Không để nhà khoa học "dỏm" được phong giáo sư thật
Mỗi năm cứ đến "mùa" phong phó giáo sư, giáo sư, lại có nhiều thưa kiện, những phát hiện gian lận. Giáo sư được phong từ các nhà khoa học "dỏm" thì nền học thuật nước nhà đi về đâu?
Liên quan đến phong phó giáo sư, giáo sư năm 2020, đã có kiện cáo, ít nhất là 16 vị ứng viên thuộc ngành y và ngành dược. Trong 16 ứng viên bị tố cáo, có 1 ứng viên ngành dược do không đủ số lượng công bố quốc tế nên đã bị loại từ Hội đồng Giáo sư ngành dược, số còn lại đều đã được Hội đồng Giáo sư các ngành y dược thông qua và đề nghị lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm nay.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu đã bỏ thời gian thẩm định các công bố khoa học của 16 ứng viên và công bố công khai. Với uy tín của một người có kinh nghiệm thẩm định các công bố trong lĩnh vực khoa học sự sống (Sinh học, Y - Dược học), công bố của Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu gây chấn động dư luận.
Bởi vì, 12/15 ứng viên khác đã được hội đồng ngành thông qua cũng không đạt yêu cầu về công bố quốc tế; chỉ có 4/16 ứng viên bị tố cáo (đều là ứng viên phó giáo sư) có đủ số bài báo quốc tế theo yêu cầu đối với ứng viên phó giáo sư. Lý do không đạt là vì công bố của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí OA chất lượng thấp và người đăng bài phải đóng nhiều tiền mới được đăng.
Ở thời đại internet, chỉ cần click con chuột là có thể truy ra được thực chất của các công bố quốc tế, đăng ở tạp chí nào.
Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cần kiểm tra thông tin từ Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu và các nhà khoa học khác, để xem xét các trường hợp bị tố cáo. Một là bảo vệ họ nếu họ là nhà khoa học chân chính, hai là gạch họ ra khỏi danh sách ứng viên và công bố công khai.
Nhiều năm nay, đã xảy ra tình trạng gian dối trong hồ sơ phong phó giáo sư, giáo sư. Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước Phùng Xuân Nhạ nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định.
Năm 2019, hồ sơ khoa học của một số ứng viên có những bài báo đăng trên các tạp chí "vô danh", hoặc chỉ đăng trong những kỷ yếu của hội thảo quốc tế.
Làm khoa học và làm thầy thiên hạ, nhưng vẫn chạy theo hư danh, kiếm những thứ danh xưng không phải thực lực của mình, đó là một phần thực trạng tiêu cực trong giới khoa học Việt Nam.
Phải ngăn chặn những kẻ cơ hội khoa học, để bảo đảm chất lượng học thuật, nghiên cứu khoa học của nước nhà.