Khát vọng hòa bình cho Libya

(Dân trí) - Tôi cũng như không ít người dân VN bắt đầu chú ý tới Libya sau này cũng như Iraq trước đây, sau khi chiến sự nổ ra tại các quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa trên, dẫn tới các cuộc di tản ồ ạt người nước ngoài, trong đó có các lao động VN.

Khát vọng hòa bình cho Libya - 1
Ước vọng hòa bình cho Libya (ảnh: ayman.iyobo.com)

 

Khép lại quá khứ đau thương

 

Dư luận người dân VN đã rất lo lắng và rồi thở phào nhẹ nhõm sau khi hơn 10 ngàn lao động VN từ mọi vùng xa xôi nhất ở Libya đều được đưa về nước an toàn. Giờ đây tuy cuộc sống của nhiều người trong số họ vẫn còn khó khăn, nhưng ai cũng mừng thay cho những người có thể coi như vừa “từ cõi chết” trở về, bởi các thông tin dồn dập sau đó cho thấy chiến sự trên từng vùng đất của Libya ngày càng dữ dội, khốc liệt hơn.

 

Cái giá mà đất nước Libya tuy có diện tích gần 1, 8 triệu km vuông (gấp 5 lần Việt Nam) nhưng dân số chỉ hơn 6 triệu người, phải trả quá lớn: khoảng 35 ngàn người dân Libya thiệt mạng, hàng chục ngàn người khác bị thương và mất tích, theo lời ông B.A. Al-Mansori  - đại diện lâm thời Hội đồng Chuyển tiếp dân tộc Libya (NTC) nói tại Hà Nội tối 6/10. Ông B.A. Al-Mansori hiện là Đại sứ Libya tại Malaysia, vừa được đề cử kiêm nhiệm Việt Nam.

 

Mọi diễn biến tình hình trước đó đều cho thấy kết cục xấu sẽ đến với đại tá Moammar Gadhafi sau khi thủ đô Tripoli thất thủ hồi tháng 8. Song chúng tôi vẫn bất ngờ khi nó lại tới sớm như vậy, hơn nữa lại diễn ra theo cách quá bi thảm ngay tại thành phố quê hương Sirte của ông Gadhafi hôm 20/10.
 
Khát vọng hòa bình cho Libya - 2
Cảnh chiến sự ở Libya (ảnh: Europe News)

 

Hàng trăm ý kiến của độc giả VN cùng chia sẻ với các nhận định được giới chuyên môn cũng như dư luận thế giới đưa ra, nhất là câu hỏi: Libya thời hậu Gaddafi sẽ như thế nào? liệu có sa vào nội chiến với giao tranh liên miên như Iraq, Afghanistan…hay không. Cũng có nhiều ý kiến bày tỏ bất bình với cách hành xử quá khích dẫn tới cái chết đầy nghi vấn của ông Gadhafi, mà theo một độc giả là "lịch sử chắc sẽ còn tốn nhiều giấy mực mổ xẻ chuyện này". 

 

Bạn đọc nhỏ tuổi Phuong Anh babykute_cry_therain@yahoo.com.vn nhận định khá già dặn:

 

“Cháu mới học lớp 8 và cũng đã xem các tin tức cuộc chiến tranh này. Cháu không hiểu vì sao người ta lại quá tốn công sức về các cuộc chiến tranh vô nghĩa như vậy. Trên thế giới này có bao nhiêu việc có ích cần phải làm, mà sao các nhà chức trách lại ít quan tâm hơn... Các thế hệ về sau sẽ nghĩ thế nào về ngày hôm nay, về những người luôn nói đến văn hóa, văn minh mà hành xử ngược lại như vậy. Từ lúc cháu còn học mẫu giáo, cả trên lớp và khi về nhà gặp bố mẹ, ông bà, ai ai cũng dạy chúng cháu về sự nhường nhịn, lòng khoan dung... Sao họ lại không dùng những số tiền đã đổ vào chiến sự để giải quyết các vấn đề  như: nạn đói đang hoàng hành ở châu Phi, hay tình trạng thiếu nước sạch mà trên các kênh thời sự đang nói rất nhiều. Những tay súng đó sao họ giết người dã man quá và dường như là không có tình người. Liệu thấy người lớn trong thực tế cuộc sống như vậy, chúng cháu có tin và noi theo được những lời dạy của thầy cô, hay những điều tốt đẹp mà chúng cháu luôn được học trong sách vở hay không?”

 

Sang trang sử mới

 

Cũng từng là người lính tham gia chiến trận, Nguyễn Phan nphan743@gmai.com liên tưởng:

 

“Một dân tộc bị chia rẽ, nội chiến đau thương, dân thường chết chóc. Hy vọng từ nay  nhân dân Libya không ai phải chịu hoàn cảnh này nữa. Đoạn clip khiến tôi có cảm giác thật lạ. Sao họ không cư xử như những gì quân đội VN đã làm ngày 30/04/1975 ở Sài Gòn nhỉ? Tôi đã đi qua chiến tranh, trực tiếp cầm súng, chỉ huy chiến đấu, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh bắt tù binh ngày chiến thắng lại như vậy. Cảm giác thật khó tả...”

 

Nick Mr Siro  songdegianghogoitaula_daica@yahoo.com có cùng nỗi trăn trở như nhiều người khác:

 

“Ôi chiến tranh thật là tàn nhẫn... Tôi nghĩ có lẽ cuộc chiến ở Lybia chỉ tạm kết thúc thôi... Thật đáng thương cho ông Gadhafi, dù ông có phạm tội ác gì thì cũng phải xử theo tính nhân đạo chứ, sao có thể không có lòng bao dung như vậy. Rồi sao này hận thù cứ tiếp diễn mãi, chỉ có người dân Lybia là còn khổ nữa... Cầu mong cho đất nước và người dân Lybia sớm có lại hòa bình...”

 

Tuan haihoabanglang1986@gmail.com cảnh báo:

 

“Từ những thông tin trên cho thấy, chính phủ lâm thời Libya hình như chưa kiểm soát hết được tình hình. Họ hay binh sĩ của họ vẫn có những hành động bộc phát với tướng lĩnh của chính phủ cũ. Do vậy, tôi nghĩ Libya vẫn chưa thực sự bền vững nếu chính phủ mới không có những biện pháp thay đổi khi kết thúc cuộc chiến”. 

 

Hòa  bình và ổn định cho Libya cũng là mong ước chung của tất cả những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đang hướng về đất nước mang trên  mình bao vết thương cần hàn gắn này. 23/10 là ngày chính quyền mới tuyên bố Libya được giải phóng. NATO cũng đã có kế hoạch chính thức chấm dứt chiến sự vào 31/10. Hy vọng sau đó sẽ là những nỗ lực mạnh mẽ tái thiết đất nước Libya.
 
Khát vọng hòa bình cho Libya - 3
Lao động Việt Nam trở về nước sau những biến động tại Libya (ảnh: Bảo Chân, Hà Nội Mới)

 
Về quan hệ VN – Libya, đã có những tín hiệu tích cực bao gồm cả cho những lao động trở về từ Libya và vẫn muốn được quay trở lại nơi mình đã quen đất, quen người...

 

Báo Lao Động ngày 8/10 dẫn lời ông B.A. Al-Mansori khẳng định: “Những gì người dân Libya cảm nhận về Việt Nam cho đến nay đều hết sức tốt đẹp. Vì vậy, quan hệ song phương nếu có thay đổi cũng sẽ theo hướng tốt lên, vì lợi ích cho cả người dân Libya và Việt Nam. Gần 2 thập kỷ trước, Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo, nhưng giờ đây đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Libya muốn học hỏi kinh nghiệm đó từ Việt Nam để giúp người dân nghèo cải thiện cuộc sống. Có rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai bên và NTC sẽ sớm đưa ra lộ trình để thúc đẩy quan hệ song phương”. Ông đồng thời cho hay: “Tái thiết đất nước đang là một nhiệm vụ lớn của Libya và chúng tôi sẽ cần đến rất nhiều lao động. Libya đang rà soát lại danh sách các công ty xuất khẩu lao động và hy vọng sớm mở cửa đón lao động Việt Nam quay trở lại”. 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm