Không để xảy tình trạng “phép vua thua lệ làng”!
(Dân trí) - Vừa qua dư luận Hải Phòng xôn xao về việc ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng thông tin trái với kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn, tại CLB Bạch Đằng.
Mặc dù những ngày gần đây, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xem xét kỷ luật đối với các cá nhân và tập thể liên quan tới vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, quyết định cách chức huyện ủy viên và đề nghị cách chức Chủ tịch và Phó chủ tịch huyện đối với ông Lê Văn Hiền và Nguyễn Văn Khanh, đồng thời thực hiện kỷ luật cảnh cáo với Bí thư huyện ủy và một số người khác có liên quan trách nhiệm.
Tuy nhiên việc phát biểu của ông Nguyễn Văn Thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng tại CLB Bạch đằng vẫn để lại một dư âm đáng suy nghĩ về thái độ tiếp thu phê bình, ý thức tự phê bình cũng như thái độ chấp hành thiếu nghiêm túc kết luận và sự chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng về vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng.
Vụ cưỡng chế đầm tôm gia đình ông Đoàn Văn Vươn do chính quyền xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng,
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Hơn một tháng qua, báo chí đã trở thành người lính xung kích trong lẽ thường tình của người kiếm tìm công lý và sự công bằng. Sự thật dần được phơi bày một cách rõ ràng hơn trên các mặt báo.
Ngày 10/2, Thủ tướng kết luận: Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng trái cả luật pháp và đạo lý. Cả nước vỡ òa trong niềm vui và tin tưởng vào công lý mà Thủ tướng đã kết luận. Những sai phạm của chính quyền thành phố Hải Phòng được Thủ tướng chỉ ra một cách rõ ràng và khó biện hộ. Đó là việc chính quyền thành phố đã “chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng” và “khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ - nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận”.
“Khẩn trương”, “nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao” thực hiện 6 nội dung yêu cầu của Thủ tướng để “không để xảy ra vụ việc tương tự” và “sớm ổn định tình hình mọi mặt của huyện Tiên Lãng” – đó là một cơ hội sửa sai dành cho chính quyền thành phố Hải Phòng. Nhưng sáng 17/2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành vẫn cho rằng: “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào, chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn; không ca ngợi công an, bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có cán bộ lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không trong quy hoạch - trốn nợ thuế - không có tý công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông Vươn...”.
Ông Lê Văn Hiền bị đình chỉ công tác và đề nghị cách chức Chủ tịch huyện
Ngày 16/1, trả lời báo chí, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho hay, ông theo dõi sát vụ việc này và có thể khẳng định "chính quyền sai từ xã đến huyện"
Đã sai thì phải sửa sai, đó là cung cách ứng xử bình thường của một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Nó khác hẳn nền quân chủ chuyên chế khi lời nói và việc làm sai trái của vua chúa vẫn bắt mọi người phải chấp nhận.
Chính quyền sai từ xã đến huyện thì việc sửa sai cũng phải từ xã đến huyện. Thậm chí, theo kết luận của Thủ tướng thì chính quyền thành phố Hải Phòng cũng có nhiều sai sót.
Vậy việc sửa sai của chính quyền các cấp ở Hải Phòng đến nay đã được thực hiện như thế nào?
Theo thông tin báo chí, đến sáng 14/2 cổng thông tin điện tử huyện Tiên Lãng đã gỡ bỏ những thông tin trái quyết định Thủ tướng và ngày 18/2 xã Vinh Quang cũng đã xúc tiến việc họp đại diện hộ gia đình Đoàn Văn Vươn để thương thuyết về việc cấp “nhà tạm”.
Tuy nhiên, những hành động “sửa sai” trên cũng có nhiều vấn đề khiến dư luận nghi hoặc về tính tự nguyện. Chẳng hạn, dù đã có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng 3 ngày sau đó cổng thông tin điện tử huyện Tiên Lãng vẫn cho đăng tải những bài viết với nội dung trái ngược hẳn với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc cấp nhà tạm chính quyền xã Vinh Quang cho hộ gia đình Đoàn Văn Vươn tại dãy nhà không có điện, nước và thuộc địa điểm hẻo lánh cũng cho thấy việc đền bù thiệt hại của chính quyền cấp xã vẫn chưa được đàng hoàng và xứng đáng.
Phát biểu nói trên của Ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành tại CLB Bạch Đằng, nơi sinh hoạt của những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu đã khiến nhiều đảng viên tham gia CLB này bức xúc. Bản báo cáo - kiến nghị ngày 18/2 của những đảng viên tham gia CLB gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư cũng viết: “Xung quanh vụ việc Tiên Lãng, chúng tôi đang chờ đợi, hy vọng sự kiểm điểm nghiêm túc của lãnh đạo thành phố. Nhưng không ngờ đồng chí Nguyễn Văn Thành không hề nêu sai sót nào của Thành ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan TP Hải Phòng”.
Phải chăng có dấu hiệu “phép vua đã thua lệ làng” ở Hải Phòng? Rằng Thủ tướng cứ kết luận nhưng quyền cầm cân nảy mực vẫn thuộc quyền quan hàng tỉnh? Và nếu không có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan Trung ương và báo chí thì sẽ lại có những phát biểu gây bức xúc dư luận trở lại như trường hợp Bí thư thành ủy Hải Phòng?...
Hành động gần đây nhất cho thấy sự chuyển biến bước đầu của Thành ủy Hải Phòng trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ Tiên Lãng.Chiều tối ngày 21/2, Ban thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng đã họp, quyết định thi hành kỷ luật đối với tập thể và các lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng có liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm.
Tuy nhiên, dư luận còn đặt dấu hỏi, vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra lớn như vậy, huy động cả lực lượng cảnh sát cơ động và quân đội, tất nhiên có dính dáng đến sự chỉ đạo và can thiệp của cấp trên là TP Hải Phòng, nhưng các quan chức cấp thành phố chưa thấy tự kiểm điểm và đề ra kỷ luật thích đáng với các quan chức có liên quan? Điều đó khiến cho dư luận phải nghi ngở về ý thức tự phê bình cũng như thái độ chấp hành nghiêm túc kết luận của Thủ tướng. Có hay không hiện tượng bao che khuyết điểm của quan chức cấp thành phố, mà chỉ “thí tốt” đối với hàng ngũ lãnh đạo cấp dưới, còn cấp thành phố hầu như “vô can”.
Cần giám sát chặt chẽ hơn nữa
Còn nhiều câu hỏi có thể đặt ra như trên nếu như việc vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng không được tiến hành khẩn trương và công minh, giải quyết triệt để và toàn diện theo kết luận của Thủ tướng.
Trước đây, ngày 13/2, trên báo Vietnamnet có bài “Phải giám sát Hải phòng chấp hành kết luận của Thủ tướng” lấy ý kiến Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền và Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật, UB TƯ MTTQ VN Lưu Văn Đạt. Hai ông đều cho rằng quá trình xử lý đều phải giám sát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng “các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Chính phủ phải theo dõi để đảm bảo Hải Phòng sẽ phải thực hiện kết luận và báo cáo lên Thủ tướng đầy đủ”. Ông còn cho rằng, báo chí cũng đóng vai trò giám sát rất quan trọng. Báo chí có thể “thông tin rộng rãi, công khai để gây sức ép buộc cơ quan chính quyền phải xử lý nghiêm khắc các hành vi làm trái”.
Còn ông Lưu Văn Đạt thì tuyên bố “Mặt trận Tổ quốc vẫn phải tiếp tục giám sát vụ việc”. Vụ Tiên Lãng sẽ là “cái đà và cũng là cơ hội để Mặt trận Tổ quốc tiếp tục theo dõi, giám sát những vụ việc sai phạm khác diễn ra thời gian qua”.
Hy vọng dưới sự giám sát của cấp cao nhất là Chính phủ cũng như sự minh bạch và công bằng của những cán cân công lý, thành phố Hải Phòng cùng với huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang sớm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nội dung kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng. Cơ hội sửa sai đối với vụ Tiên Lãng đã được vạch sẳn ra trước mắt, chỉ mong chính quyền các cấp Hải Phòng xem đó là bổn phận, lương tâm và danh dự còn có thể vớt vát được. Đấy cũng là cơ hội lấy lại uy tín đối với nhân dân.
Nguyễn Văn Toàn
287 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế
LTS Dân trí - Việc đúng sai trong vụ cưỡng chế đất đai cũng như phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn đến nay đã được kết luận khá rõ ràng cho nên chính quyền ở đây đã phải thu hồi các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế trái pháp luật đã ban hành trước đây.
Vấn đề còn lại mà dư luận trông chờ là việc xử lý nghiêm minh vụ việc đã xảy ra ở Tiên Lãng, xử lý đúng người, đúng tội, không phân biệt đối xử với người có tội dù ở chức vụ nào. Có xử lý nghiêm như vậy thì tính răn đe mới cao, nhằm ngăn chặn tình trạng “công bộc” ức hiếp nhân dân, đẩy họ đến con đường cùng và gây ra hậu quả nghiêm trọng như ở Tiên Lãng.
Nhà nước của chúng ta cũng như hệ thống chính quyền các cấp vốn là của dân, do dân và vì dân, được nhân dân bầu ra để bảo vệ lợi ích của dân, của nước. Làm trái với điều đó chính là phản lại dân, phản lại nước. Nếu mọi người được giao trọng trách mà nhân dân đã giao phó luôn tâm niệm được điều đó thì chắc chắn sẽ không xảy ra thêm các vụ như Tiên Lãng.