Ý kiến chuyên gia

“Không chấp nhận Giám đốc mổ giỏi nhưng quản lý kém”

Hi vọng là bà Bộ trưởng Y tế tiếp tục nói hết ý và cải tổ việc quản lý các bệnh viện để công tác Y tế ngày càng hoàn thiện.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đó là lời bà Bộ Trưởng Y tế vừa phát biểu gần đây:

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/khong-chap-nhan-giam-doc-mo-gioi-nhung-quan-ly-kem-1039056.tpo

Các bệnh viện cần có bác sĩ giỏi nhưng cũng cần có những nhà quản lý giàu khả năng.

Lý thuyết mà nói, theo y xã hội học, bệnh viện là một tổ chức có hai hệ thống quản lý song hành. Một bên là quản lý chuyên môn nghề nghiệp mà chúng tôi gọi là “quyền Y khoa” – pouvoir médical – Một bên là quản lý xí nghiệp hành chính – pouvoir administratif.

Quản lý chuyên môn nghề nghiệp về Y khoa lo thực hiện chủ đích của bệnh viện chữa trị bệnh nhân, cứu người. Đứng đầu quản lý này là một Giám đốc Y tế. Ông hay bà Giám đốc y tế phải có tay nghề cao, được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, phải lo về các phương thức đường lối của bệnh viện về chuyên môn đồng thời là người bảo đảm Y đức.

Nhưng bệnh viện cũng bất cứ tổ chức nào, cần có một quản lý hành chính lo tất cả các vấn đề nhân sự, kế toán, nguồn thu, nguồn chi, … sinh hoạt thường nhật mà còn lo cho các kế hoạch đầu tư phát triển của bệnh viện nữa. Tức là phải tính toán đủ thứ. Người đứng đầu quản lý này không là bác sĩ mà phải là người biết kế toán, giỏi luật, biết “dùng” nhân viên, biết tổ chức thế nào để bệnh viện sinh hoạt tốt và trường tồn…

Các nhà xã hội học đã nhận thấy rằng liên hệ giữa hai vị Giám đốc, Giám đốc Y khoa và Giám đốc Hành chính – thường có những lúc thật căng thẳng.

Ông/bà Giám đốc Y khoa chỉ chú tâm đến bệnh nhân, đòi hỏi nhiều phương tiện về nhân sự và máy móc để hoàn thành sứ mạng của nhà thương. Bất kể vấn đề tiền bạc. Đối với họ sự sống là vô giá nên bệnh viện phải cung cấp, bằng tất cả mọi giá, những điều kiện tốt nhất để lo cho người bệnh.

Giám đốc Y khoa có thể đòi tuyển thêm y tá, bác sĩ, mua thêm máy móc cho việc chẩn đoán và săn sóc bệnh nhân.

Ông/bà Giám đốc hành chính thì phải lo cân bằng thu-chi vì nếu không thì bệnh viện phá sản.

Ông/bà này có thể hạn chế tuyển nhân sự hay hạn chế đầu tư thiết bị vì những lý do kế toán.

Mục tiêu khác nhau nhưng ở chung trong cùng một tổ chức nên hai Giám đốc này thường phải đối thoại với nhau để có chung đường hướng quản lý và để … sống chung hoà bình với nhau. Có như thế thì “sức khỏe” của bệnh viện mới tốt để tiếp tục cứu người.

Dĩ nhiên, không ai chối cải là bệnh viện phải dốc hết phương tiện để thực thi sứ mạng y tế. Nhưng các bác sĩ cũng phải lắng nghe phía quản lý kế toán và tài chính vì nếu bệnh viện phá sản thì lúc đó không còn bệnh viện nữa và sẽ không thể tiếp tục đón hay chữa trị bệnh nhân được.

Khi cả hai Giám đốc này làm việc tốt thì người bệnh là người được hưởng lợi.

Hi vọng là bà Bộ trưởng Y tế tiếp tục nói hết ý và cải tổ việc quản lý các bệnh viện để công tác Y tế ngày càng hoàn thiện.

Bước kế tiếp trong tương lai mà các bệnh viện bên ta cần tiến tới để làm là phải làm sao lo hoàn toàn cho bệnh nhân để không cần người nhà nuôi bệnh. Đó là cách sinh hoạt của các bệnh viện ở Âu Mỹ từ lâu rồi.

Nguyễn Huỳnh Mai