Không cho phép “phạt cho tồn tại” nữa

“Nếu sai phép, không đúng phép (sẽ) phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa” - tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Và thời điểm bắt đầu sẽ là ngày 1.1.2020.

Không cho phép “phạt cho tồn tại” nữa - 1

Câu chuyện “Phạt cho tồn tại” không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng cái tiền lệ xấu xí ấy đã gây ra không biết bao nhiêu những bất ổn, hệ lụy, gây ra biết bao nhiêu những bất bình đẳng, những bức xúc xã hội. Và cả sự phí phạm tiền bạc nữa. Bởi dẫu là sai thì việc xây lên, rồi phạt, rồi tồn tại, rồi cắt ngọn, đập phá... thì ngẫm ra, đó cũng là tiền bạc, là của cải xã hội.

Còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội năm ngoái, ĐBQH Dương Trung Quốc đã chất vấn về “một lộ trình để chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại”. Bởi theo ông: Trên thực tế quan sát thực trạng này thì tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có tính chất xâm hại rất lớn đến luật pháp, tới sự nghiêm minh của pháp luật và đặc biệt hệ quả của nó sẽ làm hư hỏng bộ máy cán bộ, là nguyên nhân tệ nạn hối lộ, tham nhũng vặt”.

Trong văn bản trả lời, Thủ tướng nhìn nhận “Phạt cho tồn tại” là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải…

Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nhưng vẫn chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị.

Thủ tướng nhìn nhận, tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Và văn bản ấy, Thủ tướng cam kết sẽ nhất thiết phải từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà “phạt cho tồn tại” là một biểu hiện.

Giữa cam kết của Thủ tướng, cho đến việc Bộ Xây dựng tham mưu nghị định 139, và giờ là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đang cho thấy sự nhất quán của Chính phủ.

Sự nhất quán trong xây dựng kiến tạo. Sự nhất quán trong lời hứa hết sức phục vụ nhân dân. Và sự nhất quán trong phương châm hành động quyết liệt, kỷ cương.

Một chế định không cho phép “phạt cho tồn tại” rõ ràng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn, một bước ngoặt cơ bản, để chấm dứt những sự vụ kiểu 8B Lê Trực, chấm dứt những vụ “cắt ngọn” dằng dai, chấm dứt những khu chung cư làm biến dạng, băm nát quy hoạch chẳng hạn ở Linh Đàm. Và cũng chấm dứt cả những câu chuyện buồn “đoàn thanh tra bị bắt vì nhận hối lộ”.

Theo Anh Đào

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm