Không để người tố cáo đơn độc trong đấu tranh chống tiêu cực
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn tình trạng người tố cáo bị cô lập, gây khó khăn, bị trù dập..., nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên tố cáo tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình còn bị kỷ luật, buộc thôi việc..., qua đó đặt ra đòi hỏi cần bảo đảm công bằng cho người tố cáo các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật…
Chấm dứt việc tố cáo đúng vẫn bị kỷ luật
Tìm hiểu được biết, những trường hợp tố cáo đúng nhưng vẫn bị kỷ luật như đồng chí Trung tá Hoàng Quang Trung hay đồng chí Nguyễn Đức Thọ, như đã nói ở trên không phải là cá biệt.
Mới đây nhất đã xảy ra trường hợp người bị tố cáo ký quyết định kỷ luật người tố cáo. Theo đó, cô giáo Hà Tú Trinh, giáo viên Trường THCS Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có đơn tố cáo ông Võ Văn Tính, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phong Điền không dạy đủ số tiết theo quy định nhưng vẫn nhận số tiền hơn 23,8 triệu đồng. Nội dung tố cáo này đã được cơ quan chức năng xác định là đúng nhưng ông Võ Văn Tính chỉ bị kiểm điểm, chưa nộp lại tiền nhận sai. Trong khi đó, với danh nghĩa là Phó Hiệu trưởng điều hành, ông Võ Văn Tính lại ký quyết định kỷ luật cảnh cáo cô giáo Hà Tú Trinh, với lý do đã “Tố cáo giáo viên sai sự thật”. Điều này đã gây nhiều ý kiến bức xúc trong dư luận tại địa phương. Sau khi nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, cô giáo Hà Tú Trinh đã được hủy án kỷ luật Cảnh cáo.
Một điều dễ nhận thấy là khi cán bộ, đảng viên tố cáo đúng nhưng vẫn bị kỷ luật thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, cuộc sống và sự nghiệp của họ. Thay vì được khen thưởng, những người tố cáo đúng lại phải nhận các hình thức kỷ luật cả về Đảng và chính quyền. Điều này cũng sẽ làm “thui chột” tinh thần đấu tranh chống tiêu cực trong tập thể cơ quan, đơn vị. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Vi Việt Thắng, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Lộc Bình (Lạng Sơn) thừa nhận: “Việc kỷ luật đồng chí Trung là chưa công bằng”; “Nếu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng sẽ triệt tiêu tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. Cạnh đó còn có nhiều trường hợp người tố cáo bị họ hàng, đồng nghiệp, người thân tẩy chay bởi lo sợ liên lụy. Đồng chí Trung tá Hoàng Quang Trung, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) chia sẻ: “Thanh tra Bộ Quốc phòng đã có kết luận trong 3 nội dung tôi tố cáo thì có 2 nội dung tố cáo đúng; 1 nội dung tố cáo đúng một phần. Vậy mà tôi vẫn phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Chính vì bị kỷ luật oan sai như vậy nên tôi đã không được nhận quân hàm Thượng tá, không được trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; danh dự, uy tín của gia đình và bản thân vì thế cũng bị ảnh hưởng rất nhiều...”.
Đồng chí Lưu Văn Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lộc Bình (Lạng Sơn) cho rằng việc xem xét hình thức kỷ luật đối với đồng chí Trung là chưa thực sự công bằng.
Mới đây, trong khi phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cũng nhấn mạnh: Đang có tình trạng người tố cáo đúng nhưng bị xử lý kỷ luật, vì cái tội “vạch áo cho người xem lưng”, “mất đoàn kết nội bộ”, làm “ảnh hưởng” đến thành tích của đơn vị.
Cần có cơ chế bảo đảm công bằng cho người tố cáo tiêu cực
Thực tế cho thấy, trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đối tượng bị tố cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội; còn người tố cáo thường yếu thế hơn. Chính điều này đã dẫn đến việc người tố cáo dễ bị trù dập, trả thù, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cơ quan thanh tra không làm việc nghiêm túc. Trong vụ việc khiếu nại kéo dài của đồng chí Trung tá Hoàng Quang Trung ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), nếu cơ quan thanh tra xác định và kết luận rõ ràng, chính xác, khách quan vụ việc thì sẽ không thể xảy ra oan sai. Hoặc với vụ việc đồng chí Nguyễn Đức Thọ, chi bộ đảng ở Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã vi phạm quy định khi có đến 6 đảng viên tham gia ký tập thể trong “Báo cáo” (thực chất là tố cáo) gửi Huyện uỷ Đà Bắc, với nội dung không đúng sự thật, nhằm cô lập người đấu tranh. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Thọ chia sẻ: “Tại thời điểm tôi đấu tranh chống tiêu cực, có đồng chí lãnh đạo khuyên tôi nên rút đơn thì sẽ được quan tâm. Song tôi đã quyết tâm đấu tranh đến cùng nên đã bị o ép, gây khó khăn và những hình thức kỷ luật oan sai, ảnh hưởng lớn đến bản thân và gia đình tôi...”
Tuy cơ quan Thanh tra các cấp đã kết luận nhiều nội dung tố cáo của đảng viên Hoàng Quang Trung là đúng, đúng một phần nhưng người tố cáo vẫn bị kỷ luật Khiển trách. (Ảnh: TL)
Kết quả nhiều cuộc điều tra xã hội học cũng như thực tế thời gian qua cho thấy, một nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều người không dám tố cáo tham nhũng là do sợ bị cô lập, trả thù. Do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đó là cần có cơ chế bảo vệ, bảo đảm công bằng cho người tố cáo tiêu cực. Hiện nay Luật Tố cáo đã dành một chương quy định về vấn đề này nhưng nội dung các quy định vẫn mang tính chung chung; thiếu hướng dẫn cụ thể. Gần đây tại Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng đã bổ sung một số quy định về bảo vệ người tố cáo: các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo..., tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn nhiều bất cập.
Do vậy, để bảo đảm công bằng cho người tố cáo và giúp họ không đơn độc trong cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham nhũng, các cơ quan chức năng cần thực hiện kịp thời, đúng, đủ trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong thanh tra, xác minh nội dung tố cáo cần coi trọng chứng cứ do người tố cáo cung cấp. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi có cán bộ, đảng viên tham gia tố cáo tiêu cực cần đề cao trách nhiệm, công bằng, khách quan. Không vì “bệnh thành tích” mà gây áp lực đối với người tố cáo. Cần chống tư tưởng coi cán bộ, đảng viên tố cáo tiêu cực là “gây mất đoàn kết nội bộ”, “phá hoại cơ quan, đơn vị”, từ đó cô lập, phân biệt đối xử người tố cáo tiêu cực. Trường hợp người bị tố cáo là thủ trưởng đơn vị thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp cần trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết nội dung tố cáo để bảo đảm hiệu quả và tránh tình trạng tố cáo, khiếu nại kéo dài.
Đặc biệt, cần xử lý nghiêm túc các trường hợp trù dập, chèn ép người tố cáo tiêu cực. Đối với những người bị tố cáo, nếu phát hiện tiêu cực thì cần phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật; tránh bao che cho cá nhân có sai phạm. Với những người tố cáo đúng, cần có biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời, qua đó khuyến khích cán bộ, đảng viên tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực./.
Theo Nhóm PV Ban Bạn đọc
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam