn có những câu chuyện dở khóc dở cười như hàng loạt bác tài xuống xe tháo dỡ rào chắn ở dải phân cách để thoát thân khi không may đang đi ở làn có sự cố.

Nhiều trường hợp cũng sẵn sàng đỗ xe để tháo hàng rào ra khỏi làn đang lưu thông khi biết phía bên kia cầu có Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Rồi ngay đầu cầu (phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thường xuyên có cảnh người dân buôn bán ổi, họ nhảy bổ sang đường mời chào, ô tô đang lưu thông thì tạt ngang vào mua bán...

Không phải tự nhiên mà cầu Thanh Trì bị gọi là cầu tử thần! - 6

Cây cầu Thanh Trì giờ đây phải gánh một lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn.

Một số vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người được liệt kê phía trên cũng là một minh chứng, tại sao nhiều người dân lại gọi cầu Thanh Trì là "cầu tử thần". 

Độc giả có ý kiến đóng góp về nội dung này, có câu chuyện vui buồn mà mình gặp phải trên cầu Thanh Trì vui lòng gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm