Bạn đọc viết

Khép lại lễ hội mùa xuân- trăn trở suy ngẫm về văn hóa ứng xử

Lễ hội mùa xuân 2016 đã khép lại, nhưng dường như nó vẫn đang là chủ đề thu hút không chỉ của những người làm công tác văn hóa, mà trở thành những câu chuyện bàn tán trong dân Phải nói chưa năm nào chủ đề lễ hội lại được nhắc nhiều như năm nayvề những hành vi chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Từ lai căng, biến tướng phảm cảm

Mặc dù mùa lễ hội Xuân Bính Thân năm nay, ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực để chấn chỉnh các sai lệch và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số nghi lễ mang nét phản cảm, lai căng được du nhập từ nơi khác về đã được điều chỉnh, dẹp bỏ cho phù hợp.

Thế nhưng hình như dẹp được “ngoại lai” chỗ này thì “ngoại lai”, “bệnh thích hơn người” lại mọc ra chỗ khác. Đơn cử lễ hội Ná Nhèm - “mặt nhọ” tổ chức ở xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn). Đây là nghi lễ thờ Thành hoàng làng, nhắc nhớ lại truyền thống chống giặc giữ làng và cầu an, cầu mùa đầu năm mới của đồng bào địa phương. Từ năm 2015, lễ hội này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ rước linh vật sinh thực khí âm - dương (Tàng thinh - Mặt nguyệt) là nét độc đáo được phục dựng ở lễ hội, là điểm nhấn gợi sự tò mò của du khách. Song linh vật làm trần trụi, kích cỡ “khủng”, lại được sơn màu mè làm cho sự linh thiêng đã bị đánh bật khỏi tâm tưởng du khách bởi tính dung tục. Dù các tác giả của kịch bản lễ hội có giải thích thế nào về “tính nguyên gốc” của việc phục dựng thì vẫn không ngăn cản được sự liên tưởng của dư luận để từ đó nhận ra hình ảnh giống hệt có mặt tại một lễ hội khác với nội dung, tính chất hoàn toàn khác tổ chức tại Nhật Bản. Dẫu biết rằng chủ đề âm - dương giao hòa để cầu mùa, cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở từ lâu đã có trong tín ngưỡng của người Việt, xưa kia đã từng được thể hiện ở một số vùng miền, nhưng đều được coi là việc thiêng liêng, được tiến hành bằng nghi thức nhẹ nhàng, kín đáo.

Đến bạo lực và cuồng tín

Nhưng có lẽ điều khiến dư luận bức xúc nhiều nhất chính là hiện tượng thiếu tính văn hóa ở các lễ hội năm nay. Dù cố gắng chấn chỉnh, nhưng tại một số lễ hội cái hình ảnh khiến người hành hương khiếp sợ là sự hỗn loạn, ẩu đả, tranh cướp, nhếch nhác và “chặt chém”

Cho tới tận bây giờ, hẳn nhiều người chưa thể quên hình ảnh giẫm đạp kinh hoàng tại lễ hội cướp phết lấy may ở Bản Giản (Vĩnh Phúc), sau đó là cuộc hỗn chiến tương tự lại diễn ra ở Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ)- một lễ hội để dân làng tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Thiều Hoa công chúa - Thánh mẫu Đại vương, người tương truyền từng giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Nhưng đám đông thanh niên đã giẫm đạp lên nhau, thậm chí đánh nhau đổ máu chỉ để cướp quả phết đã làm cho hình ảnh đẹp về tinh thần thượng võ, ý chí mạnh mẽ khẳng định sức khỏe, khéo léo của các trai làng biến mất, chỉ còn lại là nỗi thất vọng tràn trề vì sự cuồng loạn không được kiểm soát của rất nhiều thanh niên. Rồi nữa, là biển người lao vào giật - cướp “lộc” trong đêm khai ấn Đền Trần (Nam Định) chứng tỏ một điều là niềm tin (chính xác là mê tín) chi phối suy nghĩ, hành xử của một số người đến mức nào.

Chỉ vì suy nghĩ rằng mình không cướp nhanh người khác cướp mất mà họ như trở nên man dại! Cũng phải đề cập tới cảnh những tốp thanh niên lao vào nhau với những đòn đánh đúng theo nghĩa đen để cướp hoa tre trong lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội) diễn ra từ năm trước làm cho du khách “sợ” hội Gióng. Đến năm nay, dù ban tổ chức rất cố gắng bố trí nhiều nhân viên giữ trật tự và bảo vệ hoa tre, mâm trầu được rước đúng kịch bản, vẫn bị đám đông chủ yếu là các thanh niên bất chấp cả những lễ nghi, phép tắc ở chốn thiêng liêng, chen lấn cướp sạch mâm trầu khi chưa kịp rước về đền Hạ. Người đến dự lễ hội với tâm thế trong sáng chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước nạn tranh cướp hỗn loạn và ý nghĩa của tục cướp “hèm” xưa kia đã hoàn toàn bị phá hỏng.

Đó là chưa kể tới chuyện “mua thần bán thánh” xưa kia chỉ thuộc về những thầy bói, thầy cúng thì bây giờ nhiều người đi lễ hội đều sa vào cuộc. Người ta coi thánh thần, phật pháp, anh linh tất tật đều có thể mua bán, coi chốn tôn nghiêm như một “cái chợ” cầu xin. Người ta cố ấn nhét đồng tiền vào tay, vào tấm thân thần Phật hòng sống sượng đòi lấy phúc, lấy lộc…

Làm gì để trả lại giá trị của lễ hội

Với gần 8000 lễ hội, trong đó, trên 70% là lễ hội truyền thống, có thể nói, lễ hội là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Tham gia các hoạt động lễ hội chính là dịp tốt để mỗi người con đất Việt tưởng nhớ về cội nguồn, tổ tiên và thành tâm cầu chúc cho “quốc thái, dân an”; cầu chúc cho mỗi gia đình, từng người dân và đất nước luôn luôn an lành, hạnh phúc và cường thịnh. Mặt khác, lễ hội còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân... Chính vì vậy, hoạt động này luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đông đảo các tầng lớp nhân dân hào hứng tham gia và trở thành hoạt động văn hóa, tâm linh không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Để lễ hội phát triển đúng hướng, thật sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, bên cạnh việc các địa phương cần thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong các lễ hội theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tổ chức và quản lý của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương về các hoạt động lễ hội nhằm phát huy những yếu tố tích cực và ngăn chặn những yếu tố tiêu cực trong lễ hội truyền thống, đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý lễ hội phù hợp với cấu trúc, đặc điểm và những yếu tố cấu thành của lễ hội truyền thống, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Sau lễ hội, các nhà tổ chức, quản lý, chính quyền địa phương cần đúc rút những bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực đã tồn tại nhiều năm liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Đặc biệt là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục những nhận thức sai lệch, méo mó về tổ chức và tham gia lễ hội; giáo dục nâng cao ý thức cho người tham gia lễ hội, loại bỏ cái thói háo danh, ganh đua, vơ vét, tham lam quyền chức, bổng lộc của đời sống xã hội đã “đổ bộ” vào chốn tâm linh, khắc phục tư duy coi lễ hội là dịp “làm ăn”, là cơ hội để “moi tiền” của du khách thập phương. Nhất là làm cho mỗi người tham gia lễ hội thấy được việc đến với lễ hội, đó không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm