Phiếm đàm

Không nên lấy cái không phải của mình

(Dân trí) - Tại sao Bộ Giao thông Vận tải cứ lúng túng như gà mắc tóc không giải quyết được cái điều rất đơn giản ở những trạm BOT đặt sai vị trí, mà một người dân như bà Nguyễn Thị Thược xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), dù nghèo vẫn làm được là “Không lấy cái không phải của mình”

Không nên lấy cái không phải của mình - 1

Báo vừa đăng chuyện không lấy cái không phải của mình, đó là bà Nguyễn Thị Thược xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), khoảng hơn 8h sáng 7/7, trên đường đi chợ về bất ngờ nhặt được quyển sổ hưu của một người cùng xã, bên trong kẹp 3,8 triệu đồng, gia đình người này đã chia nhau đi tìm nhưng không thấy nên rất lo lắng. Bà Thược tìm đến tận nhà người đánh rơi tiền để trả lại. Dù bà Thược đang trong hoàn cảnh rất khó khăn, chồng đau ốm, nhưng khi gia đình người bị mất sổ, thành tâm biếu ít tiền để cám ơn, bà nói: "Tiền không phải của mình thì dẫu có nghèo khó đến mấy tôi cũng không nhận".

Chuyện trên khiến nhiều người nghĩ: Tại sao có chuyện nghịch lý người nghèo không lấy cái không phải của mình, còn người giầu, thậm chí giầu “nứt đố đổ vách” thì lại cứ cố lấy bằng được cái không phải của mình trong các dự án BOT. Hình thức đầu tư các công trình giao thông theo dạng BOT ở nước ta nôm na là những công trình này được hình thành trên cơ sở hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu từ tiến hành xây dựng công trình giao thông (cầu và đường), nhà đầu tư có quyền kinh doanh công trình trong thời gian nhất định. Khi hết thời hạn thì lúc đó nhà đầu tư mới chuyển giao cho nhà nước quản lý. Vì những dự án giao thông BOT đều là vốn của nhà đầu tư nên khi chạy xe trên đường là các công trình giao thông BOT, người tham gia giao thông đều phải trả tiền. Và để thu tiền của các phương tiện tham gia giao thông thì các chủ đầu tư sẽ xây những trạm thu phí BOT là những trạm chốt được lập nên tại các tuyến đường thuộc dự án BOT với chức năng thu phí đường bộ của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Nhưng oái ăm, gây bức xúc kéo dài nhiều năm tại nhiều trạm BOT ở chỗ là chủ đầu tư BOT đáng lẽ đặt trạm thu tiền ở đường BOT thì lại đặt ở chỗ khác để thu tiền của người dân, dù người dân không đi qua đường BOT. Điển hình là trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) khiến người dân bức xúc, bạn đọc Nguyễn Ngọc Lâm viết: “nói thế nào thì các ông cũng ngang như cua bò. Các ông thử đặt mình là người dân xem có chịu được không khi hàng ngày các ông đi trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy mà vẫn phải nộp phí cho tuyến đường tránh BOT mặc dù không đi qua một mét đường tránh nào?” Bất hợp lý hơn nữa, trạm BOT Tân Đệ còn thu phí cho trạm BOT Đông Hưng, có nghĩa là dù người dân không sử dụng dịch vụ đường bộ tại tuyến tránh thị trấn Đông Hưng cách trạm BOT Tân Đệ tận 20 km nhưng vẫn phải đóng phí cho tuyến tránh này, khiến người dân càng bức xúc. Bạn đọc Nguyễn Tuấn Luận viết: Tôi đi từ Hà Nội về 7 xã gần đó thì có thu tiền tôi không? Có lần tôi đi từ Hưng Hà đi sang Nam định không đi qua đoạn tránh Đông Hưng nào vẫn bị thu phí. Theo tôi đường đoạn nào đầu tư thì đặt trạm thu phí ở đó. Kể cả có tốn thêm tiền xây trạm thì thu thêm thời gian bù vào. Các bác chỉ tính lợi cho các bác còn dân thì chết”.

Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận có 17 trạm BOT đặt sai vị trí như thế, nhưng chỉ đề xuất xoá bỏ… 1 trạm. Như vậy, Bộ Giao thông Vận tải phải chăng buông vai trò quản lý Nhà nước, để cho chủ đầu tư BOT thao túng, lấy cái không phải của họ.

Tại sao Bộ Giao thông Vận tải cứ lúng túng như gà mắc tóc không giải quyết được cái điều rất đơn giản ở trạm BOT mà một người dân như bà Nguyễn Thị Thược xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), dù nghèo vẫn làm được làKhông lấy cái không phải của mình”

Câu hỏi này được dân đặt ra ở BOT Cai Lậy, ở BOT Tân Đệ cùng nhiều trạm BOT khác và đang chờ được câu trả lời của các nhà quản lý.

Nguyễn Đoàn