Bạn đọc viết

Khó xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe

Nếu như tình hình hiện nay, khi mà người dân chưa biết đến hành vi vi phạm đối với xe "không chính chủ” sẽ bị xử phạt, do đó, đến ngày 01/01/2017 khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt hành vi "xe không chính chủ" sẽ rất khó khăn, vấp phải sự thiếu đồng tình của người dân cho dù chủ trương này có đúng.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Theo quy định điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: “ 1 . Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.; quy định này sẽ có hiệu lực bắt đầu vào ngày 01/01/2017.

Có thể nói, việc xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, (gọi tắt là xử phạt "xe không chính chủ") là chủ trương đúng nhằm tăng cường quản lý xe mô tô, xe gắn máy ở nước ta, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, trộm cắp tài sản, đặc biệt là truy tìm chủ sở hữu xe mô tô, xe gắn máy được sử dụng làm phương tiện phạm tội, giúp lực lượng chức năng phá các vụ án được kịp thời, nhanh chóng, nhất là áp dụng hình thức phạt nguội (thông qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát) được nhân chóng, thuận tiện...Mặc dù, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định "thoáng" để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức đăng ký chủ sở hữu phương tiện, kể các các phương tiện thất lạc giấy tờ sở hữu, phương tiện mua bán không giấy tờ qua nhiều người, tuy nhiên số lượng cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền chủ sở hữu là rất hạn chế. Đặc biệt, đối với người dân nông thôn, miền núi thì quy định xe chính chủ còn rất mơ hồ, nhiều trường hợp người dân không quan tâm với nhiều lý do như giá trị xe mô tô, xe máy thấp, mua bán ngay tình, ngại đến cơ quan làm thủ tục...

Vì vậy, để có thể xử phạt xe mô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe mô tô “không chính chủ” từ ngày 01/01/2017 thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay từ bây giờ như tăng cường phổ biến các quy định của xử phạt vi phạm hành chính đối với xe "không chính chủ"; vận động cá nhân, tổ chức chủ động khai báo, làm thủ tục sang tên, đổi chủ với xe mô tô, gắn máy thuộc sở hữu của mình thông qua mua bán, tặng cho... nhưng chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ; tiếp tục ban hành các quy định để đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký sang tên, đổi chủ đối với xe mô tô, xe máy; chính quyền địa phương cần phải nắm rõ số phương tiện là xe mô tô, xe máy trên địa bàn để tăng cường hoạt động quản lý và yêu cầu các chủ sở hữu thực của phương tiện thực hiện việc sang tên, đổi chủ; tiếp tục vận động, giải thích rõ cho người dân hiểu quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện đăng ký sang tên, đổi chủ...

Nếu thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp trên thì đến ngày 01/01/2017 việc tiến hành xử phạt "xe không chính chủ" mới được thuận lợi, sẽ không vấp phải sự phản ứng, mà nhận được sự đồng thuận cao của người dân và xã hội. Ngược lại, nếu như tình hình hiện nay, khi mà người dân chưa biết đến hành vi vi phạm đối với xe "không chính chủ” sẽ bị xử phạt, do đó, đến ngày 01/01/2017 khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt hành vi "xe không chính chủ" sẽ rất khó khăn, vấp phải sự thiếu đồng tình của người dân cho dù chủ trương này có đúng.

Minh Đức

tp Kon Tum, tỉnh Kon Tum

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm