Khoe của

Khoe khoang là đặc tính của muôn loài chẳng cứ gì con người. Con cá khoe sắc, con chim khoe giọng, “con gà tức nhau tiếng gáy”... Riêng con người khoe khoang sự giàu có, giỏi giang kiến thức. Vài trường hợp đặc biệt vừa giỏi giang, giàu có lại vừa xinh đẹp. Ấy là các hoa hậu quý bà. Rất đáng mang khoe.


Ảnh minh họa (nguồn: wsj.net)

Ảnh minh họa (nguồn: wsj.net)

Dân gian từng có truyện cổ tích tiếu lâm “Lợn cưới, áo mới”. Anh chàng sắm được chiếc áo mới đứng chờ ở cổng đến tận chiều tối mới có người đi qua để khoe. Nhưng anh đi qua lại hỏi như khoe “Có thấy con lợn cưới của tôi qua đây không?”. Chàng áo mới tranh thủ “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này chẳng thấy con lợn nào đi qua cả!”

Những tưởng ngày chiến tranh đói khổ người ta không có gì để khoe mà không phải thế. Ngày ấy khoe khoang theo phong trào. Đại khái ăn mặc, đầu tóc luôn đúng mốt. Quần vải ka ki màu xanh công nhân (sĩ lâm), áo sơ mi pô pơ lin trứng sáo. Chị em có quần sa tanh đen hoặc quần phăng cài khuy cạnh. Áo phin nõn cổ lá sen. Mùa đông thường thấy lấp ló chiếc áo len cổ lọ đỏ chói bên trong áo khoác sẫm màu.

Của nả chẳng có gì nhiều ngoài chiếc nhẫn cưới vàng tây nửa chỉ. Chiếc xe đạp Phượng Hoàng hay Thống Nhất được coi là món đồ sang trọng nhất. Cánh đàn ông luôn chăm chút lau chùi nó sáng bóng. Thanh niên ngoại thành có mốt lắp thêm chiếc cờ có lò xo vào bánh trước. Đôi khi gắn cả quả bóng bàn hoặc chiếc máy bay đúc bằng nhôm lên cán cờ. Xe chạy trên đường cờ bay phấp phới, bóp chuông rổn rảng.

Thanh niên con nhà giàu ở phố bấy giờ thường nổi bật hơn hẳn tầng lớp lao động. Chiếc xe đạp Peugeot màu cánh chả hoặc da đồng. Đồng hồ Poljot mạ vàng óng ánh. Túi áo cắm chiếc bút máy Kim tinh nắp vàng, mắt đeo kính râm đổi màu. Chân dận đôi giày mõm nhái đen kịt. Chị em hoa mắt cưới về mới biết anh ấy không ký nổi tên mình. Giấy tờ toàn điểm chỉ.

Tầng lớp trung niên giàu có phần lớn là các ông chủ lò mì sợi, thợ ép nhựa, chủ lò dập gác đờ bu xe đạp được coi là “thủy thủ tàu viễn dương”. Hay gọi ngắn gọn là Vosco cạn. Cũng bởi cái vô lăng quay mì và ép nhựa khá giống với bánh lái tàu thủy. Đã thế, thu nhập cũng chẳng khác gì thủy thủ tàu viễn dương.

Lúc ấy anh nào cưỡi chiếc xe Honda second hand thì cầm chắc phải thuộc về hai loại thủy thủ cả dưới nước và trên bờ như thế. Những xe máy khác thuộc về các anh chị du học nước ngoài về hoặc cán bộ cao cấp được mua phân phối. Toàn xe của các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất.

Đi xa nhà thường phải mang theo hộp dụng cụ và vài chiếc bugi dự phòng. Sang trọng nhất là những gia đình có người thân ở các nước tư bản. Họ đi xe máy Peugeot, Mobylette cá vàng, Vespa. Dân phố gọi là những biệt thự di động là bởi giá trị của nó thường ngang với một căn nhà lớn.

Thật ngạc nhiên, lúc này tầng lớp thật sự giàu ở phố thường chẳng bao giờ thấy khoe khoang. Họ ăn mặc giản đơn, đi xe tầm thường và luôn lẫn vào đám đông trên phố. Họ sinh hoạt cần kiệm kể cả việc ăn uống cũng không có gì khác biệt dân phố. Cũng xếp hàng mua đậu phụ, nước mắm và gạo. Cũng hút thuốc lá Trường Sơn và uống chè ba hào như dân lao động.

Có khác chăng chỉ là ngôi biệt thự họ ở còn lại từ thời Pháp thuộc. Nhưng cũng để mốc meo tróc lở như nhà dân thường. Không phải vì không có tiền sửa chữa mà chỉ là ngại quét vôi sơn cửa sẽ làm ngôi nhà nổi bật lên.

Hết những năm tháng chiến tranh và nhất là sau khi nền kinh tế mở cửa, người giàu có ở phố nhiều lên. Cộng với nhiều người giàu ở các tỉnh đổ về, Hà Nội trở nên một thành phố sặc sỡ với đủ các sắc màu khoe khoang lấn át. Từ áo quần, xe cộ, nhà cửa đều được nâng cấp đến mức mà chi phí của mình chịu được. Thậm chí nhiều chị em còn không ngần ngại nâng cấp cả nhan sắc của mình cho sánh ngang với các minh tinh Hàn Quốc.

Gương mặt đô thị thay đổi hẳn cũng một phần còn do tâm lý khoe khoang đã phát triển mạnh trong dân phố. Ngôi nhà đang ở yên lành bỗng một hôm thấy hàng xóm ốp gạch men lên mặt tiền, thế là vợ thủ thỉ với chồng đi lùng mua thứ gạch cao cấp hơn để ốp tường nhà mình.

Chiếc xe máy Dream mới ngày nào là ước mơ của cả gia đình thì cũng phải bán đi để thay bằng chiếc SH hoặc Piagio. Quần áo còn lành nguyên cũng bỏ để mua sắm hàng hiệu. Mở cửa chiếc xe 10 tỉ bao giờ cũng cẩn thận đi vòng qua mũi xe vào nhà để cho dân phố biết đó là xe mình.

Thế nhưng những khoe khoang như thế không phải lúc nào cũng được hiểu theo nghĩa mà mình mong muốn. Đại khái ngôi nhà có đắp con gà trống vàng hoặc đại bàng tung cánh trên nóc không khó để dân phố nhìn ra gốc gác của chủ nhân. Hoặc đi vòng qua mũi chiếc xe 10 tỉ như thế trông có phần giống lái xe hơn là ông chủ.

Không chỉ khoe của cải vật chất, người ở phố bây giờ còn khoe khoang cả những tri thức hoặc địa vị mà mình có được. Vài người in những tấm danh thiếp còn có cả ký hiệu bàn tay chỉ sang trang sau với vô số chức danh nhà nọ nhà kia. Dân phố thường gọi đùa ông ấy là “Chung cư”. Bởi vì nơi có nhiều “nhà” như thế trong một ngôi nhà lớn thì chỉ có thể là chung cư.

Quá nhiều người khoe khoang như thế nên chữ “khoe của” giờ đây đã không còn được hiểu theo nghĩa đen thông thường nữa. Nó sẽ được hiểu là “Xôi lòi khỏi chõ” với đàn bà. Và tất nhiên không loại trừ vài đàn ông biến thái.

Theo Đỗ Phấn

Báo Lao động